Hành Trình 1/4 thế kỷ

Đọc Tinh Vân Chí

Đăng bởi: editor | 9/12/2019

Đỗ Trí Hùng

Tinh Vân Chí là tác phẩm viết theo lối chương hồi, kể lại lịch sử hình thành vương quốc Tinh Vân (hay Tinh Vân u tỳ quốc), bắt đầu từ buổi sơ khai chỉ có ba người. Ba nhân vật tài cao chí lớn, sau này trở thành khai quốc công thần của Tinh Vân, là Quan Đại Môn, Sơn Tiểu Dậu, Khánh Trung Đoàn. Họ kết nghĩa huynh đệ, cắt máu ăn thề, rồi từ một địa bàn rất nhỏ ở Thái Thịnh Viên, họ bành trướng thế lực, mở rộng đất đai, bờ cõi, với tài năng kiệt xuất và tấm lòng trọng nghĩa khinh tài, họ đã thu phục được nhiều anh hùng, hảo hán về tụ nghĩa, trong đó có những nhân vật kiệt xuất, tên tuổi đã lừng lẫy trên giang hồ, như Trương Lương, Hoàng Cân, Quang Phi Nễ, Tuấn Thảo Lư… Những cái tên mà đám tiểu tốt trong giang hồ mới nghe qua đã hồn phi phách tán, và cả những những nhân vật tuy võ công thâm hậu, nhưng còn đang trong tư thế “ngoạ hổ, tàng long”, mai phục chờ thời, nay kéo về Tinh Vân như cá về với nước, châu về Hợp phố, thả sức vẫy vùng, thi thố tài năng. Từ đó, danh tiếng Tinh Vân ngày càng vang xa, lực lượng ngày càng hùng hậu, nam anh nữ hiệp khắp nơi kéo về tụ nghĩa đông như trảy hội. Có thể nói, Tinh Vân ngày nay đã trở thành một thế lực thực sự, cát cứ một vùng rộng lớn, không ngưng mở rộng địa bàn, đe doạ sự tồn vong của các quốc gia lân cận.

Lối viết chương hồi xuất xứ từ văn học cổ điển Trung Hoa mà thời hưng thịnh nhất là thời Minh, Thanh với những tác phẩm đã thành kinh điển như “ Tam quốc chí”, “Thuỷ Hử”, “Tây du ký”, “Hồng lâu mộng” (được coi là “tứ đại kỳ thư” của văn học cổ điển Trung Hoa). Sau này có Kim Dung với những tác phẩm kể về giới võ lâm, cũng sử dụng hình thức chương hồi để xây dựng tác phẩm. Sức quyến rũ trong những tác phẩm của ông không kém gì “tứ đại kỳ thư”, một số tác phẩm như “Anh Hùng xạ điêu”, “Thiên Long bát bộ”, “Tiếu ngạo giang hồ”… có thể coi là “kinh điển” của thể loại tiểu thuyết kiếm hiệp .

Sở dĩ người viết bài này phải dài dòng đôi chút về “tứ đại kỳ thư” và Kim Dung, bởi lẽ Tinh Vân Chí có liên quan mật thiết đến các tác phẩm và tác giả này. Thậm chí chính Lê Xuân Mai cũng thú nhận ở lời nói đầu, rằng “…phong cách chịu ảnh hưởng của Kim Dung và….”. Bắt chước thì sao? Không sao cả! Có điều, hỡi độc giả thân mến, các bạn thử chỉ ra cho tôi một tác phẩm “ bắt chước” nào đó mà các bạn thấy hay, thấy giá trị? Thật khó, nếu không nói là không thể. Thời Minh, Thanh người ta đã thống kê có tới 300 cuốn tiểu thuyết chương hồi, chắc chẳng thiếu đao, kiếm, quyền, cước, chẳng thiếu đầu rơi máu chảy, chẳng thiếu anh hùng hảo hán, chẳng thiếu tài tử, giai nhân v. v… Tại sao chỉ có “tứ đại kỳ thư” mà không có “ngũ đại, lục đại”? Rồi ở phương Tây, một bà văn sĩ người Mỹ cố công bắt chước văn phong của tác giả “Cuốn theo chiều gió” để làm cái “Hậu cuốn theo…” rốt cuộc chỉ làm độc giả thất vọng mà thôi. Tóm lại, mọi sự bắt chước, dù khéo léo đến mấy, cũng chỉ tạo ra một thứ “ bản sao” mà khi người ta có “bản gốc” rồi thì không ai cần bản sao làm gì nữa.

