Xa lộ Tinh Vân

Tinh Vân trong hoạt động xuất khẩu phần mềm Việt Nam

Đăng bởi: editor | 25/12/2019

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), ngành Phần mềm Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ và đứng vị trí thứ 2 tại thị trường Nhật Bản, đứng trong top 10 nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới. Thời gian qua, mặc dù nền kinh tế chung khó khăn, nhưng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm vẫn phát triển, đạt mức tăng trưởng cao với nhiều tín hiệu khả quan.

Đây là thông tin được đưa ra trong chương trình Xuất khẩu phần mềm – Điểm sáng của kinh tế Việt Nam vừa được phát sóng trên kênh truyền hình VTC10, ngày 14-3.

Doanh nghiệp phần mềm tăng gần 7 lần so với năm 2000

Theo thống kê của Hội tin học Việt Nam, hiện tại cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp phần mềm, tăng gần 7 lần so với năm 2000 với số lượng nhân lực hơn 80.000 người. Năm 2012, doanh thu từ dịch vụ phần mềm đạt trên 1 tỷ USD, tăng hơn 40 lần so với năm 2000, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 20-25%.

Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam VINASA, xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để đứng vị trí thứ 2 tại thị trường Nhật Bản, đồng thời đứng trong top 10 nước hàng đầu tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo của tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Công nghệ thông tin uy tín trên thế giới là Gartner đã xếp hạng Hà Nội và TP HCM trong nhóm 30 thành phố gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới vào năm 2013. Ba thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam là Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Theo khảo sát của VINASA, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ thị trường Nhật Bản của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam đạt trung bình 41% vào năm 2013, trong khi các thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu cũng ghi nhận kết quả khả quan.

TS. Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết: “Trong những năm vừa qua, mặc dù thị trường trong nước về phần mềm đi xuống, đặc biệt là thị trường trong khu vực Chính phủ, thì việc phát triển phần mềm và gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam là một trong những điểm sáng. Có thể nói là hiện giờ Việt Nam đã trở thành một trong những điểm rất hấp dẫn đối với gia công phần mềm trên thế giới. Có thể nói rằng mặc dù Việt Nam đã có những bước ban đầu đáng khích lệ, tuy nhiên chúng ta có thể thấy là tiềm năng của thị trường phần mềm trên thế giới còn rất lớn. Với ước tính hiện nay, doanh thu của thị trường phần mềm thế giới khoảng 407 tỉ USD, thì rõ ràng còn rất nhiều khoảng trống để chúng ta có thể thâm nhập vào nếu chúng ta tiếp cận được.”.

Còn Bà Nguyễn Thị Thu Giang – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam khẳng định: “Hiện tại, 3 thị trường gia công xuất khẩu phần mềm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Năm 2013, Việt Nam chính thức vượt qua Ấn Độ để trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản. Dân số của thế giới ngày càng già đi, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ, và nguồn nhân lực Việt Nam cũng rất yêu thích công nghệ thông tin, các môn học khoa học công nghệ sẽ là các đối tác rất tốt cho các quốc gia phát triển”.

Thị trường xuất khẩu phần mềm còn rất nhiều tiềm năng

Bên cạnh những lợi thế ngành xuất khẩu phần mềm Việt Nam cũng tồn tại những nhược điểm. Ông Phạm Thúc Trương Lương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Toàn cầu hóa, CTCP Công nghệ Tinh Vân chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi thì cũng giống như các ngành nghề khác của nền kinh tế VN, đặc biệt là ngành CNTT, đó là chất lượng nguồn nhân lực. Ở đây tôi không chỉ nói về trình độ mà còn nhiều yếu tố khác. Văn hóa trong làm phần mềm gồm nhiều yếu tố như tuân thủ quy trình, kỷ luật làm việc, tính trách nhiệm với công việc của bản thân.”

Ông Lương cho biết thêm: “Trong thời điểm hiện tại thì chúng ta có lợi thế là nhân công rẻ. Chúng ta đang làm outsource cho nhiều loại hình dịch vụ và kinh doanh khác nhau. Phần mềm chỉ là những dữ liệu số thôi. Nó chuyển đi không cần phải có container hay tàu biển, máy bay gì cả. Cho nên chắc chắn chúng ta có triển vọng rất lớn nếu chúng ta đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia khác.”

*

Bước sang năm 2015, thị trường xuất khẩu phần mềm được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng, khi các công ty lớn và tập đoàn đa quốc gia tiếp tục xu hướng thuê làm gia công phần mềm. Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển dịch sang các công nghệ thông minh được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nổi bật trong đó là nền tảng công nghệ SMAC với sự hội tụ của 4 yếu tố là xã hội, di động, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm Ấn Độ (NASSCOM), thị trường công nghệ SMAC toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 30% một năm và đạt khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Sự chuyển dịch về công nghệ này được xem là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Đỗ An

Tags: