Xã hội - giải trí

Không làm đau người khác

Đăng bởi: hangnt | 12/10/2015
Hơn một năm trước, con tôi học tại một trường mẫu giáo công ở quận trung tâm TP HCM. Một hôm, cháu bất ngờ nói với mẹ: “Con không muốn đi học đâu! Con chán”. Tôi hỏi: “Sao vậy con?”. Cháu trả lời: “Con sợ cô giáo, vì con hay đòi đi vệ sinh”.

Hỏi kỹ ra mới hay, bé có thói quen hay xin cô đi vệ sinh vào giờ ngủ trưa. Mà giờ đó các cô cũng ngủ trưa hoặc ngồi chơi máy tính. Vì thế, cô giáo dặn các con: “Đi vệ sinh phải đi ở nhà, đi vệ sinh ở lớp là hư”.

Nhưng con trai tôi vẫn đòi đi vệ sinh ở lớp. Đó là điều khiến cô giáo tuyên bố: “Cô phê bình bạn Đức trước lớp”. Cả tuần con tôi mặt buồn thiu, không muốn nói đến lớp học và khuôn mặt vơi bớt hẳn nụ cười.

Xót con, tôi tới lớp đem câu chuyện bé không muốn đi học vì sợ cô phê bình. Cô thanh minh: “Lớp có 3 cô mà có tới hơn 40 cháu, nếu cháu nào cũng thế thì chúng em không thể kham nổi”.

Tưởng mọi việc xong xuôi, ai dè hôm sau bé về nhà mặt buồn thiu, lo lắng. Nửa đêm con lên cơn mê sảng, mồ hôi đầm đìa, khóc và la. Sáng hôm sau, khi cha mẹ dắt xe ra cổng, đội mũ bảo hiểm cho con thì bé lấy tay níu cửa: “Bố ơi con muốn ở nhà”. Thương con, bố nghỉ việc ở nhà ngồi tỉ tê. Con kể cô giáo gọi con vào buồng (khu vệ sinh, nơi các bé rửa tay và rửa mặt, đánh răng) tét vào tay con, bắt con ngồi khoanh tay một mình ở đó. Cô hỏi: “Tại sao bạn Đức mách mẹ. Bạn Đức làm thế là hư, cô phạt. Tất cả những chuyện ở lớp và chuyện cô nói gì từ nay trở đi bạn Đức không được kể với bố mẹ”. Cô ra thông báo với cả lớp: Cả lớp sẽ tẩy chay không chơi với bạn Đức vì bạn Đức hư. Thế là tất cả các bạn không chơi với con.

images951886_mam_non_1

Tôi thương con quá, liền gọi điện cho một người quen làm bên ngành giáo dục, xin lời khuyên có nên chuyển trường cho bé. Cô nói rất khó vì các trường công đã chốt danh sách học sinh từ đầu năm học rồi, muốn chuyển phải đợi tới hết năm học. Nếu mình xin sang trường khác chưa chắc họ đã nhận vì sẽ nghi vấn rằng chắc phụ huynh này quá đáng và yêu sách lắm nên họ ngại. Nếu tôi đi báo với Sở Giáo dục, thanh tra sẽ xuống trường, hiệu trưởng và cô giáo phải giải trình. Nhiều khả năng cả hai sẽ bị đuổi việc hoặc điều chuyển công tác khác.

Thất vọng, tôi lại bấm bụng đến gặp cô và kể lại chuyện của bé. Rồi cô lại thanh minh giải thích, rồi vẫy tay gọi con tôi: “Đức lại đây”. Cô giáo ôm cháu hôn chụt chụt vào má và nói: “Cô yêu Đức, cô có mắng con bao giờ đâu”.

Bé vẫn học hết năm cuối cùng của mẫu giáo trước khi lên lớp một. Đi học về con cũng bao giờ nhắc tới cô giáo nữa. Tò mò tôi gặng hỏi, bé nói: “Cô dữ như sấm sét. Cô bảo các bạn: Câm mồm ngay! Cô khỏe lắm mẹ ạ. Cô xé đôi được cả cuốn sách”. Dù đã “sáng tác” ra một số lý do để con hiểu, rằng đó là vì các bạn chưa ngoan, là vì cô rất mệt song tôi biết đó là năm học mẫu giáo kinh hoàng của con.

Cách đây mấy hôm, khi đọc thông tin về cháu bé 14 tháng ở lớp mầm non ở Quảng Bình bị cô giáo trói chân tay, nhét giẻ vào miệng, tim tôi đau nhói. Tôi nghĩ nhiều bậc cha mẹ có chung cảm giác ấy.

Nhà giáo dục của Đài Loan Lư Tô Vỹ, người từng có thời gian làm quản lý trong trại giáo dưỡng trẻ vị thành niên nói trong cuốn sách “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” của mình rằng, khi một đứa trẻ ăn cắp, chửi thề, không biết làm toán, đó không phải là lỗi của nó mà đầu tiên chính là lỗi của giáo viên, cha mẹ chúng. Giáo dục là sự bắt chước và quan trọng hơn là sự làm gương. Tâm lý học đã chứng minh rất rõ sự bắt chước và lây lan hành vi của con người, tiêu biểu là hội chứng đám đông. Con người có xu hướng vô thức lặp lại hành động giống như người ở lân cận mình, người có quyền lực và địa vị cao hơn mình, từ người lãnh đạo quốc gia đến người làm sếp, người làm cha mẹ, người có ảnh hưởng đến mình theo một khía cạnh nào đó song bản thân người bắt chước hành vi cũng không ý thức và gọi tên được hành vi đó. Thậm chí, giữa một đám đông, chỉ cần một nhóm người nhìn lên trời thì dần dần tất cả những người còn lại… cũng nhìn lên trời.

Tôi nhớ Lý Quang Diệu nói khi lý giải với nhà báo Tom Plate về hiện tượng Singapore. Một trong những giá trị cha đẻ của đảo quốc đã đưa vào trường học Singapore nhiều năm về trước là triết lý tôn trọng lợi ích của người khác với mọi công dân ở đây và cũng là nguyên tắc của đất nước này trong hành xử với quốc gia khác. Ông nói đại ý rằng, bất kể kẻ nào xâm phạm lợi ích của người khác, tiếm nguồn sống của người khác đều không thể vững bền. Điều này cũng tương tự như triết lý giáo dục của Nhật Bản. Một người Nhật mà không tự trọng thì không còn là người Nhật và tự trọng là tôn trọng tuyệt đối lợi ích của người khác. Thậm chí, ở Nhật có những người tự vẫn bằng cách lao vào tàu điện ngầm thường để lại một phong bì tiền và lời xin lỗi để trả ơn người phải dọn dẹp.

Tất nhiên tôi không cổ vũ cho hành vi tự vẫn, song kể câu chuyện để thấy rằng con người đã có hàng nghìn năm để trưởng thành nhưng không thể phủ nhận biết bao tăm tối vẫn bao phủ đời sống này.

Một người quen từng nói với tôi rằng tất cả các ông bố bà mẹ có con đi học đều có một mối lo chung là “ngành giáo dục”… Bởi vì chúng ta sống như chúng ta tin. Và ta cần có thêm cơ hội để tin rằng giáo dục sẽ cải thiện, sẽ giúp con người bước lên những bậc thang văn minh cao hơn. Tôi chỉ ước mong Đức của tôi bước chân ra khỏi cổng trường với niềm tin rằng: nếu không làm điều tốt cho ai thì cũng không được làm đau người khác.

Hồng Phúc (Theo VnExpress)