Ta cùng xem, Tinh Vân Chí có phải là một tác phẩm “bắt chước” hay không! Thử đọc lại một đoạn, ở phần đầu, nói về Quan Đại Môn: “…Hán tử ngồi độc ẩm, trên bàn thức ăn rất đạm, chỉ có đĩa hạt bí và vò rượu suông. Không phải vì hán tử tiếc tiền mà chẳng qua chàng không quen phung phí…”, “Đúng hôm Đại Môn được mẹ sinh ra ở bệnh viện C, có đám trẻ chăn bò đi qua cổng viện mà hát to lên rằng: “Thỏ lặn thì ác phải tà, niên nhị thập thất ắt là xuất Tinh”. Người nhà lấy làm lạ, đi hỏi thầy cúng. Thầy đến ngắm nghía Đại Môn rất lâu rồi phán rằng: “Câu hát của bọn trẻ hàm ngôn sâu sắc, ý tứ cao xa, có lẽ ngụ rằng bé sẽ lấy vợ ở tuổi 27. Còn xét về tướng mạo, bé quả nhiên rất kỳ lạ, phía giữa hai chân có một hình số một nằm giữa hai số không, là biểu trưng các giá trị đơn vị thông tin là bit, sau này bé ắt nổi danh về đường tin học”. Và đây là đoạn tả Sơn Tiểu Dậu: “một thanh niên mập lùn, mông rất to, mắt rất sáng, huyệt thái dương gồ lên, hiển nhiên là một thân nội công phi phàm…”. Rõ ràng giọng điệu sặc mùi “tứ đại kỳ thư” và Kim Dung. Nhưng chỉ là “mùi” thôi. Tiếp tục thưởng thức, ta nhận ra không phải món ấy, nó khác hẳn về chất. Kim Dung và các tác giả của “tứ đại kỳ thư” đều kể chuyện một cách nghiêm trang, họ trình bày cái thế giới của họ một cách nghiêm túc, trang trọng. Giữa thế giới đó và chúng ta tồn tại một khoảng cách, “khoảng cách trang trọng”. Với tác giả Xuân Mai thì khác, anh ta mượn cái phương tiện của Kim Dung, của “tứ đại kỳ thư” để trình bày thế giới của anh ta một cách suồng sã, khôi hài và đến lượt chúng ta, khi tiếp xúc với thế giới đó, chúng ta không cảm thấy một khoảng cách nào cả, mà thấy ngay sự thân mật, gần gũi mặc dù ở đó cũng đầy rẫy “những cao thủ võ lâm”, những kỳ tích anh hùng, những âm mưu tranh bá đồ vương, những màn so tài nảy lửa khiến chúng ta hồi hộp, bất ngờ và thán phục.

