Người Tinh Vân

Tester đạt chứng chỉ quốc tế Nguyễn Hà Ngọc Huyền và câu chuyện nghề Test

Đăng bởi: hangnt | 15/12/2016

Gây ấn tượng với một thân nhìn nhỏ ngắn cùng chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, cô gái Kiểm thử (Tester) Nguyễn Hà Ngọc Huyền đã gắn bó với Công ty TNHH MTV Giải pháp Phần mềm và Tích hợp Hệ thống Tinh Vân (Tinhvan Solutions – TVS) gần 5 năm qua, chinh chiến không biết bao nhiêu dự án trên khắp cả nước. Chưa hết, tưởng như yếu đuối và bé nhỏ vậy thôi nhưng cô lại là một trong số ít các tester đạt được chứng chỉ quốc tế cho chuyên gia kiểm tra phần mềm ISTQB đấy.

Vừa quay trở về sau chuyến công tác tại Tp. Hồ Chí Minh, bắt nhịp lại với cuộc sống ở Hà Nội nhưng chị vẫn sắp xếp một chút thời gian dành cho My Tinhvan.

Chào chị Huyền,

Được biết chị Huyền rất hay phải đi công tác, chẳng hạn như dự án tại TP. HCM vừa rồi, không biết công việc Tester có bận lắm không? Chị có thể chia sẻ một chút về công việc của mình.

16409441852_8ddf6f214f_oThực tế bây giờ công việc nào cũng bận rộn, thế nên nghề test không phải là ngoại lệ. Tại một số các công ty thì tester có thể chỉ tham gia vào giai đoạn kiểm thử khi chương trình đã có hình có dáng. Còn ở TVS, Tester kiêm nhiệm khá nhiều vai trò như BA – phân tích nghiệp vụ, kiểm thử tính năng cho đến việc đào tạo chuyển giao cho khách hàng. Tester gần như tham gia từ đầu đến cuối dự án, nắm từng ngõ ngách của hệ thống.

Từ thời điểm khảo sát, trưởng nhóm Test sẽ tham gia để lấy nghiệp vụ, phân tích thành quy trình (nếu khách hàng chưa có quy trình chuẩn). Sau đó, Tester sẽ xây dựng tài liệu test căn cứ trên yêu cầu nghiệp vụ đã thu thập trước đó. Khi đội lập trình bàn giao hệ thống, Tester sẽ tiến hành kiểm thử, đảm bảo chất lượng của hệ thống – phù hợp với người dùng cuối (end user). Nghe thì rất đơn giản nhưng thời gian test thực tế rất dài, hệ thống sẽ được kiểm thử qua nhiều bản (version) sau từng lần sửa lỗi. Như dự án vừa rồi làm với đối tác khá là khó tính – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – đội của mình còn trải qua hai tháng kiểm thử với người sử dụng – SIT và UAT.

Khi hệ thống được người sử dụng chấp nhận (UAT) thì bọn mình lại vật lộn với đống tài liệu đào tạo, đứng lớp hướng dẫn cách sử dụng sao cho phù hợp với từng đặc thù của đơn vị. Hơn nữa, chuyển giao xong đâu đã dừng lại, testers vẫn tiếp tục hỗ trợ người sử dụng, giải đáp thắc mắc qua email, điện thoại và ghi nhận test lại hệ thống với các yêu cầu thay đổi từ khách hàng. Đây mới chỉ là mô tả sơ lược về công việc thôi.

Cũng giống rất nhiều các bạn nữ học về lĩnh vực công nghệ, chọn theo hướng Tester chứ không phải lập trình viên. Riêng với chị, chị có thể chia sẻ về sự chọn lựa này của mình?

Trước khi trả lời câu hỏi, mình muốn chia sẻ một chút về câu chuyện học hành của mình. Cá nhân mình cũng là một người theo học Khoa Toán tin, nhưng mình theo ngành Hệ thống thông tin quản lý. Ngành học này ít phức tạp hơn so với CNTT – mình chỉ đi vòng ngoài của code, tức là có viết chương trình, hiểu thuật toán, nền tảng công nghệ ra sao nhưng không đi chuyên sâu. Bù lại thì mình được học thêm các môn kế toán, ngân hàng, tài chính, quản trị chiến lược hay marketing. Trước đây rất hay thắc mắc tại sao mình phải học nhỉ, và giờ thì đã có câu trả lời – kiến thức này thực sự hữu ích vì nó bổ trợ cho ngành nghề hiện tại của mình rất nhiều, bao gồm việc suốt ngày đứng lớp thuyết trình.

