Người Tinh Vân

Nguyễn Việt Sơn: “Cần 5 phút cho một quyết định”

Đăng bởi: editor | 20/6/2014

Tôi vào Vietnamwork đưa CV của mình lên. Chỉ trong vòng 5 phút, nhận ngay được thông tin phản hồi từ anh Phú, lúc ấy là trợ lý của anh Tô được giao tìm hiểu mảng thị trường game trên mobile. Thế là số phận đã đưa người đến với việc và việc đến với người.

Nguyen Viet Son

Nguyễn Việt Sơn – Thuyền trưởng con tàu MCC

Xin chào Nguyễn Việt Sơn. Tâm trạng Giám đốc Minh Châu có vẻ rất phấn khởi. Anh có thể chia sẻ được không?

Vâng, cũng tương đối phấn khởi. Công việc của anh em chúng tôi đang chạy đều. Các sản phẩm của Minh Châu đang rất “hot” trên thị trường, làm sao không vui được chứ!

Anh bắt đầu “bén duyên” với nghiệp phát hành game trên điện thoại di động từ lúc nào?

Đương nhiên, cái duyên không đến ngay lập tức. Tôi học Bách Khoa, khoa Tin Pháp. Ngay sau khi tốt nghiệp, thời điểm năm 2006, khi trào lưu Game online trên máy tính cá nhân đang ở đỉnh điểm – tôi và một nhóm bạn đã theo đuổi một dự án phát triển game của công ty 3DVN. Có lẽ, cái nghiệp bắt đầu ngay từ khi ấy… Ngày đó, chúng tôi cũng từng đạt một số giải thưởng, như giải Vietgame 2006 cho game Thiên địa dư chí – giải lớn về game đầu tiên ở Việt Nam. Sau, tôi cũng bôn ba làm nhiều việc khác, kể cả thương mại điện tử, làm báo mạng, rồi lại quay về với game, như duyên tiền định. Trước khi về với Tinh Vân, lập ra Minh Châu, tôi từng làm tư vấn phát hành ở công ty VDCNet2E

Thế còn cái duyên với Tinh Vân thì đến như thế nào?

Rất giản dị, đủ cả ba yếu tố – Thiên thời, địa lợi, nhân hòa…. Theo dõi thị trường Game đã lâu, có thời gian tôi từng làm điều phối viên cho Ban trù bị Hiệp hội Các nhà phát triển Game quốc tế tại Việt Nam IGDA, tôi hiểu rằng game trên mobile là một xu thế tất yếu, lâu dài nên rất quan tâm đến mảng này. Bấy giờ, công ty cũ nơi tôi làm việc đang tiến hành hoán đổi về nhân sự khiến tôi có ý định tìm một công việc mới. Đúng vào thời điểm này, bên Tinh Vân cũng quan tâm đến mảng phát triển nội dung số trên điện thoại di động. Và thế là, rất nhanh, TẤT CẢ CHỈ TRONG VÒNG 5 PHÚT! Tôi vào Vietnamwork đưa CV của mình lên. Chỉ trong vòng 5 phút, nhận ngay được thông tin phản hồi từ anh Phú, lúc ấy là trợ lý của anh Tô được giao tìm hiểu mảng thị trường game trên mobile. Thế là số phận đã đưa người đến với việc và việc đến với người.

Gần một năm nhìn lại, anh có nuối tiếc gì không? Hay là hoàn toàn hài lòng?

Rất hài lòng. Mà đã nói về cái duyên thì như là tiền định, làm sao lại không hài lòng được chứ! Chỉ trong vòng một tháng sau khi hình thành công ty (3/2011), Minh Châu đã có sản phẩm tung ra thị trường. Mà ban đầu số lượng nhân viên chỉ vẻn vẹn có 6,7 người, đến nay là gần 50 người. Xin nói thêm là trước tháng 4/2011 có thể nói là thời kỳ trầm lắng của Game trực tuyến trên máy tính cá nhân. Các doanh nghiệp đều dừng lại nghe ngóng, chờ đợi một hành lang pháp lý mới và những dữ kiện mới cho việc kinh doanh của mình. Việc Minh Châu tung ra Game Minh Châu – một game cộng đồng lớn nhất ở Việt Nam dành cho Mobile là một chiến thắng nho nhỏ và kịp thời, chiếm lĩnh thị trường một cách ngoạn mục.

