Xã hội - giải trí

Doanh nghiệp nhờ cậy công nghệ “Điện toán biết nhận thức” để cạnh tranh

Đăng bởi: hangnt | 5/12/2019

Trước sự đe doạ đến từ những đối thủ mới tham gia thị trường với những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt (tiêu biểu như Uber, Netflix…), nhiều doanh nghiệp lớn đang nhờ cậy tới công nghệ điện toán biết nhận thức để đối phó với những biến động, nâng sức cạnh tranh.

ce590aa5b34b3bfa5bf4e94df87d0709

IBM đang cung cấp công nghệ “Điện toán biết nhận thức” tại Việt Nam.

Theo IBM, rủi ro hàng đầu đối với các doanh nghiệp trước đây thường chỉ là một đối thủ mới có những giải pháp tốt hoặc rẻ hơn, và điều đó không gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Tuy nhiên hiện nay, sự cạnh tranh thường là vô hình và không ai có thể nhìn thấy cho tới khi quá muộn.

Những tổ chức lớn đang bị đe dọa bởi những đối thủ mới tham gia thị trường với những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt, cũng như những tổ chức nhỏ và linh hoạt hơn, không bị bó hẹp trong những cách thức triển khai hoạt động kinh doanh truyền thống.

Những sáng tạo với những mô hình kinh doanh và công nghệ mới đang xuất hiện gần như liên tục. Uber, Airbnb hay Netflix là ví dụ điển hình. Đó là những doanh nghiệp đột phá đang góp phần “định hình” lại ngành kinh tế.

Trong bối cảnh đó, những nhà sáng tạo hàng đầu coi các tiến bộ trong những lĩnh vực như công nghệ điện toán biết nhận thức là nhân tố then chốt để đối phó với những biến động mang tính đột phá.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Giá trị kinh doanh IBM được thực hiện với hơn 5.000 nhà lãnh đạo là thành viên ban giám đốc trong 21 ngành kinh tế tại hơn 70 quốc gia cho thấy, phần lớn các nhà lãnh đạo được khảo sát cho rằng điện toán đám mây, các giải pháp di động và mạng Internet của Vạn vật (IoT) là những công nghệ có khả năng cao nhất trong việc tạo ra sự đột phá trong doanh nghiệp của họ, nâng cao khả năng cạnh tranh.

72% số người được khảo sát cho biết công nghệ chính là nhân tố lớn nhất đang ảnh hưởng tới doanh nghiệp của họ.

Các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, công nghệ điện toán biết nhận thức (Cognitive Computing) tạo ra một cầu nối với người tiêu dùng, giúp có được thông tin sâu sắc hơn từ những khối lượng dữ liệu khổng lồ.

Một số nhà lãnh đạo cho rằng, công nghệ điện toán biết nhận thức cho phép doanh nghiệp phân tích dữ liệu về khách hàng, xây dựng các mô hình dự báo và theo dõi những nhu cầu mới của khách hàng.

Không một công nghệ nào có thể dự báo được tương lai. Nhưng bằng cách sử dụng công nghệ dự báo và phân tích dữ liệu biết nhận thức để sàng lọc dữ liệu theo thời gian thực nhận được từ thị trường và đối tác của mình, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay có thể dự báo được tương lai với độ tin cậy cao hơn.

Phan Minh (Theo ICT News)