Hành Trình 1/4 thế kỷ

Đôi điều về những cựu Tinhvaner (trích Sử Ký 25) P1

Đăng bởi: dunghh | 6/12/2019

25 năm là quãng thời gian đủ lớn để khi nhìn lại, giữa hàng loạt những sự kiện, ngút ngàn những sản phẩm và dịch vụ phần mềm, giữa hàng ngàn các dự án công nghệ lớn nhỏ, những gì còn đọng lại nhất trong tôi chính là hình ảnh của các cựu Tinhvaner, những con người tôi vẫn ví như những dòng sông chảy qua và bồi đắp phù sa, dù đã ra khỏi công ty nhưng vẫn đọng lại những giá trị rất riêng tạo nên một Tinh Vân ngày hôm nay.
Điều đáng tự hào là rất nhiều cựu Tinhvaner sau khi rời công ty đã thực sự trưởng thành, trở thành những người có tầm ảnh hưởng đến xã hội, cũng như có nhiều đóng góp cho kinh tế và thị trường CNTT. Ngoài là một tập đoàn phần mềm, Tinh Vân còn là một vườn ươm doanh nghiệp thực sự, trong đó đa phần là các doanh nghiệp công nghệ. Rất nhiều các bạn sau khi rời Tinh Vân đã khởi nghiệp, và khởi nghiệp thành công, tạo ra hàng trăm công ty, trong đó hàng chục công ty có uy tín, tăng trưởng tốt, thậm chí một số công ty có giá trị thị trường cao hơn Tinh Vân. Điều đáng quý là phần lớn cựu Tinhvaner vẫn luôn trân trọng và dành những tình cảm trìu mến cho mái nhà thân thiết thuở ban đầu, nơi các bạn đã có một môi trường đáng nhớ, những tình cảm chân thành, và phần nào đã học hỏi được chút tri thức, kinh nghiệm, vốn sống, cũng như một phần văn hoá quản trị cho các công việc kinh doanh sau này.


Tôi xin điểm qua 1 số gương mặt ấn tượng:

1. Phương Chí Long – nhân viên đồ hoạ đầu tiên

Long tham gia Tinh Vân 1997 do anh Đặng Tuấn Đạt, một cộng tác viên tích cực của mạng Netlab giới thiệu. Long bắt đầu bằng việc thiết kế trang mạng intranet Netlab, cũng như các trang web ITNet cho Ban chỉ đạo Chương trình QG về CNTT, IT2000. Thời gian khi Tinh Vân bắt đầu phát triển website đặt chỗ khách sạn tại www.vietnam-hotels.com, Long được giao hẳn 1 máy ảnh số, thời đó chất lượng kém và rất đắt tiền, đi một vòng toàn bộ các khách sạn ở Hà Nội, chụp và lấy dữ liệu cập nhật lên mạng. Trang web từ hồi đó đã có giao diện khá hiện đại và cầu kỳ, form đặt phòng online được chuyển qua email đến các admin khách sạn. Về sau, với khả năng học rất nhanh, Long tham gia đóng góp ở nhiều vị trí, từ trưởng phòng thiết kế, trưởng phòng hệ thống đến vị trí phát triển kinh doanh… Đặc biệt là vào năm 2002 Long chính thức đảm nhận vị trí phu quân của kế toán trưởng Phạm Thu Hằng, một nhiệm vụ mà ai cũng coi là nặng nề
nhất… Rời Tinh Vân 2008, hiện Long vẫn là người chồng tốt, người cha mẫu mực và đang làm công tác chuyên môn tại công ty chứng khoán Bảo Việt.

