Xã hội - giải trí

Tội phạm có sợ dân?

Đăng bởi: hangnt | 1/8/2016

Trong mười năm sống tại TP HCM, tôi mất ba chiếc xe máy: một lần dựng xe trước cửa hàng khi mua đồ trên đường Trường Chinh, Tân Bình; một lần dựng ngay trong phòng khách nhà họ hàng ở quận Tân Phú, một lần mất ngay trong bãi xe cơ quan.

Mới ba tuần trước, đi bộ trở về cơ quan từ một quán cơm sau giờ ăn trưa, vừa rút điện thoại ra thì bị giật may giằng lại kịp. Và tôi vẫn cảm thấy mình may mắn. Chị Lê Thị Bích Tuyền (25 tuổi, ở Đồng Tháp) – nạn nhân trong vụ cướp giật trên đường Võ Thị Sáu ở quận 1, TP HCM rạng sáng 27/6 – đã tử vong. Một người bạn tôi, hơn chục năm trước bị giật túi xách, ngã dập đầu xuống đường và mất vì chấn thương sọ não.

Trung tuần tháng 5, làm việc với Giám đốc Công an TP HCM – và Công an quận 8, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nói Công an TP HCM phải nhanh chóng kéo giảm tội phạm, từng bước làm cho thành phố phải là nơi làm ăn sinh sống tốt cho người dân. Một ngày sau, khi làm việc tại Củ Chi, Bí thư Thăng nói: “10 triệu dân thành phố lại để chịu thua loại thảo khấu sao? Nếu chúng ta làm quyết liệt thì đám thảo khấu có nghĩa lý gì. Cứ làm mạnh tay là hết” Đó là mong muốn của ông Bí thư. Nhưng trong tuyên bố ấy, tôi thấy hàm chứa một cuộc đối đầu: 10 triệu dân TP.HCM và tội phạm. Liệu tội phạm có sợ dân?

661.1404039191

Mỗi chiều đi làm về, rẽ vào con đường nhánh ven sân bay thỉnh thoảng tôi nhớ việc xảy ra mấy năm trước ở khu vực này. Một nhóm cướp. Người dân hô hoán. Một sĩ quan phòng không không quân ném ghế đuổi theo. Ngay tối đó, chúng trở lại với mã tấu trên tay và truy sát cả xóm. Anh sĩ quan bị chém trọng thương. Vụ án gây chấn động dư luận vì sự ngang ngược và thách thức pháp luật của những tên cướp. Công an tung toàn lực điều tra và bắt giữ cả nhóm, tên đầu vụ lãnh án tử hình.

Toàn dân có thể “phòng” tội phạm, nhưng để “chống” như mệnh đề của bí thư đưa ra lại là một việc khác. Đã có những Lục Vân Tiên “mắc họa” khi ra tay nghĩa hiệp, không phải vì bị cướp chém, mà phải tới lui vì bị triệu tập trình báo nhiều lần với thái độ tiếp dân đôi lúc thiếu thân thiện; bị giữ lại hoặc bị người nhà nạn nhân hành hung vì tưởng họ là thủ phạm của các vụ tai nạn, khi đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Cũng có những vụ án, dù đã báo tin nhưng công an xuất hiện quá chậm khi kẻ gây án đã bỏ đi. Người dân liệu có sẵn sàng dấn thân chống trả hay bắt giữ tội phạm khi đơn thương độc mã và không biết có giữ được mạng nếu công an tới trễ?

Các chuyên gia tội phạm đều khuyên người dân khi bị cướp, điều cần nhất là bảo toàn tính mạng, cố gắng ghi nhớ đặc điểm nhận dạng thủ phạm và các dấu hiệu để cung cấp cho công an truy xét.

Ai cũng ghét cái xấu, cái ác, nhưng tôi nghĩ người dân không buộc phải có nghĩa vụ và không phải ai cũng có khả năng trở thành Lục Vân Tiên. Trấn áp và bắt giữ tội phạm là nghĩa vụ của ngành công an. Tội phạm không sợ dân. Tội phạm chỉ sợ lực lượng vũ trang. Người dân cần có ý thức phòng ngừa tội phạm, bảo toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình. Còn công an, phải khiến tội phạm hiểu rằng chúng sẽ sa lưới pháp luật ngay sau khi gây án; phải khiến chúng tin rằng bất cứ hành vi phạm tội nào cũng sẽ bị trả giá.

Và điều đó, chỉ thực hiện được bằng việc làm cụ thể, quyết liệt. Vẫn biết rằng toàn dân vốn dĩ có tinh thần phòng chống tội phạm rất cao. Nhưng cho dù là 10 triệu hay bao nhiêu, việc người dân đương đầu trực tiếp với những kẻ manh động, tôi nghĩ, đó không phải là một ý tưởng đúng.

Theo VnExpress

 

Đức Hiển