Xã hội - giải trí

Bản sắc Hà Nội là gì?

Đăng bởi: editor | 25/11/2014
Tôi hỏi một kiến trúc sư có tiếng rằng bản sắc kiến trúc Hà Nội là gì? Anh trả lời đó là sự lộn xộn – một tổ hợp hình thái kiến trúc không liên quan đan xen vào nhau.

Tôi lại hỏi, thế ý anh là Hà Nội vốn không có bản sắc gì để mà giữ? Anh lắc đầu: Không, đấy chính là Hà Nội, một Hà Nội vô ngã và không cần có một ngôn ngữ chung.

Những mái nhà xanh đỏ nhấp nhô không quy luật, những lằng nhằng dây điện, những bà bán nước chè ngồi ngay giữa ngõ chắn lối xe qua – ngõ phố Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng như một bức tranh linh loạn sắc màu và chi tiết. Anh kiến trúc sư bảo tôi rằng đó là “ugly nice” – “sự xấu xí đáng yêu”. Nhiều người yêu Hà Nội vì sự “ugly nice” ấy. Những ông “Tây ba lô” đến thành phố này sẽ rất sung sướng được chụp ảnh trong khung cảnh ấy.

Tôi tự hỏi cái quan điểm về bản sắc kiến trúc ấy có thể mở rộng ra, thành quan điểm về cả Hà Nội? Bản sắc của Hà Nội là gì? Có phải chính là việc không có bản sắc?

file.321618

Nếu chỉ dùng một từ để miêu tả nét đặc trưng của mỗi vùng, có thể nhiều người đồng ý với tôi rằng: Miền Tây chân chất, Sài Gòn phóng khoáng, Miền Trung tằn tiện. Còn Hà Nội? Tôi từng làm một trắc nghiệm nhỏ với những người bạn rằng, đặc tính của người Hà Nội là gì? Câu trả lời không có điểm chung.

Quan điểm phổ biến về sự “thanh lịch” hình như đã lỗi thời. Hà Nội từ ngày xưa đã là đất buôn bán, là Kẻ Chợ. Những bà, những mẹ – bây giờ đứng đầu các chuỗi nhà hàng “bún mắng cháo chửi” trên phố cổ đấy – không thể nói rằng họ không phải “người Hà Nội” và cũng không thể trách nếu họ có chút khó chịu về tính cách. Buôn bán ở mảnh đất này – với tất cả bối cảnh kinh tế, xã hội và mệnh lệnh hành chính sai lầm của những thập kỷ trước – đầy khó khăn và vất vả, nên tôi không thể đòi hỏi những người thuộc thế hệ ấy, phải lăn lộn trong cái Chợ Cả ấy, có thể “thanh lịch” được.

Ấn tượng về sự thanh lịch có lẽ đã được tạo ra từ một tầng lớp trí thức Pháp học cũ. Nhưng họ có đại diện được cho Hà Nội hay không, hay đó chỉ là một ấn tượng được tô đậm lên, không ai có thể khẳng định được. Bây giờ có nhiều người trách cứ Hà Nội về việc thiếu “thanh lịch”, nhưng thực tế của một Hà Nội đa sắc màu, đa tính cách không còn ủng hộ hướng tư duy ấy.

Có lẽ chúng ta nên chấp nhận quan điểm Kẻ Chợ đã và sẽ là một vùng đất vô ngã? Rằng ở đây, thứ gì cũng có. Người Hà Nội qua những biến thiên của thời gian trở nên dễ chấp nhận nhiều giá trị, và đặc tính của Hà Nội là không có đặc tính. Ở đây, có sự thanh lịch, có cả sự xô bồ và bon chen; ở đây, có vẻ đẹp đầy lãng mạn và có những sự xấu xí.

Anh kiến trúc sư bảo tôi rằng anh vẫn yêu thành phố này, bởi vì yêu thì không cần lý do cụ thể. Tôi đồng ý. Tôi cũng có tình cảm với những ngõ phố lằng nhằng dây điện, những mái ngói liêu xiêu, thậm chí cả những cột điện nằm ngang giữa lối. Bởi đó là tình yêu.

Nói về tinh thần địa phương, tôi nhớ Nguyễn Nhật Ánh với tản văn “Người Quảng đi ăn mì Quảng”. Nhà văn nói đại ý: không người Quảng nào đi ăn mì Quảng mà cảm thấy hài lòng cả. Mì Quảng trên đời trong mắt người Quảng phần lớn đều không nấu đúng cách. “Khách A bảo: Sợi mì không đúng. Khách B phán: Rau sống sai rồi. Cũng có khách khen “ngon”, nhưng quay sang con gái ngồi cạnh, thòng thêm một câu: “Nhưng bà nội mày nấu ngon hơn”.

Đó là bởi vì mì Quảng là món ăn chỉ đúng với ký ức, với trải nghiệm của từng người. Vốn bản thân nó, một món ăn bình dân tùy biến theo hoàn cảnh, đã không có công thức chung. Nó là khái niệm của ký ức. Hà Nội có lẽ cũng thế.

Mảnh đất này, đã làm đầu tàu của đất nước đi qua bao nhiêu biến động, đổi thay, đón bao nhiêu kẻ đến, tiễn bao nhiêu người đi, hứng bao nhiêu bom đạn và nở bao nhiêu hoa hồng. Nó đã và sẽ mang nhiều hình hài. Có lẽ, cuộc tranh luận “thế nào là Hà Nội” sẽ còn tiếp diễn, bởi vì thế nào là một Hà Nội “chuẩn” chỉ là thứ tồn tại trong tâm niệm của từng con người đã gắn bó với thủ đô.

Đức Hoàng