Xã hội - giải trí

Chủ nghĩa hoàn hảo của người Đức

Đăng bởi: hangnt | 12/6/2015

Ít ai biết, từ năm 1992, tức chỉ 2 năm sau khi thống nhất 2 miền Đông Tây, nước Đức là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, dù dân số chỉ khoảng 80 triệu so với khoảng 300 triệu của Mỹ và 1.3 tỷ của Trung Quốc. Trị vị ngôi vô địch thế giới về xuất khẩu trong suốt 17 năm, đến năm 2009, Trung Quốc mới qua mặt nước Đức vì rất nhiều sản phẩm là tài nguyên thiên nhiên, nhiều sản phẩm thâm dụng lao động, trong khi nước Đức phần lớn xuất khẩu là xe hơi, máy móc công nghệ và chất xám.

Vào nhà một người Đức, khó có thể phát hiện một sản phẩm nào mà không phải Made in Germany. Thậm chí bông ráy tai nước Đức cũng sản xuất, dù giá thành sản xuất là 10 USD so với 1 USD của người Trung Quốc. Khi Trung Quốc mở cửa và thành công xưởng của thế giới, các nước khác thấy không hiệu quả nếu tự họ sản xuất, nên qua Trung Quốc đặt hàng hết. Nhưng nước Đức thì không. Họ vẫn tự sản xuất cái cục gôm, cây bút chì, chiếc xe đạp…dù giá thành rất cao, và vì họ có một phân khúc thị trường riêng. Đó là dành cho những người quen dùng đồ Đức trên khắp thế giới.

Vì sao? Vì dân tộc Đức là dân tộc theo chủ nghĩa hoàn hảo trong sản xuất. Giữa sự chao đảo của suy thoái kinh tế, nước Đức vẫn không hề hấn gì, và là chỗ dựa cho bao nhiêu quốc gia khác trong cộng đồng chung châu Âu. Nền giáo dục Đức là nền giáo dục mà Tony thích nhất, vì nó đào tạo ra những người học để “cho việc” thay vì tốt nghiệp ra trường để đi xin việc cho tốt. Một nền giáo dục dựa trên sự kỷ luật Vô cùng vô cùng nghiêm khắc. Sự tập trung cao độ của người Đức còn thể hiện qua bóng đá, năm 2014, tại World Cup được tổ chức tại Brazil, dưới áp lực của hàng vạn khán giả nước chủ nhà trên sân, các chàng trai đến từ nước Đức không hề bị run chân run tay gì, thắng vẫn vui nhẹ nhàng, thua vẫn bình thản thi đấu, ai vị trí người đó, tổ chức tấn công phòng thủ bình thường, và họ đã đăng quang ở ngôi cao nhất. Ít ai biết trước đó người Đức đã sang Brazil 4 năm trước, xây dựng một khu resort riêng cho đội tuyển Đức sang ăn ở tập luyện cho quen khí hậu, với đầu bếp bác sĩ đến lao công đều là người Đức. Khu resort này sau WC được tặng lại cho nước chủ nhà như là một món quà kỷ niệm của sự well-prepared.

11110801_1012424558810403_6435467275801003067_n

Người Nhật cũng từng hâm mộ và học theo người Đức, và gần đây là người Hàn Quốc, và trở thành 2 bản sao hoàn hảo. Ở trường, giáo viên Đức tỉ mỉ sửa cho học sinh từng lỗi dấu chấm, dấu phẩy…để tạo thành thói quen “hoản hảo” trong mọi thứ, tuyệt đối không bao giờ xuề xoà cho qua, vì như vậy là hại cá nhân từng học sinh, hại đến xã hội sau này vì thói quen làm sai, bất cẩn. Nên khi ra đời, họ khắt khe từng mm trong công việc, tạo thành hiệu quả cao, không tốn thời gian sửa sai vô ích.

Người Đức quan niệm, trong cuộc đời con người, trong cuộc sống, có thể méo mó một chút để thú vị hơn. Tuy nhiên, trong học tập, sản xuất và kinh doanh, chúng ta phải áp dụng chủ nghĩa hoàn hảo. Nếu bạn biết lái xe hơi, cầm vô lăng xe Đức sản xuất sẽ thấy cảm giác yên tâm hơn nhiều so với xe đến từ các nước khác. Và tỷ lệ thu hồi xe lỗi của các dòng xe do nước Đức sản cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác. Anh bạn của Tony, một kỹ sư làm việc cho một hãng xe Đức ở Sài Gòn, hay kể Tony nghe về câu chuyện ông sếp người Đức đã dạy anh như thế nào. Anh nói, ở Việt Nam, mình hay nói đại khái sản phẩm này là tất cả tâm huyết của tao. Tâm-huyết là tim và máu, tức cũng ghê gớm lắm rồi, nhưng với người Đức, tâm-huyết có ý nghĩa gì đâu, họ còn đem cả tính mạng ra bảo lãnh. Kỹ sư trưởng thiết kế một mẫu xe hơi mới, sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tính mạng của mình cho độ an toàn của xe. Anh ấy sẽ phải sẵn sàng chết đi để cả triệu người lái mẫu xe đó được an toàn trên đường thiên lý.

Nguồn: FB Tony Buổi Sáng