Xa lộ Tinh Vân

Chiếc áo và sinh mệnh

Đăng bởi: hangnt | 25/12/2019

Vài năm trước, tôi đi theo một đoàn từ thiện lên Tuyên Quang cùng vài chục tấn quần áo cho học sinh các huyện nghèo của tỉnh này. Hàng nghìn đứa trẻ có thêm chiếc áo ấm. Nhưng tôi nhớ nhất một em học sinh cấp 2, học nội trú.

Em rất thích một chiếc áo khoác màu trắng nhưng ngần ngại không dám lấy. Rồi cuối cùng em quyết định xin một chiếc áo màu đen. Hỏi ra mới biết là em sợ không có xà phòng để giặt áo màu trắng. Mặc áo đen thì được lâu ngày hơn. Đó sẽ là chiếc áo ấm lành lặn duy nhất mà em có.

Cô bé ấy mồ côi cha mẹ, chỉ có một người anh đang tha hương thỉnh thoảng mới có điều kiện chăm được em. Đứa trẻ mới mười tuổi đầu, nhưng đã phải tính toán, mang ý thức rằng một nhúm xà phòng cũng không miễn phí. Chúng tôi quyết định tặng em cả hai chiếc áo, màu trắng và màu đen.

Lũ trẻ nhận quần áo, phần lớn đều có ý thức chọn áo dài hơn người một chút, để sang năm, sang năm sau nữa khi đã cao lên, vẫn có thể mặc được.

hbi1381778922

Chiếc áo trắng và áo đen mà cô bé tần ngần lựa chọn, hoàn toàn không phải là một vấn đề xã hội. Nhưng với đứa nhỏ, nó lại là một vấn đề tinh thần lớn.

Tôi nhớ lại câu chuyện này khi đọc về em học sinh lớp 6 đã treo cổ tự tử ở Gia Lai. Câu chuyện đau buồn diễn ra ngay trước thềm khai giảng năm học mới. Người nhà nói, em buồn vì không có áo mới mặc đi học còn gia đình thì chưa có điều kiện để mua.

Cái nghèo có muôn vàn bộ mặt. Những hệ quả nó tạo ra có muôn hình vạn trạng mà chính sách không thể nắm bắt hết được. Chúng ta chỉ có một “chuẩn nghèo chính sách” – được đo đếm bằng mức sống tối thiểu – chứ các cơ quan chức năng không thể đo đếm nỗi niềm của một đứa trẻ con trước manh áo mới, nghĩ đến xà phòng giặt, nghĩ đến sự xấu hổ trước bạn bè, nghĩ đến đủ loại bi kịch tinh thần của lũ trẻ.

Tôi nói chuyện với cán bộ xã bên lề một cái đám ma ở Cao Bằng. Hai chị em người Mông, đều đang học tiểu học, bỗng một buổi trưa đi học về ăn lá ngón. Chuyện bi thương nhưng cán bộ xã chỉ biết nở những nụ cười méo mó. Họ bất lực, hoàn toàn không biết phải đối mặt với những vấn đề như thế ra sao; thậm chí sẽ không ai có thể biết được tại sao chúng quyết định tự tử. Người ta bảo, chúng đi học về, mở nồi chưa thấy cha mẹ nấu cơm, bèn ăn lá ngón.

Những bi kịch như thế, tất nhiên không thể giải quyết bằng chính sách vĩ mô. Chúng nói lên sự cần thiết của các tổ chức xã hội, các đoàn thể dân sự. Như là đoàn từ thiện mà tôi đã đi năm nào: dẫu sao, chúng tôi cũng có thể ngồi đó, để nghe chuyện của một bé gái về cái áo trắng mà em thích.

Và chính sách lên tiếng chính ở khúc này: mỗi năm, các nhóm dân sự lớn tại nước ta quyên góp và phân phối hàng trăm tấn hàng hoá, quần áo đến những người nghèo, thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, đến những thứ mà chính sách chưa lo nổi, như là tấm áo mới hay là chiếc đồ chơi. Nhưng họ gặp một rào cản khủng khiếp khi muốn được hoạt động chính danh.

Hệ thống pháp luật dường như không khuyến khích các đoàn thể ngoài nhà nước. Luật về Hội đã bàn 23 năm nay chưa quyết. Dự thảo Luật hội mới nhất thậm chí còn những quy định kiểu không được lập các hội có cùng chức năng với hội đã hoạt động. Hiểu nôm na là nếu đã có hội nào đó lo áo ấm cho học sinh nghèo tỉnh Tuyên Quang thì tôi sẽ không được lập nữa. Dù không ai lo hết được.

Tôi biết có những nhóm từ nhiều năm nay, đã hỗ trợ đời sống cho hàng chục nghìn đứa trẻ nghèo, chật vật lắm không xin được một tờ giấy phép. Có nhóm khác, mỗi năm thăm khám và phẫu thuật cho hàng trăm trẻ em nghèo, phải đi “nương nhờ” vào tổ chức lớn để hoạt động chứ không có tư cách riêng. Có nhóm đã dạy chữ cho hàng trăm người câm điếc, nhưng hồ sơ xin tư cách pháp nhân xếp lên đã cao gần một mét… Họ nhận tiền bằng tài khoản cá nhân, tự phát, không được thừa nhận, không bị quản lý.

Cuối cùng thì phần lớn hoạt động công ích xã hội ở nước ta, nếu không phải do các tổ chức chính trị xã hội, thì đều đang “ngoài vòng pháp luật”.

Những bi kịch về “tấm áo mới” ở Gia Lai nói lên sự bức thiết của việc có những sức mạnh ngoài Nhà nước, lấp vào các khoảng trống mà chính sách không thể lo hết được, chạm tới được cuộc sống của từng con người trong xã hội thay vì đo đếm họ bằng các phép toán vĩ mô. Nhưng nếu ngày mai, tôi muốn lập một hội và quyên góp áo mới cho các em đến trường, thì đơn giản là tôi đang làm một việc tự phát, ngoài vòng pháp luật.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)