2. Nguyễn Tuấn Lương – chiến tướng kinh doanh

Nguyễn Tuấn Lương tham gia Tinh Vân vào đầu 1999, do Phạm Thu Hằng – bạn học đại học “hunt” về. Khi đó Tinh Vân chưa có nhân viên kinh doanh, và Tuấn Lương cùng với Huy Quỳnh đã trở thành 02 cán bộ sale đầu tiên. 19 năm sát cánh, tôi với Tuấn Lương từng có nhiều kỷ niệm. Những buổi đầu Lương mới về, cứ cuối giờ chiều hai anh em lại lôi nhau ra đào tạo những kiến thức cơ bản về IT và phần mềm, cũng như những kỹ năng của nghề bán phần mềm – nghề
mà sau này Lương trở thành một trong những người xuất sắc nhất. Lương đã từng có phát hiện chính xác và thú vị: “Bán phần mềm chính là bán niềm tin”. Rất nhiều buổi anh em tâm sự trên đường chiến đấu, vạch chiến thuật cho các dự án khó nhằn. Lương luôn có các ý kiến sắc sảo, cảm giác về cơ hội và đặc biệt có năng lực tạo dựng quan hệ rất tốt. Rất tiếc sau này Lương đã rời Tinh Vân một cách không bình thường lắm, và từ đó anh em cũng ít có dịp gặp lại. Nghe nói Lương có thành lập và tham gia nhiều doanh nghiệp, cũng hoạt động trong mảng dự án CNTT, phần mềm và fintech. Chúc Tuấn Lương thành công và luôn an lành.

3. Bùi Thị Thanh Hương – kỳ nữ chất lượng
Tốt nghiệp ĐHBK năm 2002, Hương vào ngay Tinh Vân ở vị trí thư ký kinh doanh, một vị trí được trải nghiệm đủ kỹ năng từ demo phần mềm, thư ký thầu, đóng hồ sơ, khảo sát yêu cầu, chăm sóc khách hàng… Hương thông minh, hiếu học và có tính kỷ luật tốt. Đầu 2003, số lượng các dự án Tinh Vân triển khai ngày càng nhiều, yêu cầu về quản trị và đảm bảo chất lượng trở nên cấp thiết. Tôi nhờ anh Nguyễn Thành Nam để gửi Bùi Thanh Hương sang Fsoft – khi đó là công ty đầu tiên ở Việt Nam có chứng chỉ CMM – để học nghề QA. Sau này Hương còn
được học thêm một khoá đào tạo bài bản ở Úc. Hương tỏ ra có năng lực đặc biệt trong lĩnh vực quản lý chất lượng. Với khả năng leadership bẩm sinh, Hương đã cùng với dàn các em QA xinh đẹp của mình, trong đó có Lê Phan Việt Hà hiện là Trưởng ban Tổng hợp, lần lượt xây dựng và bảo vệ các chứng chỉ chất lượng của Tinh Vân từ CMMi, ISO-9001, ISO-27001… Hiện Hương là COO của công ty Nhật Cường Software với hơn 100 nhân viên. Dù còn nhiều khó khăn, chúc Hương chân cứng đá mềm và thành công trên chặng đường sắp tới.

4. Bùi Văn Kiên – giấc mộng luật gia
Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, Kiên đến với Tinh Vân ở vai trò tư vấn luật vào tầm giữa 2007, khi anh còn đang là thành viên HĐQT của một công ty trong ngành đường sắt, tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá 12. Hai việc quan trọng đầu tiên Kiên đảm nhận cho Tinh Vân lúc đó là thoả thuận hợp tác đầu tư IDG, và chính sách phát hành cổ phiếu ESOP cho Tinhvaner. Kiên làm việc với tư duy hệ thống rất tốt, tính trách nhiệm cao, trung thực và hết lòng với công việc. Năm
2008 Kiên được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Tinh Vân, và từ đó anh luôn là một trong các lãnh đạo quan trọng, có nhiều ý tưởng sáng tạo và là người đóng góp cơ bản cho hệ thống quản trị Tinh Vân. Năm 2012, sau đợt khủng hoảng nhân sự cao cấp của TVT, Kiên tình nguyện kiêm nhiệm vai trò CEO, và đã dẫn dắt TVT nhiều năm đạt lợi nhuận cao. Trong nhiều lần tâm sự, Kiên vẫn luôn đau đáu về việc được hành nghề luật sư, chuyên môn được đào tạo bài bản và có nhiều đất phát triển. Rời Tinh Vân năm 2017, hiện tại anh giữ vị trí Giám đốc Vietlott miền Bắc với những dòng trạng thái trên Facebook đặc sắc khi Jackpot giá trị lớn sắp nổ. Dù sao, xin chúc cho giấc mơ luật gia của Kiên sẽ thành hiện thực.

