Hành Trình 1/4 thế kỷ

Netlab – Một thời đã xa

Đăng bởi: editor | 6/12/2019

Netlab là mạng Intranet được Tinh Vân xây dựng từ những năm 1997, khi Internet chưa hiện diện ở Việt Nam. Với đầy đủ các ứng dụng web-based cho người sử dụng truy cập vào bằng dial-up thông qua modem, mạng Netlab thực sự là nơi để giới trẻ trải nghiệm những thứ mà giờ đây quá đỗi bình thường. Diễn đàn là nơi xôm tụ nhất, được chia thành các Box theo chủ đề. Các anh tài được dịp thi nhau chém gió. Những kỷ niệm về Netlab  được một số thành viên ghi lại, như hoài niệm về một thời đã xa, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

>> “Khó khăn không khiến chúng tôi nản lòng”

>> Những ngày đầu với nghiệp vụ Libol

dreamstime_10567246[1]

Hình minh họa

Những năm 1998-1999, internet là một cái gì đó tương đối mới lạ và… tốn kém đối với người dân, đặc biệt là đối với những sinh viên như chúng tôi. Tuy nhiên, với tinh thần “nghèo thì nghèo vẫn phải cho thằng Tèo đi bộ đội”, tôi quyết định dành m tháng lương gia sư để mua lại chiếc modem cũ của anh bạn cùng lớp Đại học. Cắm đường line điện thoại vào và với 1 “account chùa” của thằng bạn thân quẳng cho, tôi đã online như thế. Thời đó, chẳng có room chat, chưa có phong trào forum, thậm chí google còn chưa xuất hiện, mạng dial-up thì siêu rùa bò, lên mạng cũng chỉ đọc dăm ba cái tin trên yahoo là hết. Tôi với cậu bạn cùng lớp Đại học còn tự kỉ đến mức độ là tối nào cũng phải gửi cho nhau một cái e-mail để cho thấy là cả hai thằng đều đang dùng internet, mặc dù ngày nào cũng gặp nhau từ sáng đến chiều. Đến bây giờ tôi cũng chả nhớ là có gì để mà gõ vào trong mail nữa, dù cho chúng tôi duy trì việc đó suốt nửa năm trời, cho đến khi tất cả các “acc chùa” đều tạch.

Kể ra là có internet cũng không đến mức “mở ra một chân trời mới” như tôi nghĩ ban đầu, nhưng lúc không có nó thì khó chịu ra phết. Chúng tôi bị disconnect với thế giới mạng khá lâu, có lẽ đến vài tháng, khi mà cả lũ đã quen với việc không có mạng thì một cậu bạn bên trường Kinh tế giới thiệu “mày đăng ký Netlab đi, vào mạng không mất tiền, có hòm thư miễn phí và vào được mạng nội bộ của nó”.

Tôi cũng chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào nhưng dắt theo hai ông bạn cùng lớp nữa đến Kim Mã, giờ tôi cũng không nhớ số nhà bao nhiêu nữa, nhưng nó là một ngôi nhà 3-4 tầng gì đó ở mặt phố. Chúng tôi cầm theo chứng minh thư để đăng ký và chỉ trong vòng vài nốt nhạc là mỗi thằng đã có một account Netlab.

Thế là suốt một thời gian rất dài sau đó, trong lúc không tìm được account chùa nào, chúng tôi “sinh hoạt” trên Netlab. Hoá ra là Netlab không kết nối với internet, sau khi quay số kết nối được, người dùng chỉ vào được một cái forum và trong lúc đó có thể check và gửi mail @netlab. Mạng Netlab cũng khá hạn chế, vì trong cùng một lúc chỉ có thể có ba người truy cập. Tuy nhiên do lượng người đăng ký và sử dụng cũng không nhiều lắm, nên việc truy cập Netlab cũng không khó khăn. Có thể nói Netlab là một trong những forum đầu tiên trên cõi internet Việt Nam, dù cho nó khá thô sơ, chỉ có 3-4 box gì đó. Phần Âm nhạc do một em tên là Đặng Giáng Hương làm mod. Phần Thể thao do anh Thảo làm mod. Còn 1-2 box nữa thì tôi không nhớ, nhưng vẫn nhớ là có một anh tên là Trung, sinh năm 1977 phụ trách một box khác. Ngoài ra, Netlab có một thứ khá hay ho, đó là Thơ máy.

Forum Netlab mặc dù chỉ có ba thành viên được online cùng lúc, nhưng lại có chức năng chat. Lần đầu tiên trong đời tôi được chat là ở Netlab, cảm giác thật tuyệt vời vì mình lại đang trò chuyện với một ai đó không quen biết, và cũng chẳng biết họ đang ở đâu. Tôi thậm chí phấn khích đến mức, sau khi “dis mạng” còn chạy ra gọi điện khoe khắp nơi.