Có thể nói, nụ cười bao phủ toàn bộ thế giới Tinh Vân Chí. Nhưng Xuân Mai không phải là nhà văn trào phúng, nụ cười trào phúng là nụ cười châm biếm, đả kích, phủ định cái gì đó. Nụ cười trong thế giới Tinh Vân là nụ cười của nhận thức triết học. Hãy đọc lại đoạn miêu tả Quan Đại Môn thời trẻ: “Đại Môn lớn lên rất khôi ngô tuấn tú, da trắng như lông, má hồng như tuyết, mắt đen lay láy như nhặng bay dưới trăng…”, chúng ta bật cười vì cái khẩu khí “đại kỳ thư” đáng lẽ phải rất nghiêm trang, qua cách diễn đạt của Xuân Mai lại trở thành ngộ nghĩnh, nực cười. Và rồi ta nhận thức ra rằng, với người đàn ông tài ba như Quan Đại Môn, việc đẹp trai hay không đẹp trai, đâu có gì quan trọng. Tương tự, đoạn miêu tả trí thông minh thời nhỏ của Trương Lương: “Tử Phòng càng lớn càng thông minh đĩnh ngộ, học gì cũng nhanh. Tỷ như lên ba biết đọc, lên năm đã dịch được một số tiểu phẩm của Shakspear sang tiếng Anh cổ…”. chúng ta cũng bật cười và hiểu rằng, dù tài ba đến mấy, thời nhỏ Trương Lương cũng là cậu bé bình thường như chũng ta mà thôi. Cách đùa cợt này của Xuân Mai không hề làm giảm sút sự khâm phục của chúng ta đối với tài năng của Trương Lương, nó chỉ giễu cợt lối “huyền thoại hoá” tuổi thơ của các nhân vật kiệt xuất mà các tác giả “Kỳ thư” thường làm. Nụ cười triết học, nụ cuời “giải huyền thoại” này tràn ngập Tinh Vân Chí. Hãy xem tiếp đoạn viết về thần toán tử Thu Cô: “Thu Cô xin được xem toàn bộ sổ sách thu chi. Dậu truyền đem ra. Nàng đón lấy, một tay cầm sổ sách xem một lượt, một tay lấy son tô lại môi, cầm chì kẻ lại mày, một tay gẩy bàn tính tanh tách…”. Hẳn sẽ có độc giả nào đó còn quen với lối thưởng thức văn học hiện thực XHCN kêu lên: “Cái bà Thu Cô này sao mà lắm tay thế, tay Xuân Mai này lẫn rồi, tầu hoả nhập ma rồi”. Thực ra, như tôi đã viết ở trên, nụ cười trong Tinh Vân Chí là nụ cười nhận thức triết học. Việc cho Thu Cô có ba tay tất nhiên gây cười, đồng thời cũng thể hiện quan niệm triết – mỹ của tác giả. Rõ ràng những gì tốt đẹp, những gì có giá trị phải dồi dào, kích thước phải to lớn. Sự dồi dào sung túc là dấu hiệu của tính phong phú, đa dạng về lượng, mạnh mẽ về chất. Thu Cô là một phụ nữ tài năng, không chỉ tài năng tính toán. Việc cô có ba tay là ẩn dụ về sự phong phú tài năng và sự thể hiện chúng cùng một lúc. Như vậy, tác giả Tinh Vân Chí chỉ sử dụng cái công cụ của các tác giả kinh điển như là cái form-hình thức- để làm ra cái style – phong cách riêng của mình, phong cách khôi hài, nhưng không chỉ khôi hài một cách đơn thuần. Chúng có nội dung triết lý sâu sắc, có logic nghệ thuật hoàn mỹ. Đó là nụ cười hiền triết. Nó giúp ta nhận ra rằng, chẳng có gì trên đời này là quá ghê gớm cả, chính chúng ta tạo ra các huyền thoại, tạo ra những điều thiêng liêng, nghiêm trọng hoá thế giới để rồi chúng ta sùng bái, kính cẩn một cách mù quáng, lo âu căng thẳng một cách vô lý. Nụ cười của Xuân Mai giúp ta nhận thức, từ nhận thức đó chúng ta sẽ thay đổi, sẽ thấy cuộc sống này thực ra rất dễ chịu, bởi nó không ghê gớm như ta tưởng, mọi người, mọi việc đều được đặt đúng vị trí của nó.

Rốt cuộc, chúng ta vẫn thắc mắc, làm thế nào mà tác giả Xuân Mai có thể sử dụng cái công cụ của các tác giả kinh điển như “tứ đại kỳ thư”- vốn chỉ dùng để kể những việc nghiêm trang một cách nghiêm trang, xây dựng những anh hùng và những huyền thoại của họ – để xây dựng nên thế giới Tinh Vân Chí đầy ắp tiếng cười suồng sã như vậy? Đó không thể là sự bắt chước, bởi sự bắt chước bao giờ cũng ở địa vị phụ thuộc, chạy theo một cách kính cẩn. Thủ pháp của Xuân Mai trong văn học hậu hiện đại có tên gọi là sự “giễu nhại”, tiếng Tây là “pastiche”. Thủ pháp này hoàn toàn khác với “bắt chước”. Sự bắt chước chỉ là chạy theo, còn khi “giễu nhại”, kẻ giễu nhại tự đặt mình ngang hàng với đối tượng được giễu nhại. Đây không phải là sự ngông cuồng, kiêu ngạo mà là thái độ bình đẳng hoá các địa vị, các giá trị.