Còn câu hỏi tại sao các bạn nữ không theo nghiệp code mà thường chuyển hướng sang kiểm thử – tester. Như hầu hết mọi người đều thấy, làm lập trình rất vất vả, mặt khác các bạn nữ code giỏi không nhiều. Mình chỉ nói không nhiều chứ không phải không có – Tinh Vân có nữ tướng DungNTT rất đỉnh. Nhưng sau dần do có gia đình, con cái, thời gian không đủ mà công nghệ thì thay đổi từng ngày. Cứ như thế, khả năng tư duy của phụ nữ sẽ đi xuống dần, tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Mình cũng từng nghĩ ngợi nếu một ngày mình code không nổi nữa thì phải làm gì.

Cá nhân mình thấy các bạn nữ hợp với nghề test bởi bản tính là chăm chỉ, cẩn thận, tỉ mẩn, kiên nhẫn có thể ngồi “super soi” lỗi lầm của người khác. Mọi người thường nói Dev và Tester luôn ở 2 chiến tuyến, chỉ trực chờ nổ súng bắn nhau ầm ầm như khi chơi Hafl life. Nhưng không hẳn vậy, vẫn có những cô nàng khéo léo và nhẹ nhàng được lòng các anh Dev nên luôn chung sống hòa bình với nhau trong công việc và cả cuộc sống.

Với nam giới thì họ ít theo nghề này, nếu có test thì họ sẽ làm automation test tool – kiểm thử tự động với các phần mềm hỗ trợ. Họ sẽ viết code để tool tự chạy, với đặc tính nam giới thường không thể cẩn thận, tỉ mẩn như nữ giới nên nghề của bọn mình âm thịnh dương suy.

Nguyen Ha Ngoc Huyen - TVS

Chị Nguyễn Hà Ngọc Huyền – Chiến binh Test của Tinh Vân

Trong quá trình phát triển trở thành một tester chuyên nghiệp, chị có gặp khó khăn gì không?

Không có con đường nào trải đầy những cánh hoa hồng cả, nếu có thì chắc họ đã bước qua hàng chục, hàng trăm km trải đầy dây kẽm gai mới tới được đây. Khó khăn thì muôn hình vạn trạng và biến hóa khôn lường. Trước đây mình cũng chỉ nghe đến nghề kiểm thử kiểu như chạy xem chương trình của mình có lỗi hay không. Nghe đơn giản nhưng đến khi bước vào nghề test, cái chữ “đơn giản” nó bị gió thổi bay hết còn mỗi chữ “đơ”.

Có quá nhiều thứ phải làm mà mình không hề biết, tất cả chỉ làm theo cảm tính, không quy chuẩn, không theo tài liệu nào hết, mà công nghệ thì thay đổi hàng ngày. Hiện Tinh Vân có nhiều mảng sản phẩm với các nền tảng khác nhau: Oracle, Sharepoint, .Net… người kiểm thử sẽ phải nắm rõ các đặc điểm và cách thức vận hành hệ thống. Ngày nay khi các công nghệ kiểm thử tự động, các thiết bị thông minh – ĐTDĐ, Tablet – cùng các app chuyên dụng ra đời và thay đổi liên tục khiến cho Tester phải “quay cuồng” update các thông tin để mình không tụt hậu.

Chưa kể Tester phải làm việc với Dev và khách hàng, mục đích chung đều vì dự án nhưng khi làm việc vẫn cần lựa nhau để mọi thứ được suôn sẻ. Lúc này khả năng giao tiếp, nhanh nhạy, cách ứng xử cũng là điểm quan trọng không thua kém gì khả năng tìm lỗi. Phải thường xuyên trau dồi các kỹ năng mềm để phục vụ các khách hàng cứng.