Cộng đồng mạng Netlab khá ít, nên chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả chúng tôi trở nên quen biết nhau. Theo xu hướng, khi chém gió online đến một mức độ nhất định sẽ chuyển thành offline. Lý do để chúng tôi họp mặt nhau ở ngoài cũng rất chính đáng, đó là thành lập đội bóng đá. Hồi đó, mấy thằng sinh viên chúng tôi khá bất ngờ vì tham gia đội bóng toàn những VIP của Tinh Vân: anh Phan Quang Minh – giám đốc, anh Tuấn Lương – phó giám đốc, rồi anh Hoàn, anh Tùng… toàn những trụ cột của công ty. Khách quan mà nói, đội Tinh Vân đá bóng khá hay, bằng chứng là đội hay thắng hơn là thua. Tôi vẫn nhớ có trận thắng CMC với tỉ số 5-0 trên sân Y, là trận đầu tiên (và hình như là duy nhất) tôi có ghi bàn cho đội Tinh Vân.

Anh Phan Quang Minh hồi đó làm thủ môn, có lẽ là thủ môn có trang phục pro nhất trong các đội bóng tôi từng đá, lúc nào cũng đầy đủ găng áo. Anh Hoàn mặc dù lớn tuổi nhưng đá rất rắn. Anh Quang đá thòng rất hay, anh Thảo thì là một trong những người đá trụ hay nhất mà tôi đã từng đá cùng. Anh Tuấn Lương Sheva thì là tay săn bàn có hạng của đội. Cũng có lần anh Tùng ra sân đá, nhìn quả bụng của anh thì tôi cũng hơi ái ngại, nhưng cuối cùng thì anh cũng vào sân và ra sân một cách an toàn.

Đội Tinh Vân duy trì được khá lâu, tôi cũng không nhớ chính xác tại sao đội giải tán, tại internet Việt Nam bùng nổ nên có nhiều chỗ chơi khác, tại Tinh Vân phát triển hơn nên chuyển địa điểm và đông nhân viên hơn, hay tại chúng tôi ra trường và đi làm… hoặc tất cả các nguyên nhân ấy.

Ngoài đá bóng, chúng tôi cũng gặp nhau khá thường xuyên ở quán bia và café. Gần như cuối tuần nào cũng tụ tập café, quán thường hay ngồi nhất là Cây Bàng ở hông khách sạn Hà Nội. Và trong những buổi café ấy, tôi mới được biết hoá ra các “khai quốc công thần” của Tinh Vân toàn các ngôi sao sáng của Việt Nam trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Tôi nhớ có lần tôi ngồi há hốc mồm nghe anh Tuấn Lương kể về anh Tô, anh Tùng, anh Trương Lương, … đến tận 1h sáng, toàn những chuyện kiểu như đoạn đấy anh Tô chỉ cần code 3 dòng lệnh thì bọn khác code đến 2 trang …

Sau này, mỗi người một công việc, chúng tôi ít gặp nhau hơn, nhưng những người mà anh Lương hay nhắc đến trong các câu chuyện thời ấy đều trở thành những nhân tố chủ chốt trong sự phát triển của Tinh Vân. Tôi cảm thấy rất mừng cho sự đi lên và lớn mạnh của Tinh Vân nói chung và các anh nói riêng. Tinh Vân cũng đã trở thành một big name trong giới công nghệ thông tin.

Năm 2000-2001 có lẽ là giai đoạn internet bùng nổ ở Việt Nam, đi ba bước chân là có một hàng net. Chúng tôi bị cuốn vào những thứ mới lạ và có tính cộng đồng lớn hơn và không còn giữ được thói quen hàng ngày quay số vào Netlab nữa. Và vì thế, tôi cũng không rõ mạng Netlab còn duy trì được đến ngày nào.

Đến giờ, chúng tôi mất liên lạc với nhau gần hết và tôi cũng không chắc là sau 15 năm, mọi người còn nhớ đến nhau hay không. Tuy nhiên, đó chắc chắn là một trong những kỷ niệm đẹp trong quãng đời mà tôi đã sống. Tôi đã được chứng kiến một công ty được thành lập bởi những người bạn, đã ra đời và lớn mạnh như thế nào. Tôi đã được làm quen với những người bạn, những người anh đáng mến, và tôi cũng đã được uống bia với đại tác giả Bàn Tải Cân lừng lẫy giang hồ khi mà anh đang còn phôi thai Trinh Tùng truyện.

Cảm ơn Tinh Vân, cảm ơn Netlab.

Lưu Tuấn Anh – Nguyên thành viên mạng Netlab