Tinh Vân Chí là thế giới công nghệ thông tin của các cao thủ tin học, một thế giới vô cùng mới mẻ và cũng lôi cuốn, hấp dẫn, hồi hộp với một loạt nhân vật anh hùng, tính cách sắc nét (tôi tin rằng, ai đã đọc Tinh Vân Chí nhất định sẽ nhớ những Quan Đại Môn, Khánh Trung Đoàn, Sơn Tiểu Dậu, Tuấn Thảo Lư…v.v… không kém gì việc họ nhớ Trương Phi, Quan Vân Trường, Tào Tháo, Lệnh Hồ Xung… rồi tích “Quang Phi Nễ chửi mắng tin tặc đường” cũng hoành tráng, hào sảng kém gì “Nễ Chính Bình khoả thân mắng giặc” của Tam quốc Chí, chẳng kém gì Kiều Phong “trợn mắt coi khinh ngàn hảo hán” trong Thiên Long bát bộ, tích Tam anh kết nghĩa Thái Thịnh viên cũng kém gì Đào viên kết nghĩa của Tam quốc. Những “phi đởm tán công”, “Lý Bồn thần chưởng” đâu kém gì “cửu dương công”, “Hàng long chưởng” v.v… Điều khác là, như tôi đã viết ở trên, những anh hùng sử thi ngăn cách với chúng ta cả một khoảng cách – khoảng cách sử thi – còn những anh hùng trong Tinh Vân Chí lại rất gần gũi với chúng ta. Có cảm giác chúng ta có thể khoác vai bá cổ họ, nhậu nhẹt với họ, họ và chúng ta hoàn toàn bình đẳng.

Như vậy, bằng thủ pháp “nhại kinh điển”, tác giả Xuân Mai đã tạo dựng một thế giới của mình không kém gì “kinh điển”. Ở đó anh ta đã làm được những việc như “bình đẳng hoá”, “giải huyền thoại hoá”, “giải khu biệt hoá” v.v…, tóm lại là “đa nguyên hoá” các giá trị.

Các bạn Tinh Vân thân mến, tôi là người làm việc trong môi trường không liên quan gì đến chuyên môn của các bạn, bởi vậy trước đây tôi không hề biết, thậm chí cả sự tồn tại của Tinh Vân, vậy mà sau đó, không chỉ biết, tôi đã cảm tình, rồi quí mến Tinh Vân dù chưa gặp bất cứ ai của Tinh Vân một lần nào cả. Vì sao thế? Vì tôi đã đọc Tinh Vân Chí trước khi gặp các bạn. Điều này giống trường hợp bài thơ Núi Đôi, sở dĩ địa danh núi Đôi được người ta biết đến là nhờ sự nổi tiếng của bài thơ, tôi biết Tinh Vân nhờ tác phẩm Tinh Vân Chí, tôi phải cám ơn tác giả Lê Xuân Mai về duyên hạnh này. Nhưng giữa Núi Đôi và Tinh Vân có sự khác nhau, bởi nếu ai đó đã đến thăm địa danh núi Đôi hẳn sẽ thất vọng vì nó không nên thơ như ở trong thơ. Còn tôi, khi đọc Tinh vân Chí, tôi yêu mến Tinh Vân một thì khi gặp Tinh Vân tôi quí mến gấp nhiều lần. Các bạn trẻ Tinh Vân quá thông minh và đáng yêu, những Hoà lác, Hương Khiếu, Diệp, Tuấn, Nam… và nhiều người khác tôi chưa nhớ hết tên, mỗi người là một thế giới, một vũ trụ phong phú. Tôi hiểu vì sao Tinh Vân Chí còn dở dang, có lẽ Xuân Mai chưa đủ sức diễn đạt những vũ trụ mới mẻ này (chỉ riêng Hoà lác thôi, bút lực Xuân Mai phải cao cường hơn nữa mới vẽ nổi chân dung cô ấy). Dù sao tôi cũng không mong Tinh Vân Chí kết thúc, bởi nó phản ánh thực tại Tinh Vân, mà thực tại bao giờ cũng dở dang, phía trước còn đầy những bất ngờ, và tôi mong rằng đó sẽ là những kỳ tích.