Việc đào tạo về nghề kiểm thử cho sinh viên tại các trường Đại học gần như là không có, nếu muốn học bài bản thì đến các trung tâm chuyên ngành – hiện nay có rất nhiều trung tâm uy tín. Các bạn học viên được học lý thuyết cơ bản, được thử nghiệm với 1 số chức năng nhỏ trong hệ thống to to để mường tượng cho sát thực tế hơn.

Ở nước ngoài Test cũng là một ngành khá là hot và được đánh giá cao, nhưng tại Việt Nam thì ngành kiểm thử chỉ được coi như công việc hỗ trợ cho lập trình, nhiều khi bị đánh giá thấp.

Chị đã mắc phải một sai lầm nào lớn trong công việc chưa? Nếu có chị đã vượt qua như thế nào và học hỏi gì từ đó?

Sai lầm thì ai cũng có, nhưng may mắn mình có sếp, có anh chị em trong phòng và đội dự án hỗ trợ nên chưa mắc phải sai lầm nào lớn.

Khi bị ai đó chỉ ra điểm thiếu sót thì mình sẽ thấy khó tiếp nhận vô cùng. Không ít lần mình tranh luận, “cãi lại” sếp khi chị ấy chỉ ra chỗ sai, chỗ chưa đúng. Nhưng dần dần tự cá nhân mình điều chỉnh, lắng nghe, ghi nhận và phân tích lại những lời sếp nói và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Thực tế, phải “rút” đến vài lần thì mới có được một chút kinh nghiệm. Cái chính là bản thân mình phải tự nhận ra và thay đổi thì mới có thể vượt qua được tất cả sai lầm và đứng lên, sửa chữa từ đó.

Điều gì đã khiến chị gắn bó với Tinh Vân trong suốt 5 năm qua?

Tinh Vân là ngôi nhà đầu tiên của mình từ lúc đi học và tốt nghiệp ra trường. Trong cùng ngành CNTT thì có rất nhiều môi trường tốt, chế độ đãi ngộ dành cho nhân viên ở mức hơn cả kỳ vọng. Ai cũng mong muốn sẽ có một nơi làm việc thật oách để ra oai với bạn bè, có mức lương với 7, 8 con số 0, tiền tiêu rủng rỉnh, có nhiều thời gian để đi du lịch đó đây. Nhưng để đạt được mơ ước đấy thì cũng phải trải qua quá trình chịu khó tôi luyện. Tinh Vân thực sự là một môi trường cực phù hợp với những bạn mới ra trường và đang cần chuẩn bị hành trang để thò chân vào cái nơi tuyệt vời trên.

Ở Tinh Vân cái vốn quý nhất là tình cảm các anh chị em đồng nghiệp dành cho nhau. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày – có khi đi làm thêm cả thứ 7, chủ nhật – cùng ăn trưa, tối OT ở lại muộn rủ nhau đi gặm chân gà, làm bát phở nóng cô Béo rồi lên làm việc tiếp. Cả ngày ý ới gọi nhau “Chờ em deploy một bản mới nhé” hay “Anh Linh ơi, chỗ này lỗi rồi….”. Rảnh rỗi kéo nhau xuống trà đá chú Thái thư giãn 15’ rồi chiến đấu – có khi gặp sếp còn rủ cả sếp đi trà đá cùng. Từ sếp to, sếp nhỏ, nhân viên sống và nói chuyện với nhau thoải mái, vui vẻ như gia đình. Hàng tháng định kỳ các phòng rủ nhau đi nhậu nhẹt lên dây cót tinh thần – có phòng còn lập hẳn ban ACNM lo cho đời sống anh chị em. Về việc ăn uống tổ chức sinh nhật, hoa quả định kỳ thì không thể thiếu phòng Test mình với người lĩnh xướng là chị Trưởng phòng Kute.

