Xã hội - giải trí

Huy chương và huyền thoại

Đăng bởi: hangnt | 29/6/2015
Trong một bảo tàng nhỏ trong khu phố cổ ở Poznan, Ba Lan, người ta bày trang trọng giữa phòng một bức tượng nhỏ bằng đồng. Một người đàn ông đang bị trói vào phiến đá và phía trên là một con đại bàng. Bằng thứ tiếng Anh không mấy dễ chịu, người quản lý bảo tàng mất một lúc để giải thích cho tôi rằng, đó là một chiếc cúp bóng đá.

Đó là tượng của Prometheus, vị thần bị trừng phạt vì đã dám đem lửa trao cho con người. Bức tượng ấy đã được dùng làm cúp bóng đá trong suốt thời Ba Lan bị phát xít Đức chiếm đóng: những người Do Thái ở Poznan, gần như mất hết quyền con người trong chế độ phát xít, đã quyết định tổ chức một giải đấu “chui”. Họ bí mật thi đấu và bí mật trao cúp cho nhau, chiếc cúp mang hình của người truyền lửa trong thần thoại. Và đã có những khi sân bóng đá trở thành nơi hành quyết tập thể của phát xít Đức dành cho người dân Do Thái.

Đó là hình ảnh mạnh mẽ nhất mà tôi từng nhìn thấy về thể thao. Người ta có thể nhìn thể thao dưới góc độ y học, kinh tế học hay xã hội học. Nhưng trong suốt lịch sử của mình, thể thao đã vượt lên những kiến giải lý tính, trở thành một thứ ý niệm thiêng liêng về ý chí của con người. Tại sao những người Do Thái ấy, sống trong cảnh chui lủi, lại quyết định tổ chức một giải đấu, bất chấp nguy hiểm? Họ cần rèn luyện sức khỏe? Chắc là không. Họ cần khẳng định rằng không cách gì tước đi quyền con người của mình. Những người theo thuyết vụ lợi, lập luận bằng lợi ích sẽ khó lòng giải thích được cái cúp này. Thể thao mạnh hơn logic.

Tôi nhớ đến bức tượng vị thần truyền lửa ấy khi xem khung cảnh của nhà vận động viên Vũ Bích Hường mà đồng nghiệp mới quay. Huyền thoại điền kinh Việt Nam, biểu tượng của thể thao nước nhà một thời, giờ nằm trong một góc căn nhà tuềnh toàng, di chuyển khó khăn bằng nạng vì tai nạn giao thông, nước mắt lăn trên má và mong ước con trai – người theo nghiệp mẹ – mang về một tấm huy chương từ SEA Games.

Những khung cảnh như thế đã lướt qua ký ức người hâm mộ thể thao suốt bao nhiêu năm nay. Huyền thoại vô gia cư, huyền thoại nhổ cỏ, huyền thoại quét rác. Và người ta sẽ tự hỏi, con trai chị Hường sẽ làm gì sau khi giải nghệ?

Doan-TTVN1

Thật ra thì nghề nào cũng có vinh quang và cay đắng sau ánh hào quang. Nhưng có một điểm đặc thù của thể thao thành tích cao: đó là một “cái nghề” không tuân theo quy luật thị trường. Nếu theo đúng quy luật thị trường, rất nhiều môn thể thao thành tích cao ở nước ta hoàn toàn không có lý do để tồn tại, nếu không muốn nói là phần lớn – bởi không ai có thể mưu sinh bằng “cái nghề” mà họ đã theo đuổi.

Chúng ta đầu tư cho những vận động viên này, kham khổ tập luyện trong suốt nhiều năm, cổ vũ họ, để phục vụ cho một nhu cầu tinh thần vô hình, một thứ “lửa” mà cả một quốc gia không muốn để tắt – một thứ vượt lên trên những logic lợi ích thông thường. Nó được nuôi bằng “lửa” của cả một đất nước yêu thể thao, và “lửa” của cả những cô bé, cậu bé lớp năng khiếu thể thao, thơ ngây lao về phía trước với niềm tin đang phục vụ cho tổ quốc.

Nhưng sau khi tận dụng “lửa” của những cô bé, cậu bé ấy mười mấy hai mươi năm, ta lại đẩy họ ra và đối mặt với quy luật của thị trường lao động. Ta dắt họ đi bằng một động lực mạnh hơn logic rồi ném họ về với logic. Kịch bản của hầu hết các VĐV thể thao, gần như có thể đoán được trước.

Vấn đề ở đây không phải là họ nghèo. Có nhiều người nghèo. Mà vấn đề là họ sẽ nghèo theo một kịch bản định sẵn, bởi ngay từ đầu, họ đã không sống đúng với các quy luật xã hội. Thậm chí, trong quá trình đào tạo vận động viên thành tích cao, chuyện học văn hóa cũng bị xem nhẹ. Một ông bầu đốc thúc cầu thủ học hết lớp 12, cũng được xem là trường hợp đặc biệt.

Vấn đề của các “huyền thoại thể thao” thì ai cũng đã nhìn thấy. Giờ là lúc nghĩ về các lựa chọn. Lựa chọn đơn giản là bỏ thể thao thành tích cao đi, cứ theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động mà đào tạo, không còn Prometheus, không có lửa không có khói gì nữa.

Hoặc là vẫn nuôi các cô cậu ấy, nhưng theo một cách khác để họ đừng khốn khó ngay khi ở tuổi tứ tuần như thế nữa. Có thể bạn chưa bao giờ nghe đến “Phòng hỗ trợ VĐV thành tích cao” (Ủy ban thể thao Singapore); “Chương trình cuộc sống VĐV” (New Zealand) hay “Chương trình hỗ trợ quá độ” (Ủy ban thể thao Ireland)… và rất nhiều những thứ tương tự, sinh ra để đảm bảo đời sống cho VĐVkhi giải nghệ, đào tạo và lo việc làm cho họ. Những cái tên chương trình nghe giống một giấc mơ xa xôi. Nhưng thực chất, nó cũng chính là đầu tư cho thành tích: nó tạo ra sự toàn tâm toàn ý của VĐV khi còn đang thi đấu.

Hoặc lựa chọn khác là cứ để nguyên như bây giờ, chúng ta vẫn có thể có nhiều HCV nhất, nếu tổ chức trên sân nhà.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)