Nguyên nhân cơ bản là nắm bắt thời cơ nhanh nhạy?

Đúng vậy. Nói đúng và đầy đủ hơn,một loạt nhữngđiều kiện cần và đủ đã hội tụ trong cái duyên của Minh Châu và Tinh Vân. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa những nguồn lực, ý tưởng mới mẻ và nền tảng công nghệ rất tốt vốn có, cơ sở hạ tầng và các chi phí đầu tư sẵn có của Tinh Vân… Cái “duyên” nó nằm ở những điểm ấy.

Anh nói game mobile của Minh Châu phục vụ kịp thời cho thị trường, có chủ quan quá không?

Không một chút nào. Có thể nói, Minh Châu đang song hành phát triển cùng các đối tác nước ngoài, lộ trình phát hành song song với sản xuất. Đối tác nước ngoài ra game nào là ngay lập tức được Việt hóa. Cứ 3 tháng tôi lại ra nước ngoài một lần.

Làm việc với đối tác lớn này có khó không?

Tất cả đều rất khó lúc ban đầu. Nếu biết rằng ở các nước có hàng trăm công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển game mobile và đối tác của Minh Châu là đối tác lớn, trong top 3 thì sẽ thấy khó khăn là tất yếu. Lúc đầu, phía bạn luôn có thái độ coi thường Minh Châu vì sự mới mẻ và non nớt của công ty trong lĩnh vực này, nhiều ý tưởng bị gạt đi, thậm chí là thái độ ngờ vực, thiếu tin tưởng. Tuy nhiên, cái barie khó chịu ấy rất nhanh chóng biến mất khi Minh Châu công bố doanh thu.

Và bây giờ, thái độ của họ đối với Minh Châu là…?

Nể trọng. Nhiều đối tác khác tự động tìm đến, thậm chí có những động thái cạnh tranh lẫn nhau trong việc lôi cuốn sự hợp tác của Minh Châu. Giữa những câu chuyện phiếm của các đồng nghiệp nước ngoài, không hiếm khi tôi nghe được những lời bàn tán về bài học thành công của Minh Châu.

Như vậy, Minh Châu đã được PR tốt ngay ở các nước bạn?

Vâng, đúng thế. Chúng tôi có liên hệ khăng khít với Hiêp hội phát triển game trên mobile của các nước. Thông tin về Minh Châu đều được cộng đồng phát triển game mobile ở các nước đối tác biết đến, thuận lợi cho việc tạo dựng hình ảnh trong mắt đối tác.

Minh Châu có bước đi chính xác và thành công như thế, không lẽ lại không có đối thủ cạnh tranh khi tất cả đều có thể nhìn thấy “miếng bánh” game mobile?

Có chứ. Ngay thời điểm Minh Châu phát hành game thì cũng không chỉ Minh Châu có nguồn hàng. Tuy nhiên, Minh Châu đã bước trước một bước, nhanh chóng phát hành và có được lợi thế của người đi trước.

Đồng ý, về mặt phát hành game mobile, Minh Châu đang chiếm lĩnh thị trường. Nhưng, là một người đam mê lĩnh vực này từ trước, anh có bao giờ nghĩ đến việc sản xuất các sản phẩm game của Việt Nam chứ không chỉ phát hành game hộ nước người không?

Không thể không nghĩ đến và mơ ước. Thời kỳ 2005-2006, tôi đã từng cùng đồng nghiệp theo đuổi dự án phát triển game trên máy tính cá nhân như game Thiên địa dư chí hoặc một game trực tuyến nhập vai với đề tài lịch sử Việt Nam – Điện Biên Phủ. Bấy giờ, dự án ấy mới trong giai đoạn nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu, nhưng đã nhìn thấy biết bao nhiêu khó khăn khó vượt qua.

Đó là vấn đề kỹ thuật, công nghệ?

Vâng, một phần là như thế. Đó là thách thức lớn với những anh chàng theo đuổi CNTT, mê coding. Nhưng ngoài ra, cái khó đầy rẫy còn nằm ở các khía cạnh khác. Một game online thành công cần có sự tham gia tổng hòa của CNTT, kịch bản game, kỹ xảo điện ảnh và Marketing. Công nghệ thì đi sau người ta, đến cả khâu kịch bản cũng cực kỳ gay cấn, chưa có đội ngũ tác giả chuyên nghiệp phục vụ thị trường này. Trong tương lai gần, tôi thiết nghĩ, giá các nhà văn chúng ta để ý đến mảng này – kịch bản hiện thực hay siêu thực đều rất cần để xây dựng một game online hay game mobile thú vị. Kịch bản game rất “hot” của Trung Quốc – câu chuyện Chu Tiên, cũng bắt đầu từ bản nháp của một nhà văn không chuyên Tiêu Đỉnh được post lên mạng. Thế mà sau này, game Chu Tiên đã đem lại cho tác giả rất nhiềutiền.Còn bây giờ, trong lúc chờ đợi, học hỏi và hy vọng, thì Minh Châu chúng tôi nỗ lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng cách tiến hành Việt hóa các game của nước ngoài với tốc độ cực nhanh mà lại chất lượng – ngôn ngữ của bản tiếng Việt biến hóa khôn lường, rất thú vị, hài hước, thân thiện với người chơi.

Động thái nhanh nhẹn như thế của Minh Châu, phải chăng ảnh hưởng từ phong cách “5 phút” của Giám đốc Sơn Minh Châu?

Cũng có thể lắm. Các nhân viên và đội ngũ cộng tác viên của chúng tôi đều có tác phong“5 phút” cả. Khâu Việt hóa rất quan trọng, đó không chỉ là dịch thuật chính xác mà còn nắm bắt được tâm lý người chơi một cách tinh tế. Hiện nay Minh Châu có đội ngũ dịch tiếng nước ngoài rất tốt và đông đảo cộng tác viên. Ở những thời điểm căng nhất trước khi phát hành, đôi khi phải huy động đến hai, ba chục người ấy chứ. Tuy nhiên, để nắm được thời cơ và phát triển được tất cả các nguồn lực của Group trong một hướng phát triển kinh doanh thì điều cần nói đến ở đây là văn hóa quản lý và điều hành công ty.

Anh có thể nói cụ thể hơn không? Anh mới về chưa lâu  cảm nhận của anh về văn hóa Tinh Vân như thế nào?

Đương nhiên tôi vẫn chưa hết quá trình tìm hiểu và khám phá Tinh Vân. Tuy nhiên, có thể cũng lại là một cơ duyên, tôi “rơi” vào môi trường này, thấy thân thuộc như cá gặp nước, đôi lúc cứ tưởng như mình là người ở đây từ lâu rồi. “Văn hóa Tinh Vân” rất gần gũi với tôi, đặc biệt là văn hóa điều hành.

Văn hóa điều hành? Tóm gọn trong vài từ, thì nó sẽ là gì?

Đó là, trao quyền (Empowerment) và động não (Branstorming). Tin tưởng và tạo khoảng không gian hành động tự do cho nhân viên – là chìa khóa quan trọng. Thậm chí, chấp nhận trả giá vì những lỗi sai để có những bài học lớn. Sau đó là quan sát và hỗ trợ hết lòng. Hai cái đầu phải thông minh hơn một cái đầu. Ở Tinh Vân, có thể huy động rất nhiều cái đầu để giải quyết một công việc cụ thể – rất nhanh chóng. “ Style” điều hành như thế rất hợp với tôi.

Nhưng dù người lãnh đạo có style thế nào đi chăng nữa mà các nhân viên không hợp tác thì hẳn vẫn lấn bấn không thể thoát ra được? Anh có thể nói qua về các nhân viên dưới quyền của mình được không?

