Xã hội - giải trí

10 sự kiện CNTT thế giới nổi bật do ICT bình chọn

Đăng bởi: hangnt | 5/12/2019
Google trải qua cuộc tái cấu trúc lớn chưa từng có, Apple ra mắt iPad khổng lồ và thương vụ mua lại EMC với mức giá kỷ lục của Dell là 3 trong số 10 sự kiện nổi bật của làng công nghệ thế giới trong năm 2015.

Chỉ ít ngày nữa, năm 2015 sẽ khép lại. Thế giới nói chung và làng công nghệ nói riêng cũng “chuyển mình” đón chào năm 2016. 2015 có thể được coi là năm của nhiều cuộc tái cấu trúc và sáp nhập của các công ty lớn như Google hay Dell. Đây cũng là năm đáng báo động về tình trạng mã độc, virus, phần mềm độc hại tấn công thiết bị của người dùng. Không chỉ thế, năm 2015 cũng chứng kiến sự ra đời của nhiều sản phẩm mới, sự thành công của mạng xã hội Facebook và cả cuộc chiến chưa có hồi kết giữa nhóm hacker Anonymous và tổ chức Hồi giáo IS. Hãy cùng ICTnews nhìn lại một năm đã qua với bài viết tổng kết 10 sự kiện CNTT nổi bật trên thế giới. Google tái cấu trúc trở thành công ty Alphabet

Năm 2015, Google trải qua cuộc tái cấu trúc lớn chưa từng có, khai sinh ra công ty mẹ Alphabet với Larry Page là người đứng đầu. Google, công ty con phụ trách mảng tìm kiếm, YouTube, Android và Chrome OS sẽ do vị CEO mới, ông Sundar Pichai điều hành. Ngoài ra, Alphabet còn là ngôi nhà của nhiều doanh nghiệp khác như Nest, nhà sản xuất bộ ổn nhiệt thông minh; Calico, công ty nghiên cứu tuổi thọ con người; Google Fiber, nhà cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao; Google Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm; Capital, chuyên thực hiện các giao dịch vốn chủ sở hữu; Google X, tập hợp các dự án như xe hơi tự lái, chuyển phát bằng máy bay không người lái, khinh khí cầu Internet. Mỗi công ty con của Alphabet đều có CEO riêng, báo cáo công việc lên ông Page. Theo thông tin rò rỉ từ nội bộ công ty, Google đã lên kế hoạch thành lập công ty mẹ Alphabet ít nhất trong 4 năm. Mục tiêu là để ”giải phóng” hai đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin khỏi các công việc và chức vụ CEO, để họ không còn phải suốt ngày vướng bận điều hành kinh doanh và dành đầu óc ”phát minh” ra một Google tiếp theo trong tương lai. Ngoài ra, logo Google cũng có sự thay đổi, đơn giản, ít nét móc và tròn trịa hơn. Huawei vượt Microsoft trở thành hãng sản xuất smartphone lớn thứ 3 trên thế giới

Theo số liệu thống kê công bố vào tháng 7 của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, Microsoft đã chính thức để mất vị trí nhà sản xuất điện thoại lớn thứ ba thế giới vào tay đối thủ đến từ Trung Quốc Huawei. Trong quý II/2015, thị phần điện thoại của Microsoft tụt xuống chỉ còn 6,4%, giảm đáng kể so với thị phần một năm trước đó (11,9%). Hãng phần mềm đến từ Mỹ chỉ xuất xưởng được 27,8 triệu điện thoại trong quý này, giảm từ 50,3 triệu máy so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần 6,4% cũng gần như là con số thấp nhất trong lịch sử của công ty. Ngược lại, công ty Trung Quốc Huawei lại vươn lên mạnh mẽ, với thị phần tăng từ 4,8% của quý II/2014 lên 7%. Huawei xuất xưởng được 30,6 triệu điện thoại trong quý II/2015, trong khi con số này của quý II/2014 chỉ là 20,6 triệu máy. Đến tháng 10/2015, vị trí “Nhà sản xuất điện thoại số 1 Trung Quốc” của Xiaomi cũng bị Huawei tước mất.  Nhờ một số sản phẩm nổi bật như P8 và Mate 8, Huawei đã có một năm thắng lợi. Thế nhưng Huawei vẫn còn 2 đối thủ quá lớn cần phải vượt qua là Samsung và Apple lần lượt ở vị trí số 1 và số 2. Windows 10 ra mắt