16221719548_fae52b74bd_o

Chị Huyền cùng đoàn quân TVS

Đó là mảng tinh thần, còn mảng công việc, tại Tinh Vân, bạn không bị bó buộc hay cố định trong một dự án nào cả. Như Tester sẽ được luân phiên các mảng dự án khác nhau để cùng nắm đủ nghiệp vụ, có thể tham gia vào hỗ trợ bất kỳ thời điểm nào. Đội dự án sẽ được làm việc với nhiều khách hàng, quy trình nghiệp vụ hoàn toàn khác nhau và đến những nơi chẳng bao giờ nghĩ có thể đặt chân vào như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…. Từ đó mỗi cá nhân trong tập thể được thường xuyên trau dồi khả năng nắm bắt nghiệp vụ, tăng khả năng nhanh nhạy, luôn luôn đổi mới sáng tạo.

Với các bạn có khả năng sẽ được cân nhắc lên các vị trí leader của 1 nhóm theo từng dự án chứ không cố định. Mọi công việc, tài liệu và kinh nghiệm làm việc sẽ được các thành viên công khai, hỗ trợ nhiệt tình nhưng luôn ưu tiên để các cá nhân thể hiện được khả năng của mình. Công ty cũng có những chính sách khen thưởng, hỗ trợ các bạn tham gia thi chứng chỉ quốc tế về chuyên ngành của Microsoft, Oracle, ISTQB… Bên ngoài công việc, các thành viên còn tổ chức các buổi tự học nâng cao kỹ năng mềm, seminar về 1 lĩnh vực mới.

Mình đã “cá kiếm” rất nhiều điều ở nơi đây, cả công việc, kỹ năng, tình cảm, thói quen, tính cách và phần nào làm nên con người mình như hiện giờ. Còn rất nhiều điều khác nữa mà mình không thể kể ra hết. Nhưng với những bạn trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết và cần tìm một môi trường để rèn luyện thì Tinh Vân luôn mở rộng cửa chào đón.

Chị có mentor nào ở Tinh Vân không?

Tất nhiên là mình có rồi và có rất nhiều, kể không hết được. Đầu tiên là một người cha chú, người anh cả thân thiết đã “xúi dại” mình đi theo ngành này. Trong quãng thời gian sinh viên, mình làm thêm ở TVM – tiền thân của TVT (Tinhvan Telecom – Đơn vị thành viên của Tinh Vân), Tâm bà bà và chị Hoa PT là 2 mentor trong công việc của mình. Còn hiện tại thì không thể là ai khác – chị Linh Kute – nữ tướng bắt bug của TVS. Thời gian 5 năm chính thức gắn bó với Tinh Vân thì chị là người có ảnh hưởng tới mình nhiều nhất, đến mức nhìn mình với chị giờ cũng thấy hao hao giống nhau (cười)

Theo chị, những tố chất, kỹ năng nào cần cho 1 Tester?

Theo mình, Tester hay Dev, hay người nào đi chăng nữa thì phải có lòng yêu nghề, thích thú với thứ mình đang theo đuổi. Khi có đam mê và hứng thú thì mới có thể nỗ lực, phấn đấu vì nó. Trong ngành của mình có một nguyên lý có tên rất hay “Nguyên lý thuốc trừ sâu”, nó nhắc nhở ta phải không ngừng sáng tạo, hãy tư duy và nhìn mọi thứ với chiều hướng khác nhau, bạn sẽ nhận ra những điều mà bạn chưa từng thấy trước đó dù bạn bước trên lối mòn ấy cả tỷ lần. Và hãy có trách nhiệm với những gì mình và những người khác đã/ đang làm.

Ngoài ra, bạn cũng cần có các kiến thức nền tảng về công nghệ, kỹ năng về phân tích, khả năng giao tiếp, truyền đạt lại cho người khác hiểu mong muốn của mình, tính cách tỉ mẩn, cẩn thận, nhanh nhạy… Với những kỹ năng này có thể theo học các trung tâm để bồi dưỡng thêm hoặc vào Tinh Vân – bạn vừa được làm việc và được chỉ dạy miễn phí từ các tiền bối đi trước.

Cảm ơn chị, hy vọng chị sẽ tiếp tục phát huy năng lực và cống hiến nhiều hơn nữa cho Tinh Vân, cùng đồng hành trên chuyến xe buýt này thật lâu!

Thu Hằng