Xã hội - giải trí

Giá trị Pháp đang bị thách thức

Đăng bởi: hangnt | 23/11/2015
Mấy ngày nay, ngày nào tôi cũng nhắn tin, dặn con trai đi học bằng xe bus thay vì metro. Có ngày con tôi trả lời, có ngày lờ đi. Khi bị hỏi dồn quá, cháu nhắn lại: “Mẹ đừng lo, có ai sợ IS đâu. Paris vẫn bình thường, ở trường không ai nói đến chuyện này”.

Paris mà tôi biết là như thế. Các con tôi sẽ không nói nhiều về điều đó vì ở trường có nhiều bạn Hồi giáo chính thống, những người trong những ngày này đang sống những phút giây dằn vặt hơn rất nhiều người Pháp khác.

Người Pháp có phải đang trả giá cho những hành động của mình ở Syria? Hay người châu Âu đang trả giá cho chính sự nhân đạo của mình khi nhận người nhập cư mà không nghĩ đến việc phân loại, chọn lựa đối tượng? Sao cả thế giới tỏ lời tiếc thương cho các nạn nhân ở Paris, lo lắng cho nước Đức mà có vẻ như quên rằng ở nhiều nơi khác cũng đã xảy ra chuyện chết chóc?

Ngày nào trên mạng xã hội tôi cũng thấy những câu hỏi tương tự, những cuộc tranh luận nổ ra từ bạn bè Việt Nam và Pháp. Ai cũng có chính kiến riêng, chỉ có một điều chung duy nhất – cuộc khủng bố của đội quân nhà nước Hồi giáo tại Paris đã tác động đến họ, đến tâm trạng, nhận thức và cả cuộc sống hàng ngày.

4096-1447573790252-174-0-1152-1917-crop-1447576214620

Không thể phủ nhận châu Âu đã tổn thương nặng sau sự kiện này. Chỉ hơn một tháng trước đó, chính châu Âu đã mở rộng cánh cửa đón những dòng người tị nạn đến từ Syria, bất chấp những vấn đề về an ninh, kinh tế mà những nước này chắc chắn sẽ phải đối mặt. Chính phủ Pháp, cực đoan trong khái niệm bác ái, không phải không lường trước về đội quân IS có thể xuất hiện ngay chính trong lòng nước Pháp, nhưng đã chọn không đi ngược lại lý tưởng của mình: tôn trọng nhân quyền và thực thi nhân đạo.

Nước Pháp của ngày hôm nay đang cưu mang gần tám triệu người nhập cư, đa số đến từ những đất nước nghèo. Người châu Phi và Đông Dương đến từ các nước thuộc địa cũ, người Đông Âu đến từ sau khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Paris của ngày hôm nay là thành phố đa sắc tộc. Paris 13 dành cho người châu Á, Paris 10 của người Ả-rập, Paris 2 tập trung nhiều người Do Thái… Đã nhiều năm người Pháp chọn đối diện với những vấn đề của lịch sử, giải quyết những món nợ trong quá khứ, kiên quyết bảo vệ tôn chỉ của nền Cộng hòa: Tự do – Bình đẳng – Bác ái, nhưng ngày thứ sáu (13/11) – chủ nghĩa khủng bố đã đẩy nước Pháp đứng trước những sự chọn lựa khác.

Chưa bao giờ những đề nghị của các đảng phái đối lập như đóng cửa biên giới, hạn chế người nhập cư, xây dựng những trại tị nạn ngoài lãnh thổ nước Pháp lại được người Pháp quan tâm như những ngày vừa rồi. Điều này cho thấy những giá trị nhân văn mà nước Pháp theo đuổi đang bị thử thách trong chính lòng nước Pháp.

Người Pháp có run sợ không? Paris có tiếp tục sống những ngày hoang mang không? Chắc là không. Nước Pháp đã đáp trả, người dân Paris đã quay lại với đời sống bình thường. Con tôi đã không chịu đi xe bus mà vẫn tiếp tục chọn metro là phương tiện di chuyển hàng ngày. Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều điều không thể trở lại như cũ.

Vòng xoáy chiến tranh có thể xảy ra. Kinh tế có thể bị ảnh hưởng nhưng có lẽ điều ảnh hưởng lớn nhất là những giá trị tinh thần mà người Pháp xây dựng và tôn thờ: Tự do – Bình đẳng – Bác ái sẽ phải đối mặt với sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố. Một cuộc chiến cam go.

Hôm nay con tôi hỏi: “Cuối tuần này bạn con rủ đi xem phim, con đi nhé?”. Tôi không biết phải trả lời con mình như thế nào. Tôi không muốn gieo rắc nỗi sợ hãi, nhưng tôi cũng không thể hình dung điều gì đang diễn ra trong đầu những kẻ khủng bố, những kẻ gọi tên thánh Allah trước khi xả súng giết hại người vô tội.

Sẽ có những cuộc va chạm sắc tộc và tôn giáo phá hủy thế kỷ này? Sẽ có một thế hệ trẻ em châu Âu lớn lên với nỗi ám ảnh của chủ nghĩa khủng bố? Sẽ có một xã hội mà ở đó tinh thần nhân đạo không còn là lòng tự hào và được ứng xử như một tôn giáo của loài người?

Ngày hôm qua bạn học cũ của tôi, một người Hồi giáo chính thống đăng trên Facebook của cô ấy những lời tiếc thương cho chị họ của mình đã chết trong cuộc khủng bố. Cô cũng trích một đoạn trong Kinh Coran: “Kẻ nào đã giết người vô tội, những người không tạo nên bạo lực, không giết chóc, cũng giống đã giết cả loài người. Người nào đã cứu được chỉ một người vô tội cũng tựa như đã cứu cả nhân loại”.

Bạn tôi đang đau đớn. Đau đớn nội tại đến từ chính sắc tộc, tôn giáo và màu da của mình. Con tôi sẽ đứng trước nhiều thử thách, lớn lên với niềm tin về lòng nhân đạo, bác ái cho con người hay mang trong lòng sự kỳ thị tôn giáo và sắc tộc?

Chưa thể có câu trả lời đúng cho tất cả. Nhưng, Paris – đừng khóc.

Mỹ Linh (Theo VnExpress)