Xã hội - giải trí

Bảo hiểm dành cho ai

Đăng bởi: hangnt | 28/9/2015
Sớm thứ năm tuần trước, tôi đi đón một vị khách đặc biệt tới hội thảo về Bảo hiểm xã hội. Anh tên Trường, là một người bạn của tôi, đã có một thời gian dài làm bốc vác, phiêu bạt từ làng nhựa Triều Khúc, chợ Đồng Xuân cho đến chợ Long Biên, Hà Nội.

Anh Trường đến hội thảo, ngồi ngượng ngập dưới hàng ghế cuối. Vị chủ tọa xuống tận nơi, và bắt đầu hỏi anh về bảo hiểm xã hội. Anh có biết đến nó không? Anh tất nhiên không biết. Anh chỉ biết mỗi “bảo hiểm y tế”, mà thật ra cũng chưa bao giờ có trong đời làm bốc vác của mình. Anh chỉ hơi hơi hiểu những gì các giáo sư, tiến sĩ đang nói trong hội thảo rằng người ta cần có một khoản để dành nào đó. Anh bảo, người lao động như anh lo lắm, chỉ biết tự ki cóp cho những khi ốm đau. Còn cái “bảo hiểm xã hội”, anh không làm sao biết được. Đêm nào anh cũng bốc hàng ở chợ đến 5h sáng, khi về thì ngủ đến chiều, rồi dậy loanh quanh cơm nước, đến tối lại ra chợ chờ những chuyến hàng. Trong phòng trọ của anh, tôi đến, không có một quyển sách quyển báo.

156469510926

Những người lao động tự do như anh, không làm sao biết được rằng mình có thể đóng “bảo hiểm xã hội tự nguyện”. Dù họ có thu nhập không quá tồi và có nhu cầu để dành. Anh Trường, mỗi ngày vác cả tấn hàng, cũng được vài trăm nghìn. Những người như anh, ăn uống rất tiết kiệm và cũng có chút tiền để dành.

Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở nước ta, tức là những lao động tự do như anh Trường, mà có bảo hiểm, chỉ chiếm 5% lực lượng này.

95% người lao động tự do không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Một vị giáo sư nói rằng đấy là “một thị trường quá lớn”. Tôi tự hỏi rằng tại sao, một bên là hàng triệu người rất muốn dành dụm cho lúc già yếu, một bên là một cái quỹ bảo hiểm đang chênh vênh trước nỗi lo “vỡ quỹ” mà không gặp được nhau.

Có một điều mà anh Trường đã không thể kể trong hội thảo về bảo hiểm xã hội. Đó là trong suốt quãng đời lao động của anh, từ lúc còn làm rẫy ở quê cho đến khi lên thành phố bốc vác, hệ thống duy nhất cố tiếp cận và cùng anh “vẽ” lên một tương lai ổn định lâu dài, là một đơn vị bán hàng đa cấp. Tôi sẽ không nói về bản chất của hệ thống này, chỉ biết, anh Trường sau khi dùng những đồng tiết kiệm còm cõi của mình “đầu tư” vào cơ hội tương lai ấy, giờ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nặng về tinh thần.

Tôi tự hỏi rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang làm gì và đã có kế sách gì để những người như anh Trường biết đến sự tồn tại của họ, chứ chưa nói rằng thu hút và thuyết phục người lao động.

Câu hỏi ấy càng khiến tôi khó chịu hơn, khi mà mới đây, Bảo hiểm xã hội một số tỉnh thành lại “thu gộp” 15 tháng bảo hiểm y tế của học sinh sinh viên. Luật chỉ quy định thu 12 tháng, nhưng vì lý do nào đấy, mà Bảo hiểm xã hội ở 8 tỉnh cố thu thêm 3 tháng nữa. Người dân bức xúc. Và tôi thấy cái việc Bảo hiểm Xã hội “cố” 3 tháng ấy của học sinh sinh viên là rất vô lý khi mà cái thị trường 95% lực lượng lao động tự do rất đỗi mênh mông kia thì bị lãng quên hoàn toàn.

Hay là bởi vì đã từ lâu, nhiều cơ quan sự nghiệp của chúng ta trông vào các mệnh lệnh, trông vào những cái gì có thể “bắt buộc” đơn cử như bảo hiểm bắt buộc, nên đã đánh mất cái ý thức xây dựng thị trường, tự phát triển lĩnh vực của mình.

Hay là bởi vì đã từ lâu, những lao động tự do ngồi bệt trên vỉa hè thành phố, đã trở thành những hình ảnh quen thuộc như cây cỏ, đến mức không ai đặt câu hỏi về chính sách cho họ nữa.

Anh Trường giờ đã không còn tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nữa. Nhưng tôi không biết rằng điều đó với anh là may mắn hay bi kịch: anh không còn gì để bấu víu và hoạch định kế hoạch cho tương lai. Dù anh cũng lo. Anh đã chứng kiến nhiều “đồng nghiệp” – những lao động già vất vưởng khi không còn sức lực.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)