Xã hội - giải trí

Người đàn bà mù chữ

Đăng bởi: hangnt | 24/10/2015
Chị Thới Thị Hương sống trong một căn nhà nhỏ xíu, chỉ hơn 10 mét vuông ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là căn nhà tình nghĩa mà chính quyền xây cho mẹ chị, bây giờ hai mẹ con chị Hương ở nhờ sau khi chị ly hôn. Căn nhà mà chị đã cùng tạo dựng với chồng cũ, mái bằng khang trang, cách đó khoảng chừng 50 mét.

Chị bảo rằng lần nào đi qua nhà cũ cũng khóc. Vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là sợ hãi những trận “đòn” từ người chồng cũ, cuộc ly hôn của chị diễn ra chóng vánh. Chị không đòi hỏi tài sản gì. Nhà có một con bò và hai con bê, chị chỉ dám lấy một con bê, để ly hôn cho nhanh.

Chị nuôi cả hai đứa con, và theo bản án ly hôn, mỗi tháng phải nhận được một triệu hai tiền cấp dưỡng nuôi con từ người chồng. Anh chồng đi làm ăn bên ngoài cũng có tiền, không ít. Nhưng đã tròn một năm nay, chị không nhận được đồng cấp dưỡng nào, cũng không biết kêu ai. Bây giờ chị đi làm rẫy mỗi ngày chỉ được 70 đến 100 nghìn đồng, thường xuyên phải giật gấu vá vai để nuôi con nhỏ. Một triệu hai mỗi tháng với chị là số tiền quá lớn. Tôi mở vung cái nồi duy nhất trên bếp nhà chị, chỉ thấy hai con cá nục kho mặn, để ăn cả ngày.

Nghe câu chuyện chị kể trong nước mắt, chúng tôi cho chị Hương đi nhờ xe lên huyện. Chị không có phương tiện để đi lên cơ quan thi hành án huyện Bình Sơn, cách đó gần 20 cây số để đòi số tiền cấp dưỡng nuôi con.

Cán bộ thi hành án giải thích tận tình thủ tục, rồi đề nghị chị Hương viết một lá đơn yêu cầu thi hành án. Chị Hương ngần ngừ, không viết. Tôi hỏi vì sao. Chị bảo rằng mình không biết viết. Không biết viết theo nghĩa đen, tức là mù chữ, chứ không phải là không biết trình bày mẫu đơn.

14e2

Chị Hương mù chữ. Chị Hương không biết đòi quyền lợi của mình như thế nào. Chúng tôi sững lại vài giây, khi bất thần nhớ ra rằng ở ngay đầu ngõ nhà chị, chỉ cách vài mươi mét, là một cán bộ Hội phụ nữ xã.

Chúng tôi đã từng đem câu hỏi ‘hội phụ nữ có tham gia gì không’ cho rất nhiều phụ nữ nông thôn trong hành trình đòi quyền lợi của họ. Câu trả lời hầu hết là không. Chúng tôi đề nghị Hội phụ nữ tỉnh, và nhờ họ giúp đỡ thông tin về những vụ bạo hành gia đình trên địa bàn tỉnh. Câu trả lời trắng phớ là không giúp được vì họ không nắm thông tin này.

Hội là tổ chức đại diện cho những người phụ nữ, mà không nắm được tình trạng bạo hành thì, ngoài mấy cái băng rôn xanh đỏ trên phố, tôi không biết họ nắm những gì.

Tất nhiên, ở đâu cũng có người này người khác. Chúng tôi cũng gặp những cán bộ hội phụ nữ địa phương âu sầu, vì muốn giúp đỡ lắm, những người đàn bà bị bạo hành khốn khổ, mà một chút chi phí đi lại làm việc cũng thiếu thốn, và chẳng có cơ chế tương trợ nào, nhưng họ vẫn cố làm hết sức.

Nhưng hệ thống những câu trả lời mờ nhạt về vai trò của Hội phụ nữ trong quá trình tiếp xúc với những phụ nữ bị bạo hành trên đất nước này làm tôi cho rằng có một vấn đề gì đó trong cơ chế hoạt động của hội, làm tôi nhớ đến những nhận xét về việc “chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và “chưa đáp ứng được một số vấn đề thực tiễn đặt ra” mà bà chủ tịch Hội đã nói nhiều năm về trước.

Trên website của Hội Liên hiệp Phụ nữ, tôi thấy nhiều gương sáng màu hồng, nhưng “thực tiễn” thì đang đặt ra nhiều bi kịch. Bạo hành chỉ là một trong số đó. Sự thiếu tự chủ về kinh tế, sự thiếu kiến thức và nhận thức về giới, đang tạo ra vô số những câu chuyện đau lòng, mà nếu không có một bàn tay từ “ai đó” chìa ra, người phụ nữ nào cũng có thể trở thành chị Hương, vĩnh viễn chìm trong cái đói và sự đau khổ.

Đó tất nhiên không phải là chuyện của riêng Hội Liên hiệp phụ nữ. Báo cáo của OECD mới đây đã không dùng chữ “chưa” mà dùng chữ “không” cho Hội Nông dân Việt Nam, trong đó có “không hoạt động hiệu quả vì lợi ích nông dân”.

Tôi không có ý định quy kết toàn bộ trách nhiệm cho các đoàn thể, dù chỉ là đoàn thể cơ sở. Những bi kịch luôn là hệ quả của cả một hệ thống và cần nhiều bàn tay. Nhưng có một vấn đề của các Hội, với tư cách một người viết, là tôi rất khó tìm thấy vấn đề của họ. Băng rôn, biểu ngữ, phong trào, gương sáng, thành tích thấy khắp nơi, nhưng vấn đề thì hiếm thấy.

Và tôi lại nghĩ đến chị Hương, người phụ nữ không biết viết. Chúng tôi đến rồi lại đi, chứ không thể ở lại để xem cái lá đơn hôm ấy viết hộ chị, có giúp được chị đòi được mấy đồng nuôi cháu không. Cán bộ phụ nữ, thì vẫn ở ngay đấy.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)