Xã hội - giải trí

Gu âm nhạc của cái loa

Đăng bởi: editor | 11/5/2015
Các cư dân thủ đô trong vài tháng trở lại đây khi tham gia giao thông liên tục được chào hỏi rất trọng thị: “Xin kính chào người tham gia giao thông”. Các ngã tư đường phố nhất loạt vang lên giọng đọc oang oang từ loa phóng thanh.

Khắp các ngã tư đường phố, những chiếc loa công cộng được huy động để tuyên truyền Luật Giao thông. Hẳn nhiều người sẽ tự vấn mình về hiệu quả của chiến dịch này. Nó bao gồm các thông điệp như: “Theo khoản a, điều b…không được đi vào đường cấm”, hoặc các slogan như “đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ”…

loa phuongNhưng đoạn đặc biệt nhất của series phát thanh rầm rộ này, phải kể đến âm nhạc. Sau khi nam nữ tuyên truyền viên kết thúc phần đọc, nhiều ngã tư đường phố thủ đô sẽ ngân lên bản hòa tấu Hà Nội mùa thu. Mùa thu từ ngày này qua tháng khác, mưa dầm gió bấc, nắng chang vỡ đầu, từ xuân sang hạ, đều bật Hà Nội mùa thu.

Âm nhạc là hình thức truyền thông đại chúng cổ xưa nhất thế giới, cổ xưa hơn cả các bài diễn văn. Nhưng việc có ý thức chọn nhạc gì cho người khác nghe, là một biểu hiện của sự tôn trọng và ngược lại.

Có một ngày, tôi ngồi tìm lại các bài nhận xét trên khắp thế giới về du lịch Việt Nam. Nhìn chung khá tệ hại: Việt Nam ăn cắp, nói thách, lừa đảo, chất lượng dịch vụ tồi… Có một bài khen nhiều nhất, thì rất ngạc nhiên, lại về cách chọn nhạc của một người bình thường. Đấy là bài về cặp vợ chồng Frank và Gabrielle Yetter, (những người làm việc trong vai trò quản lý ngành truyền thông ở Mỹ) hai ông bà ở tuổi ngũ tuần, quyết định bán hết gia sản ở Mỹ, bỏ chức vụ quản lý, để đi du lịch thế giới. Hẳn nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng với từng đấy ước vọng cho một chuyến đi cuối đời, việc họ đến Việt Nam có thể là một sự mạo hiểm.

Nhưng rồi vợ chồng nhà Yetter lại xếp anh lái taxi Việt Nam của họ vào top 10 người đáng yêu nhất Đông Nam Á. Chỉ bởi vì anh ta hỏi họ là người nước nào, sau đó cho vào đài một cái CD nhạc Mỹ, rồi nghêu ngao hát theo mấy bài hát cũ, như Hotel California hay My heart will go on trong phim Titanic… Vợ chồng nhà Yetter vui vẻ hát theo và quên đi việc mình đang tham gia một đám đông kinh hoàng trên phố. Ấn tượng của anh lái taxi đã xóa tan tất cả. Một cái đĩa CD ở đây giá trị tương đương dịch vụ của một khách sạn 5 sao.

Tôi tự hỏi, sự quan liêu có thể được thể hiện bằng âm nhạc hay không? Hãy nhìn một chuyến tàu Bắc – Nam: cứ đến ga nào thì tự động bật ca khúc đặc trưng của tỉnh đó. Ngoài ra thì tự động bật bài Tàu anh qua núi của Phan Lạc Hoa. Lần đầu nghe còn được. Lần thứ hai nghe thấy chối, ồn ào, không ngủ được. Không có nút tắt. Lần thứ ba thì thực sự bực bội. Vấn đề không phải là nhạc có hay không, vì mỗi người một gu riêng, mà ở đây thấy rõ rằng chẳng ai quan tâm đến nhạc, cứ bật cho xong.

Nhạc trên những chuyến bay, cũng chẳng hiểu được chọn theo logic nào. Có dạo cứ hết chuyến bay, hãng hàng không quốc gia, lại bật Biển cạn của nhạc sĩ Kim Tuấn. “Ngày xưa biển xanh không như bây giờ biển là hoang vắng”. Buồn thảm.

Chuyển sang bay một hãng khác, lúc đi thì người ta bật Proud of you của Fiona Fung. Chả phải âm nhạc đỉnh cao gì, nhưng nhẹ nhàng, vui vẻ. Bài hát nói về một cô gái bay lên vì tình yêu, cũng là có ý có tứ. Lúc xuống đến Nội Bài, thì trên loa vang lên Xin chào Việt Nam của Quỳnh Anh. Đi lâu, nhớ quê, nghe bài ấy có khi rùng mình.

Có người sẽ bảo tôi rằng, có nhiều thứ quan trọng khác cần quan tâm hơn trong sự vận hành của xã hội. Nhưng tôi nghĩ rằng, việc chọn dăm ba bài nhạc là chuyện rất nhỏ, rất dễ làm, dễ hơn viết diễn văn hay nội dung tuyên truyền rất nhiều, mà không làm được, khó mà nói chuyện lớn. Sự cẩu thả ấy thể hiện một thái độ.

Trở lại câu chuyện của những chiếc loa trên đường phố. Nếu có ai muốn trách những chiếc loa phường, thì tôi cũng nói luôn, rằng ở nhiều phường bây giờ, cán bộ cũng rất tinh tế, có đĩa nhạc trẻ để xoay vòng, chứ không phải là bật Hà Nội mùa thu vào giữa mùa đông giá rét hay Biển cạn lúc người ta bắt đầu một chuyến đi.

Vô cảm không phải là đặc tính bắt buộc của những cái loa công.

Đức Hoàng

Nguồn: VnExpress