Tháng 1/2015, Microsoft chính thức giới thiệu về phiên bản “nhảy vọt” Windows 10. Hệ điều hành này đã được phát hành vào ngày 29/7 và trong vòng 1 năm kể từ thời điểm bán ra, người dùng Windows 7 và Windows 8.1 có bản quyền sẽ được nâng cấp miễn phí. Quá thời gian trên, nếu muốn nâng cấp, bạn sẽ phải mua bản quyền Windows 10 như thông thường, với giá 119 USD cho bản Windows 10 Home và 199 USD cho bản Windows 10 Pro. Mục tiêu và tham vọng của Microsoft chính là tìm cách để Windows 10 chạy tốt trên mọi loại thiết bị, cho dù đó là desktop, tablet hay điện thoại. Nhờ tính năng Continuum, hệ điều hành sẽ tự động nhận biết được khi nào thì bạn đang sử dụng máy tính, hoặc đang dùng màn hình cảm ứng, để từ đó đưa ra những điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra, Windows 10 còn mang một số đặc điểm đáng chú ý khác như sự quay trở lại của nút Start, sự xuất hiện của trợ lý ảo Cortana và trình duyệt mới Microsoft Edge. Có hàng triệu máy tính đã được cập nhật lên Windows 10, thế nhưng xung quanh sự thành công trong việc phổ biến phần mềm này, Microsoft cũng gặp phải rất nhiều “lùm xùm” về các vấn đề như ép người dùng cập nhật lên Windows 10 hay Windows 10 bị tố là ổ gián điệp tệ nhất trong lịch sử. Dell, Lenovo lén cài phần mềm quảng cáo vào máy tính người dùng

Hồi tháng 2/2015, Lenovo, nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới hiện nay, bị tố cài đặt adware (phần mềm quảng cáo) vào máy tính bán ra cho người dùng. Có tên gọi Superfish, adware này có thể đưa các quảng cáo của bên thứ ba vào các kết quả tìm kiếm trên Google. Nghiêm trọng hơn, loại adware này còn có thể tiếp tay cho hacker ăn cắp các thông tin cá nhân quan trọng của người dùng như tài khoản ngân hàng. Mike Shaver, một kỹ sư của Facebook, mới đây cũng phát hiện ra rằng Superfish đã cài một chứng chỉ “man-in-the-middle”có thể cho phép các bên thứ ba theo dõi các website bạn truy cập. Lenovo sau đó đã phải tung công cụ gỡ bỏ adware này. Những ngày cuối năm 2015, đến lượt hãng Dell cũng dính vào một scandal tương tự. Facebook cán mốc 1 tỷ người dùng trong một ngày

Facebook công bố mạng xã hội của họ đạt kỷ lục 1 tỷ người dùng truy cập cùng lúc trong ngày hôm 27/8/2015. Điều này có nghĩa trên thế giới, cứ 7 người thì có 1 người truy cập mạng xã hội Facebook trong hôm 27/8. Con số người dùng thường xuyên, tích cực hàng tháng của Facebook cũng cán mốc 1,5 tỷ người. Facebook ngày càng trở thành một kênh giao tiếp không thể thiếu của người dùng Internet. Cho dù là trên máy tính hay trên smartphone, mạng xã hội này trở thành điểm đến để mọi người chia sẻ ảnh, bài báo, cũng như suy nghĩ của chính bản thân mình với người thân. Android dính lỗ hổng bảo mật Stagefright ảnh hưởng gần 1 tỷ thiết bị