5. Phan Hào Hiệp – người đặt nền Văn phòng phía Nam
Năm 1999, khi Tinh Vân tham gia một triển lãm về CNTT tại Tp. HCM, tôi tình cờ gặp một khách hàng “tiềm năng” rất dễ mến. Đó chính là Phan Hào Hiệp, đang công tác tại văn phòng phía Nam của Bộ LĐTB & XH. Ngay lập tức tôi bị lôi cuốn bởi sự say mê công việc cùng tính cách rất nghiêm nghị của chàng thanh niên này. Sau hai năm hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau, năm 2001 Phan Hào Hiệp đã là bệ đỡ đầu tiên khi Văn phòng đại diện của Tinh Vân tại thành phố Hồ Chí Minh (TVHCM) bắt đầu được thành lập, và đầu 2003 Hiệp chính thức xin ra khỏi
Nhà nước để trở thành Giám đốc TVHCM. Trong nhiều năm Hiệp đã phát triển thị trường rất tốt cho 2 sản phẩm đình đám thời đó là Libol và TVIS. Hiệp cũng là người chỉ đạo phát triển phiên bản đầu tiên của phần mềm quản lý nhân sự HiStaff, sau được chuyển giao cho TVC và hiện vẫn đang là phần mềm quản lý nhân sự có thị phần lớn nhất ở Việt Nam. Rời Tinh Vân năm 2014, hiện Hiệp vẫn đang tiếp tục kinh doanh rất tốt trong mảng phần mềm và giáo dục.

6. Trần Anh Dũng – sinh ra để khởi nghiệp
Sau khi rời Vườn chim Visky của FPT, Trần Anh Dũng tìm đến Tinh Vân và gặp tôi vào một chiều cuối năm 2009, khi bài toán Xalo đang đứng ở ngã ba đường “To search or not to search”: trước sức mạnh của Google liệu Xalo có nên giữ định vị là một máy tìm kiếm nữa không. Với sự có mặt của Dũng, Xalo đã chuyển hướng thành một mảng kinh doanh liên quan đến nội dung số trong chiến lược “Go Mobile” của Tinh Vân, và Dũng đã trở thành CEO mới của TVM, sau này được cơ cấu lại thành TVT. Tuy thời gian ở Tinh Vân chỉ độ hơn hai năm, Dũng đã thể hiện là một leader tầm cỡ, có tư duy chiến lược tốt, và đặc biệt có khả năng quản trị các dự án phần mềm có độ phức tạp cao. Dũng cũng là người đầu tiên có ý tưởng về mô hình kinh doanh affiliate, mà sau đó cả TVT rồi nhiều công ty khác đã áp dụng thành công. Hiện Trần Anh Dũng là chủ tịch MOG, và là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong phong trào startup ở Việt Nam. Chúc Dũng sẽ tiếp tục có những exit lớn và ngoạn mục.

7. Đào Thị Thanh Tâm – luôn trong vai chị Thanh Tâm
Tâm tham gia Tinh Vân đầu 2006, khi đó tôi mới biết Tâm là bạn cùng trường Ams (trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam). Vốn dân chuyên Văn, cũng như Công Nam Phương hay Nguyễn Minh Huyền là các chủ bút trước của tờ nội san Tuổi Xanh Tinh Vân, Tâm đảm nhận vai trò PR nội bộ và phụ trách tờ báo có sứ mệnh gắn kết và kiến tạo văn hoá nội bộ một cách đầy cảm hứng và hiệu quả. Với tính cách đàn chị, Tâm được lòng của hầu hết các bạn Tinhvaner trẻ trung, và thường được gọi với biệt danh trìu mến Tâm Bà Bà. Luôn là chỗ dựa tinh thần
cho các em trong mọi vấn đề từ công việc đến cuộc sống, Tâm Bà Bà được bầu làm chủ tịch công đoàn giai đoạn 2007-2009, một vị trí không thể phù hợp hơn với năng lực. Năm 2008, khi Tinh Vân đầu tư cho sản phẩm Xalo, Tâm được bổ nhiệm là trưởng phòng nội dung Xalo, và 2012 là trưởng phòng nội dung cho sản phẩm Sách giáo khoa điện tử Classbook. Tâm Bà Bà sống hài hoà, đơn giản, cởi mở, có tính thiền rất cao. Hiện chị tự kinh doanh, và luôn hài lòng với những gì đang có.

Trích Sử Ký Tinh Vân 25, Hành trình 1/4 thế kỷ – Cùng nhau tỏa sáng – Chủ tịch Hoàng Tô