Xã hội - giải trí

Khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng tinh thần?

Đăng bởi: hangnt | 21/9/2015

Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, xác định cho mình tâm lý sẵn sàng đương đầu với mọi thay đổi dù là khó khăn nhất, là một động thái tích cực giúp chúng ta đạt tới mục tiêu của bản thân.

Bạn đã chuẩn bị gì và sẽ lựa chọn cho mình cách sống thế nào trước những thay đổi chóng mặt của cuộc sống? Khủng hoảng kinh tế đặt nhiều người trước cánh cổng bỗng nhiên mất việc, bỗng nhiên phải thắt chặt hầu bao, bỗng nhiên phải đối mặt với những khó khăn mà họ chưa bao giờ nghĩ tới…

Một chút suy tư về cuộc sống

Khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng tinh thần?

Mấy tháng nay, sáng nào Phương Hà cũng đi làm với một tâm trạng phập phồng. Cuối cùng, hai đồng nghiệp trong phòng cô cũng nhận được thông báo nghỉ việc. Lý do rất đơn giản,công ty đang trong giai đoạn cắt giảm người do các hợp đồng sản xuất từ châu Âu đã đến lúc kết thúc mà họ chẳng hứa hẹn khi nào ký tiếp. Còn lại Hà và một đồng nghiệp nữa, tiếp tục theo dõi một số hợp đồng nhỏ trong nước và lo lắng chuẩn bị đến phiên mình bị “thanh lý”.

Lo sợ mất việc như Hà đã đành, Hoàng Phương lại khốn đốn vì… đoạn đường từ nhà đến cơ quan cô bỗng nhiên thay đổi. Ngân hàng cô vừa sát nhập với một ngân hàng khác, văn phòng cũ bị trả lại mặt bằng, cô cùng nhiều đồng nghiệp được thuyên chuyển sang chi nhánh mới. Bốn đồng nghiệp ở chi nhánh cũ đi cùng Phương thường “lạc quan tếu” với nhau là có dịp ngắm thêm phố phường, biết thêm nhiều địa điểm mới mà nếu làm chỗ cũ không cách gì biết được. Nhân sự xáo trộn, công việc thay đổi, chỗ làm xa xôi khiến càng ngày Phương càng thấy ngao ngán. Nếp sinh hoạt gia đình vì vậy mà cũng nháo nhào thay đổi theo. Nhưng dù sao,”giữa thời buổi này có việc làm là may rồi!” – họ tự an ủi nhau như vậy để ngày ngày gắng vượt đường xa, gắng hòa đồng với những thay đổi nơi công sở để giữ việc trong thời gian… tìm được việc mới.

Phụ nữ hiện đại vững  vàng tâm lý thời khủng hoảng

“Trật tự thế giới” bị đảo lộn

Cách đây vài năm, khi giá cả bắt đầu “leo thang từ từ”, tâm lý của Minh cũng bị tác động một cách tinh vi rất khó nhận thấy. Lúc đầu cô chặc lưỡi, tăng một chút cũng không sao, rồi nó sẽ “đứng” lại thôi. Nhưng sau đó, không chỉ riêng cô mà cả bạn bè, đồng nghiệp trong văn phòng cũng chung một tâm lý “đi chợ như bị mất cắp”, tiền cứ không cánh mà bay. Số tiền để dành hàng tháng ít dần. Song cuộc sống đã cuốn họ đi. Cho đến một ngày, công việc họ làm cũng thay đổi, tính chất công việc phức tạp và thiếu ổn định hơn, đặc biệt ngày càng tỉ lệ nghịch với thu nhập.

Môi trường công sở cũng đã không còn như trước nữa. Người đến, người đi liên tục là chuyện bình thường, nhưng người đi bao giờ cũng nhiều hơn. Giữa các phòng ban dường như tồn tại một thái độ e dè lẫn nhau, nhất là khi đến kỳ đánh giá nhân sự, xét thưởng cuối năm. Dường như tất cả đang được đặt vào trạng thái “nhạy cảm quá mức”.

Dường như tất cả đang được đặt vào trạng thái “nhạy cảm quá mức”.

Người ta thường nói đến cái giá của sự thay đổi mà ít ai suy xét đến cái giá của việc không chịu thay đổi. Nếu bạn coi khủng hoảng kinh tế là một cơ hội để bản thân phải phá vỡ những thói quen đã ăn sâu đến mức trì trệ, thực tế sẽ khoác một màu tươi sáng hơn chứ không quá ảm đạm như bạn nghĩ.

Là một nhân viên theo dõi các hợp đồng sản xuất, mới lập gia đình khoảng nửa năm, Hà tự cảm thấy mình may mắn, vì cô chưa quá nặng gánh gia đình và đủ dẻo dai để đương đầu với những khó khăn. Cô hiểu mình còn trẻ và “cơ động” để có thể xoay chuyển tình hình. Thay vì lo lắng khi các hợp đồng của công ty ngày càng ít, Hà tận dụng các buổi tối trong tuần học thêm lớp kế toán. Cô nghĩ lợi ích đầu tiên từ khóa học này là nó giúp cô biết cân bằng thu chi trong gia đình. Mặt khác, bản tính vốn tỉ mỉ, cẩn thận, Hà thấy công việc này phù hợp với mình. Nếu tình hình xấu nhất, cô vẫn có thể hỗ trợ chồng làm giấy tờ sổ sách cho công việc kinh doanh riêng của anh.

Theo Elle