Được chứ, đó là một Minh Châu rất trẻ– tuổi đời trung bình  sinh năm 87. Vì còn trẻ như thế, đôi khi bốc đồng, bồng bột – đương nhiên, kỹ năng quản lý của các trưởng nhóm vẫn còn hạn chế. Tuy vậy, yếu tố “Trẻ”, “Bồng bột” lại làm nên sự tươi mới của Minh Châu. Tôi rất tâm đắc câu: Cần có “cái nhìn không cũ về những vấn đề không mới.”

Các đồng nghiệp trẻ của tôi khao khát được thử nghiệm, cống hiến trong lĩnh vực mới. Đấy chính là yếu tố thành công – không phải là những kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp mà sự “Hồn nhiên” của các bạn lại là điều đáng quý không thay thế được khi theo đuổi nghiệp này. Chúng tôi cần con mắt nhìn của họ để có tiêu chí chọn lựa và Việt hóa những tác phẩm thực sự dễ hiểu và hợp lý cho lứa tuổi từ 15 đến 24 – lứa tuổi được mặc định là trẻ, đam mê và táo bạo.

Còn Sơn Minh Châu, anh cũng vẫn rất trẻ đấy chứ?

Đã từng! Tôi sinh năm 1982, như vậy, so với tuổi trung bình của nhân viên Minh Châu thì đã lên “lão làng” rồi. Hồn nhiên không còn nữa. Nhưngđương nhiên vẫn chưa già!

Lãnh đạo một dàn nhân viên trẻ như thế, có bao giờ anh phải cáu giận, quát tháo, áp lực hay lúc nào cũng… hớn hở?

Lúc nào cũng hớn hở thì không có rồi, nhưng tôi là người biết cách điều chỉnh thời gian và làm chủ được cuộc sống, thời gian của mình. Khi yêu công việc mình đang làm thì chẳng có lý do gì để chịu đựng áp lực cả. Ngoài ra, tôi chủ động tham gia các hoạt động xã hội, chơi Facebook, tìm thời gian đọc sách và phóng xe đi đây đó – chưa hẳn là đi phượt nhưng cũng là ngao du để học rùng mình. Vì thế, ít khi tôi rơi vào tình trạng stress, quát tháo nhân viên. Tôi cũng lại có một nguyên tắc: Không ra quyết định liên quan đến công việc khi nóng nảy, cáu giận. Còn lúc bình tâm thì lại ra quyết định rất nhanh. Chỉ cần… 5 phút!

Thực sự chia vui với Sơn Minh Châu về những thành công bước đầu của công ty anh, đặc biệt là với việc hoàn toàn tránh được áp lực trong công việc mà hiệu quả vẫn cao!

Nói hoàn toàn cũng không phải đâu. Thực ra, áp lực đến với tôi từ một hướng khác, không phải từ công việc. Đến từ… một đám cưới! Vâng, đúng đấy ạ. Cách đây chưa lâu, anh bạn đồng niên của tôi, Ích Vinh vừa đưa một nàng về dinh. Thế là tất cả nhìn tôi với những cái nhìn… đầy áp lực. Xin thú nhận, đó chính là… thất bại của Sơn Minh Châu trong những năm trước. Cũng bởi, khi Minh Châu đang nắm được thị trường thì mọi suy nghĩ của tôi lại hướng đến công việc nhiều hơn là tình yêu. Nhưng cho dù có áp lực, tôi cũng sẽ bình tĩnh chờ cơ hội. Tôi thích một câu, trong tình yêu cũng như trong kinh doanh – Không bỏ lỡ một cơ hội nào! Mà nếu đã có cơ hội rồi– thì sẽ quyết định rất nhanh, có thể, chỉ trong vòng 5 phút! Và bây giờ, tôi thực sự hạnh phúc với gia đình mới của mình.

Trung Anh

(Bài đăng trên My Tinhvan số 38+39+40)