Xã hội - giải trí

Câu chuyện Internet of Things với Việt Nam

Đăng bởi: hangnt | 5/12/2019

Ngày nảy ngày nay, cô Tấm Vina hằng ngày vẫn phải thức khuya dậy sớm làm việc. Cho đến một  ngày, khi đã quá kiệt sức, cô bật khóc và ước có một chiếc chổi tự động biết quét nhà, một chiếc máy tự động cho gà và cá bống ăn, khóa nhà tự động chốt chặt khi cô đi hội… Bỗng, bụt hiện lên và đưa cho cô một chiếc di động mang nhãn hiệu “Quả táo cắn dở” có thể điều khiển tất cả mọi thứ như cô mong muốn.

Nghe thật thích thú! Điều tưởng chừng chỉ tồn tại trong những câu chuyện cổ tích hay trên màn hình tivi đã dần trở thành hiện thực tại những nơi có nền công nghệ thông tin phát triển như Châu Âu hay Châu Mỹ…

Năm 1966, khi lần đầu tiên các nhà khoa học ở Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến DARPA, Mỹ tạo ra Internet, họ chỉ muốn kết nối các nhà khoa học tại các trường đại học với nhau. Chắc chắn họ sẽ chẳng thể ngờ rằng đến những năm 90 của thế kỷ 20, hệ thống này lại phủ sóng rộng khắp, kết nối máy tính với con người trên toàn thế giới với tên gọi Web 1.0. Tuy nhiên, với Web 1.0, người sử dụng chỉ có thể tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Tiếp tục phát triển cho đến năm  2004, Web 2.0 được đưa vào ứng dụng với sự nở rộ của các mạng xã hội kết nối con người với con người và ngay sau đó, khái niệm “Web of everything” kết nối vạn vật đã hình thành trong đầu các nhà tiên tri công nghệ hàng đầu thế giới. Khi tất cả mọi thứ được kết nối với nhau, truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính, người ta gọi chúng là Internet of Things (IoT hay IoeT). Tua nhanh đến năm 2015, chúng ta đang ngày một tiến gần hơn với giấc mơ của co tấm Vina.

Bạn có muốn sở hữu một chiếc bể cá tự động bơm nước, một chiếc loa tự động ngắt hay đơn giản, một chiếc đèn tự động tắt khi bạn buồn ngủ… Có thể, đó không còn là điều quá xa vời. Tại Việt Nam, một số ý tưởng và sản phẩm về IoT đã bắt đầu xuất hiện. Hệ thống nhà thông minh SmartHome của Bkav với tổ hợp các thiết bị thông minh trong một ngôi nhà được kết nối Internet và có thể tự động điều chỉnh cũng như điều khiển qua smartphone, Đồng hồ thông minh gắn định vị GPS để cha mẹ có thể biết được vị trí của con cái mình, hay  Misfit Wearables của doanh nhân Việt kiều Sonny Vũ…

Internet-of-Things-2

Trên khắp các trang mạng hay những cuộc hội thảo về công nghệ tại Việt Nam, chúng ta đều có thể dễ dàng đọc hoặc nghe thấy “những lời có cánh”: Chúng ta không thể lỡ tàu thêm một lần nữa, Việt Nam đã bị trễ rất nhiều cơ hội. Lần này, chúng ta phải đi tắt đón đầu. Nhưng hãy nhìn vào thực tế Việt Nam. Từ trước tới nay, chúng ta chưa có một nền tảng công nghệ xuất sắc ở bất cứ lĩnh vực nào. Các sản phẩm đa phần là lắp ráp và chúng ta chỉ sản xuất một số linh kiện cơ bản. Năng lực công nghệ vẫn là một mối lo lớn. Đặc biệt, khi Việt Nam đang hội nhập và mở cửa với thế giới, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do như FTA, TPP… đã được ký kết và sẽ có hiệu lực từ năm 2016 với thuế suất bằng 0%, các “ông lớn” về công nghệ sẽ nhảy vào Việt Nam thì liệu, bạn sẽ chọn một chiếc đèn Philips IP Light – chất lượng Tây giá cả Việt – hay một chiếc đèn Điện quang được sản xuất trong nước? Tương tự với các thiết bị đo nhiệt độ của Google, hệ thống SmartThings của Samsung so sánh với các thiết bị của Việt Nam…

Đó là về năng lực sản xuất, bây giờ hãy cùng nghĩ về nhân lực. Tình trạng nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) đang ở mức báo động đỏ. Ước tính, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, tức là mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 người. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành liên quan. Tuy nhiên, số lượng có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không nhiều, những người có khả năng tốt sẽ tận dụng các cơ hội để ra nước ngoài hoặc làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương và môi trường ưu đãi hơn. Trong vòng 10 năm nay, chúng ta chưa thấy Việt Nam có một sản phẩm phần mềm nào vượt qua được biên giới như trò chơi “chú chim vỗ cánh”.

Liệu với hiện trạng công nghệ và nhân lực như vậy, chúng ta có thể triển khai thành công IoT tại Việt Nam? Một trong những lĩnh vực được nói đến nhiều nhất khi ứng dụng IoT là nông nghiệp. Hãy tưởng tượng trên cánh đồng thẳng cánh cò bay, hệ thống tưới tiêu, đo nhiệt độ, độ ẩm sẽ tự động điều chỉnh và hoạt động. Những chiếc máy bay không người lái sẽ đo sức khỏe đồng ruộng. Các bác nông dân không cần phải hằng ngày bật máy bơm nước tưới ruộng, hay nhìn trời nhìn đất nhìn mây để che mưa che nắng. Tất cả sẽ được xử lý kịp thời và chuẩn xác nhờ hệ thống cảm biến. Thật tuyệt vời nếu một hệ thống như vậy được áp dụng. Nhưng đã bao giờ chúng ta hỏi các bác nông dân có nhu cầu sử dụng hay không? Hay liệu các bác có đủ khả năng tài chính để chi trả cho một hệ thống cảm biến? Tính sơ, các bác sẽ mất khoảng 80 tấn lúa (khoảng 60 triệu đồng) để đổi lấy một hệ thống cảm biến lắp đặt trên 1 hecta đất ruộng. Vậy để có thể lắp đặt trên toàn bộ cánh đồng cho những hộ sản xuất lớn, quả là một số tiền không hề nhỏ.

Vậy đấy, câu chuyện IoT với Việt Nam trông có vẻ cũng không hề đơn giản. Vẫn còn nhiều những thách thức chúng ta phải đối mặt và cải thiện. Tuy nhiên, đây không hẳn là một câu chuyện “quá” xa vời. chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng của Việt Nam như hệ thống hệ thống công tơ điện tử kết nối Internet đang thử nghiệm, hay hệ thống quản lý, giám sát tàu, xe, thiết bị vận tải Viettel, Smarthome của BKAV như đã nói từ đầu… và rất nhiều những sản phẩm khác nữa. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu xu hướng và cải tiến đất nước nếu có một chiến lược phát triển đúng đắn và phù hợp. 2016, hy vọng những chú khỉ nhanh nhẹn sẽ mang đến thật nhiều may mắn và cơ hội cho ngành CNTT Việt Nam trong năm mới.

(Tạp chí nội bộ My Tinhvan số Tết 2016)

HT-TH