Nền tảng Android của Google từ trước tới nay luôn bị đánh giá thấp về khả năng bảo mật, và Stagefright là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Stagefright là tên gọi của thư viện media, một phần trong mã nguồn mở của Android giúp điện thoại bung các tin nhắn đa phương tiện, cho phép thiết bị hiểu được các nội dung MMS (nội dung đa phương tiện). Với Stagefright, tin tặc có thể tấn công chỉ bằng cách đơn giản là gửi đi tin nhắn MMS độc hại đến thiết bị của nạn nhân. Nó nguy hiểm tới mức, người dùng không cần mở tin nhắn đó ra thì mục đích của kẻ xấu đã được hoàn thành bởi ngay khi nhận tin, điện thoại của họ đã bị lây nhiễm. Google mặc dù nhận thức được sự nguy hiểm của Stagefright nhưng việc khắc phục lại không hề dễ dàng. Lý do là bởi, không như iOS, quá trình phát hành một bản cập nhật vá lỗi cho Android phải qua rất nhiều bước, liên quan tới nhà sản xuất phần cứng lẫn nhà mạng viễn thông. Kho ứng dụng App Store bị lọt ứng dụng chứa mã độc

Nói về độ bảo mật, iOS của Apple dù được đánh giá cao hơn Android. Thế nhưng, năm 2015 cũng chứng kiến một lỗi bảo mật nghiêm trọng trên nền tảng này. Lỗi bảo mật nghiêm trọng của iOS có tên Xcodeghost. Đây là phiên bản giả mạo của Xcode, framework lập trình của Apple và được các lập trình viên sử dụng để viết app, game chúng ta sử dụng, chơi hàng ngày. XcodeGhost sử dụng một phiên bản cũ của Xcode để tích hợp các chức năng độc hại vào trong ứng dụng mà lập trình viên không hề hay biết. Bất kỳ ứng dụng nào được lập trình bằng XcodeGhost đều có nguy cơ bị hacker tấn công. Apple cũng thừa nhận lỗ hổng bảo mật trên công cụ lập trình của mình, đồng thời công khai các ứng dụng bị ảnh hưởng cũng như tung công cụ gỡ bỏ Xcodeghost để dập tắt scandal bảo mật trong 2015 này. Lần đầu tiên Apple ra iPad khổng lồ

Vào ngày 10/9, Apple chính thức giới thiệu mẫu máy tính bảng “khổng lồ” iPad Pro với màn hình 12.9 inch. Đây là lần đầu tiên Apple ra mắt mẫu iPad “khủng” đến vậy. Ngoài kích cỡ lớn, iPad Pro còn có một điểm đáng lưu ý nữa là được sử dụng kèm với bút cảm ứng Apple Pencil. Trước đó, chính cố CEO Steve Jobs của Apple đã có những lời nói chắc nịch rằng Apple sẽ không bao giờ sản xuất bút cảm ứng dành cho máy tính bảng hay điện thoại, vì “không một ai cần đến bút cảm ứng cả”. Năm 2007, khi giới thiệu mẫu iPhone đầu tiên, Steve Jobs đã chế giễu những mẫu smartphone thời đó vì chúng có bút cảm ứng. “Chúa đã trao cho chúng ta 10 chiếc bút cảm ứng. Vì thế đừng sáng tạo thêm một chiếc bút nữa”, Jobs từng nói Vào đúng “ngày độc thân” 11/11, iPad Pro đã được bán ra. Sản phẩm khá được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. FPT Shop từng cho biết khi bắt đầu cho đặt hàng mua iPad Pro, đã có tới 75% đơn hàng đặt mua iPad Pro tại hệ thống FPT Shop đều chọn phiên bản cao cấp nhất, là iPad Pro 128GB Wi-Fi 4G. Trong năm 2015, Apple còn ghi dấu ấn với việc lần đầu tiên bán ra sản phẩm đồng hồ thông minh Apple Watch. Dù không gây nhiều tiếng vang như với iPhone và iPad, song Apple Watch cũng là sản phẩm ghi dấu ấn về thời đại Tim Cook tại Apple. Thương vụ lớn nhất lịch sử ngành công nghệ: Dell mua EMC giá 67 tỷ USD

Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ, khiến Dell đã lớn lại càng trở nên khổng lồ. EMC là một công ty nổi tiếng nhất trong lĩnh vực sản phẩm lưu trữ dữ liệu. Với thương vụ này, Dell sẽ trở thành một trong những nhà cung cấp sản phẩm điện toán dành cho doanh nghiệp lớn nhất. Mảng lưu trữ kỹ thuật số của EMC sẽ đóng góp thêm vào mảng máy chủ và dịch vụ CNTT sẵn có của Dell. Nhà sản xuất máy tính lớn thứ 3 trên thế giới cho biết mình sẽ cung cấp những giải pháp cuối đến cuối (end to end) đến cho khách hàng. Tuy nhiên sự tiếp quản đầy tham vọng này của Dell dường như đi ngược lại xu hướng của cả nền công nghiệp, trong khi e-Bay và HP đang cố gắng tinh giảm cũng như chia tách các mảng kinh doanh thay vì làm cho mình trở nên to lớn hơn để thích nghi với sự thay đổi của thị trường. Một điều đáng lưu ý nữa là, sau cuộc mua bán này, Dell phải gánh khoản nợ lên tới 40 tỷ USD. CEO HP, Meg Whitman nói với các nhân viên của mình rằng Dell sẽ phải trả 2,5 tỷ USD chỉ tính riêng tiền lãi hàng năm cho khoản nợ khổng lồ này. Chiến tranh mạng giữa tổ chức Hồi giáo IS và nhóm hacker Anonymous

Cuộc chiến này bắt nguồn từ sau cuộc khủng bố đẫm máu tại Paris hôm 13/11, khiến 129 người thiệt mạng, rất thu hút sự quan tâm của toàn thế giới và đứng đầu trong danh sách những sự kiện được tìm kiếm thông tin nhiều nhất toàn cầu trên Google Trends 2015. Nói về cuộc chiến tranh mạng giữa hai thế lực, đầu tiên là nhóm hacker Anomymous tuyên bố sẽ đánh IS trên mạng Internet, và thực tế cuộc chiến này đã diễn ra. Nhiều tài khoản Twitter của IS bị hạ gục, nhiều kênh liên lạc của IS bị phá hỏng. Đến lượt IS tự nhận họ là ông chủ của thế giới ảo và sẽ trả đũa Anonymous. Hôm 7/12, nhóm hacker Anonymous còn tuyên bố sẽ dành riêng một ngày là ngày 11/12 làm “Ngày trêu tức IS” với những cuộc tổng tấn công vào các tài khoản Twitter, Facebook và YouTube của IS. Điều đáng nói là câu chuyện về cuộc chiến trên mạng giữa IS và Anonymous đã lan đến cả Việt Nam, khi có thông tin hacker Việt bị nghi ngờ tấn công webchat của Anonymous, thậm chí có người đã tự lập fanpage trên Facebook, nhận là thành viên của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Từ ngày 17 – 27/11, Bộ Công an đã điều tra và tìm ra ba đối tượng học sinh từ 13 – 14 tuổi tại Bình Định, Đăk Lăk và Bà Rịa – Vũng Tàu chính là tác giả của hành vi mạo danh sử dụng tài khoản Facebook “Timz Zhunusov” (nghi phạm đứng đầu vụ thảm sát ở Paris), thay đổi avatar bằng hình ảnh thành viên IS và đăng nội dung kích động, đe dọa tấn công khủng bố bằng tiếng Ả Rập (sử dụng Google Translate để dịch từ tiếng Việt).

Theo ICT News