Xã hội - giải trí

Sáo ngữ

Đăng bởi: hangnt | 9/11/2015
Tháng trước, tôi có “may mắn” được phỏng vấn một cố vấn chính sách của Nhà trắng. Ông này sang thăm Việt Nam để xúc tiến hoạt động cho một tổ chức do ông sáng lập.

Tất nhiên là tôi rất kỳ vọng vào cuộc phỏng vấn này, và đặt những câu hỏi rất cụ thể. Nhưng cuối cùng, câu trả lời nhận được là những câu hiển nhiên đến hụt hẫng. Ví dụ: “Để Việt Nam trở thành một thế lực trên thị trường A, các bạn cần trở thành một nhà cung cấp đáng tin cậy”. Tôi nghe câu trả lời mà cứ ngơ ngẩn. Không thế thì còn thế nào mà cũng phải phát biểu?

Về sau, một doanh nhân trong nước bảo tôi, ông ấy là nhà tư vấn hàng đầu thế giới, ngu gì mà “lộ bài”. Làm sao Việt Nam buôn may bán đắt, thì ông ấy phải bán gói tư vấn chứ sao lại trả lời cậu. Đấy là một bài học quý cho tôi về sáo ngữ. Đôi khi nó được sử dụng với một mục tiêu rất rõ ràng, là để nói mà không cung cấp thông tin gì cả, chứ không hẳn là vì người ta không biết nói gì.

obamaphatbieu99

Nhiều khi nghe báo đài, tôi cũng không hiểu là cuối cùng thì tiếng Việt có còn quy chuẩn gì nữa không. Những cụm từ vô nghĩa như “cấm không được” (với “cấm” vốn đã là “không được”); “buông lỏng quản lý” (đố ai làm được động tác buông mà không lỏng được) xuất hiện từ loa công cộng đến mặt báo. Mở đầu các diễn văn thì sau khi kính thưa “các vị khách quý” vốn đã rất dài và chi tiết thì lại kính thưa “toàn thể các vị đại biểu”. Thật ra nếu tôn trọng từ “toàn thể” thì phải nói rõ là “kính thưa toàn thể các vị đại biểu ngoại trừ các vị tôi đã kính ở trên”. Những mệnh đề như “xử lý nghiêm theo pháp luật” được tuyên bố liên tục mà tôi không hiểu chữ “nghiêm” ở đây tồn tại với ý nghĩa gì, bởi vì pháp luật vốn phải là công bằng. Vấn đề gì được nêu ra cũng “có cả cơ hội và thách thức”. Tôi nghi rằng tính hai mặt của vấn đề thậm chí đã được nêu ra từ thời cổ đại, không hiểu sao vẫn cứ được nói lại như một phát hiện.

Đó chỉ là những ví dụ phổ biến nhất về sáo ngữ. Và ở đây, khi những cụm từ rất dài được nói ra một cách phi logic, thì tôi phải đặt câu hỏi: những người nói ấy hoàn toàn vô thức và đây là một quán tính văn hóa xấu; hay là chúng được sử dụng để “giết thời gian”, nói cho có. Tôi đi đến kết luận rằng có thể câu chuyện ở đây là cả hai lý do. Chúng ta có một quán tính văn hóa xấu về việc nói để giết thời gian.

Sáo ngữ là chính là “bệnh hình thức” trong phiên bản ngôn từ. Tất nhiên, tôi cũng nuôi hy vọng rằng bên ngoài thì sử dụng sáo ngữ, nhưng bên trong người phát biểu cũng có những tính toán đầy hiệu quả và phức tạp mà chưa thể nói ra. Như là ông cố vấn của Nhà Trắng mà tôi đã phỏng vấn – một thứ sáo ngữ có chủ đích.

Nhưng tôi sẽ rất buồn nếu như những từ ngữ ấy không để che đi cái gì cả, mà trực tiếp nói lên rằng người ta chẳng có gì để nói với nhau. Bạn sẽ mong chờ gì khi cuộc đối thoại hỏng ngay từ bản chất hình thành.

Sáo ngữ cũng chỉ là cái vỏ để chứa đựng một cái thùng rỗng biết kêu to.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)