Xã hội - giải trí

Trò chơi ‘Em Yêu Anh’

Đăng bởi: editor | 27/4/2015
Thú thật lúc thanh niên với tôi câu “Anh yêu em” cực khó nói. Khi 30 tuổi với người vợ đầu tiên tôi cũng rất khó khăn khi nói với cô ấy ba từ ấy.
tinh yeu

Rồi thời gian trôi đi, tôi cũng vẫn rất khó nói “Anh yêu em” mà ở tâm thức thẳm sâu lòng tôi có nó mà khó nói ra lời. Rất thi thoảng mới dám nói, thường chỉ là tin nhắn. Ở tuổi trẻ, thay vì nói ba từ thổ lộ ấy là tôi cầm tay, hôn hay xiết rất chặt.

Từ khi tôi lấy vợ lần ba, tôi cũng rất khó nói ba từ ấy. Chỉ khi nào chúng tôi cãi nhau, rồi giận nhau sau giông gió, thấy cần phải lý giải một trạng thái, tình huống cần thay đổi, xử lý của vợ chồng, trong câu chuyện với vợ tôi có nhắc từ “Anh yêu em” hoặc “Anh rất yêu em và con”. Tôi và vợ chênh nhau như một thế hệ. Tôi nhận ra, sau câu chuyện có “Anh rất yêu em và con” ấy, vợ lại hạnh phúc ríu rít như con họa mi trong nhà với con trai gần hai tuổi.

Phải chăng văn hóa Việt Nam chúng ta khác Tây. Cái sự khác ở cái đáng thường xuyên công khai thì ta dìm đi; cái không đáng ta gọi ra công khai như sự tiểu bậy công khai và hôn nhau lén lút.

Tôi ở Tây bao nhiêu năm, cũng quen nhiều cặp uyên ương hay vợ chồng trẻ và rất lớn tuổi. Trên đầu nhà tôi có cặp vợ chồng rất già. Ông bà yêu nhau hơn 45 năm tóc trắng phơ mà họ vẫn hôn nhau và nói “Anh yêu em” hay “Em yêu anh” hằng ngày. Tôi chắc chắn rằng ở tin nhắn khi họ xa nhau đấy, ba từ ấy không thiếu.

Ba từ anh hay “em yêu anh” có cần không? Cần chứ, nó nếu xuất hiện thường xuyên trong cái ô nhắn khi xa nhau sẽ trở thành mồi lửa cho cái ngọn lửa gia đình; đúng lúc và đúng chỗ tạo ra một nguồn vui rất ấm, rất cần, rất đáng cháy lên thường xuyên.

Vài ngày nay, từ ai đó khởi lên trò chơi nhắn cho chồng Em Yêu Anh… bỗng chả phải chuyện đùa. Rất nhiều người thử và nhận lại một loạt các phản ứng của chồng rất tức cười. Có anh nhắn: “Em điên à?”. Có bạn nhắn lại: “Thôi, con xin mẹ”. Lại có cặp trêu nhau: “Lương chưa đến kỳ em ơi”. Vợ tôi cũng thử nghiệm. Thay vì những câu nhắn trên cái ô nhỏ chữ nhật kia trong đời sống vợ chồng bấy nay chỉ toàn mệnh lệnh thức, vô hồn đại loại: “Em họp về muộn hay anh cắm cơm trước nhé”, hoặc “Chồng cắm bơm nước chưa”, thì hôm nay cô ấy nhắn ba từ: “Em yêu anh”. Ba từ mà trước đó khi ta yêu nhau hầu như rất nhiều cặp uyên ương rắc đầy tin nhắn. Tất nhiên tôi cũng đùa lại, rằng lại muốn chồng trả nợ cái dây chuyền đã hẹn hả. Vợ tôi nhắn: “Không, em yêu anh, thật mà”.

Trò chơi Em Yêu Anh cực hay do ai nghĩ ra trên mạng xã hội đã giúp nhiều cặp vợ chồng bứt ra khỏi cái cuộc sống căng thẳng, bận rộn, ngồi suy ngẫm, tự nhìn lại văn hóa ứng xử của chúng mình thường ngày hình như có khiếm khuyết. Hình như ta thiếu hụt so với văn hóa xứ người ta một điều rất nhỏ, phải thường xuyên bày tỏ hay vun đắp nhắc nhớ gìn giữ mái nhà gia đình để nó bền chặt? Chúng ta thiếu một nhu cầu cần có ở nam hay nữ giới khi đã nên vợ nên chồng để khi chợt nhận tin nhắn có ba từ ấm áp ấy, thương yêu vô vàn ấy, lại cảm thấy như bất thường, thậm chí dị thường như kẻ điên.

Có cần phải thay đổi một quan niệm sống trong ứng xử sinh hoạt vợ chồng không, để thoát khỏi tình trạng này, bởi chí ra khi nhận được ba từ ngắn gọn kia người chồng và người vợ chợt dừng tay nghĩ tới một thành tố vô cùng quan trọng trong đời mình mà giữ gìn cái ngọn lửa thương yêu, trách nhiệm mà đôi khi vì duyên cớ ngại lai nào đó bản thân ta chưa để ý, coi trọng mà hờ hững.

Sớm nay sau khi viết dòng này tôi sẽ viết ba từ “Anh yêu em” và gửi cho người vợ yêu thương của tôi. Thử xem…

Tác giả: Nguyễn Văn Thọ

(Theo VnExpress)

Tags: