Người Tinh Vân

VMM 2016: Ngày dài nhất

Đăng bởi: hangnt | 30/9/2016
Là người đã tham dự VMM trong cả 4 mùa giải và hoàn thành xuất sắc cả 4 cự ly 21km, 42km, 70km và 100km ở giải lần này, anh Phạm Thúc Trương Lương – PTGĐ Tinhvan Group, PTGĐ Tinhvan Education đã có những cảm xúc, suy nghĩ như thế nào trên suốt chặng đường chạy của mình, mời các Tinhvaners cùng đọc bài chia sẻ của anh.
Một ngày trong đời bạn thường có khởi đầu giống như mọi ngày khác, cho đến khi chuyện gì đó xảy ra làm nó trở nên đặc biệt và đáng nhớ. Có lúc chuyện đó do bạn tự quyết. Đôi khi nằm trong kế hoạch.
Thứ Bảy 24/9/2016 là ngày như vậy. Đặc biệt, đáng nhớ, chủ động và có lịch từ trước. Nhưng đó chỉ là sự mở màn. Còn diễn biến tiếp theo là cả một biển bất định mênh mông.

Trên xe bus từ Sa Pa tới Topas
Đây hẳn cũng là ngày dài nhất. Vì nó bắt đầu từ 11g đêm hôm trước, trên vạch xuất phát của cự ly 100km, tại khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge, phía Nam thị trấn Sa Pa. Trong màn đêm miền núi, gần 90 runner nai nịt gọn gàng, đèn pin trên trán vạch thành những quầng sáng, rôm rả nói chuyện, tranh thủ selfie trong khi chờ đợi. Một vài người vào toilet, cố làm nhẹ bản thân thêm vài chục mg vào phút cuối. Người khác đứng trả lời phỏng vấn của một ê kíp truyền hình, dáng vẻ trễ nải như đang sắp sửa cho một cữ đi dạo.
Rồi Asger Koeppen cất tiếng, chất giọng to và sang sảng giống một ngư dân chuyên săn cá heo ở quần đảo Faroe. Anh ta là cha đẻ của giải VMM, người sẽ thoặt ẩn thoắt hiện khắp nơi trong vở chính kịch của ngày hôm nay. Asger hâm nóng không khí đám đông bằng vài câu tếu táo, điểm danh một lượt những cái tên thiếu chữ ký đánh dấu sự có mặt, khoảng 5-6 người gì đó, rồi dẫn mọi người tới khu vực xuất phát.
Trong số hơn 80 con người háo hức, phấn chấn lúc này, sẽ chỉ có 34 quay trở lại đây trên đôi chân của mình vào chiều tối mai. Nói không ngoa, nếu bạn nhìn sang người bên trái, rồi sang người bên phải, rồi cúi xuống nhìn xuống số bib của mình thì nhiều khả năng 2 trong số các bạn, có thể là chính bạn, sẽ rớt lại đâu đó dọc đường. Tỷ lệ “thương vong” như vậy lên tới cỡ 60%, thậm chí cao hơn tỷ lệ hy sinh của Hồng quân trong chiến dịch bảo vệ Stalingrad, trận chiến được coi là đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Nhưng giờ thì chắc ai cũng nghĩ lưỡi hái DNF (Did Not Finish) sẽ trừ mình ra.
Xuất phát. Đội hổ báo nhanh chóng cắt đuôi, bám đuổi nhau trong một cuộc đua sinh tồn thục mạng. Đó là công việc của họ. Đám người phàm thì thong dong vào cuộc, chọn cho mình một tốc độ vừa phải để lấy đà cho cả một chặng đường dài trước mắt. Tôi khoan khoái tận hưởng cảm giác thoải mái của cặp chân không chấn thương, khỏe khoắn sau gần một tuần nghỉ ngơi hoàn toàn. Sau 3 km ngược về phía Sa Pa trên con đường vừa đi qua bằng xe bus, đoàn đua rẽ trái xuống thung lũng. Không hiểu do đồng hồ sinh học sai giờ hay do chạy đèn không quen mà đoạn đầu tôi rất hay trượt ngã lúc đổ dốc hay khi chạy men theo bờ ruộng. Não, mắt và cổ chân của tôi phối hợp với nhau lóng ngóng như các cầu thủ một đội chiếu dưới trong giải V League, làm tôi cứ dúi dụi khi nhìn chỗ lồi thành chỗ lõm, chỗ bùn thành chỗ khô và rất khó giữ thăng bằng. Chưa gì đít quần và hai bàn tai đã lấm bê bết. Tiếng chó sủa lúc xa, lúc gần tùy theo đường chạy gần hay xa khu vực dân cư vùng Bản Hồ, Nậm Toóng xung quanh. Sau hai lần băng qua những chiếc cầu treo nhỏ bằng sắt rung lắc bần bật dưới chân, tôi leo tiếp một con dốc dài dẫn tới CP 101, hoàn thành 12km đầu tiên.
Khoảng cách giữa CP101 và CP102 xa nhất, tới 15km. Tuy nhiên, đoạn này lại khá dễ chạy. Bắt đầu là một cung đường bê tông dài lê thê, trắng nhờ dưới ánh trăng hạ huyền của một đêm quang mây, nổi bật giữa đám bờ bụi và cây cối mầu đen sẫm hai bên. Khúc này tôi bắt kịp và vượt qua Nam Đỗ. Rồi gặp lại Nguyễn Đạt và Jason đang lầm lũi chạy trong bóng tối. Chúng tôi bám nhau rất lâu dọc theo một con đường mòn nhỏ rải đá, khô ráo và dốc xuống thoai thoải. Tôi cố tình chạy sau Đạt, giữ khoảng cách vừa phải. Bóng người di chuyển phía trước chí ít có tác dụng làm cho cảnh vật bị màn đêm che phủ bớt đi vẻ đơn điệu. Tôi cảm nhận tiếng bước chân của Sơn xa dần sau lưng trong khi Đạt cũng nới dần khoảng cách phía trước. Lại qua bản, hình như là Xín Chải. Tiếng chó sủa râm ran. Thi thoảng, khi ánh đèn trên trán vô tình lia trúng, tôi nhìn thấy hai đốm sáng lóe lên từ chỗ phát ra tiếng gầm gừ. Nhưng bọn chó không xồ ra. Chắc chúng tưởng lũ ngoài kia là yêu quái. Chạy mãi rồi cũng đến đường lớn. Qua cây cầu Thanh Phú rộng và kiên cố thêm một đoạn, tôi nhìn thấy CP 102 nằm bên phải đường. Một anh crew từ xa rọi đèn pin vào ngực để soi số bib, đọc cho người khác ghi lại giờ đến của tôi. Không giống những năm trước, runner không phải ký. Thay vào đó, thành viên ban tổ chức trực tại check point sẽ đột lỗ đánh dấu trên tờ danh sách. Tôi gặp lại Đạt và Hưng, một runner người Việt khác đang ngả lưng trên tấm nylon lớn trải ra đường. Tôi được thông báo thời gian sẽ được cộng thêm 30′ tại tất cả các CP, chắc một phần vì chúng tôi xuất phát muộn hơn 10′ so với dự kiến. Như vậy giờ cut off đầu tiên ở CP 103 tiếp theo sẽ nới thành 5h30. Tuy nhiên, nó không làm giảm bớt độ khó của đoạn đường sắp tới. Trong vòng 7km, chúng tôi sẽ phải leo từ độ cao 350m lên xấp xỉ 1100m, tương đương với 2 tòa nhà Keangnam ở Hà Nội xếp chồng lên nhau.
Cứ tưởng sẽ phải có một đoạn dạo đầu dễ chịu trước khi trèo, ai ngờ leo vập mặt luôn. Đường đi tiếp dẫn thẳng lên sườn núi nằm áp sát bên lộ, ngay khu vực CP 102. Tôi, Đạt và Hưng đi cùng nhau. Lối đi bị vùi dưới một đám dây leo bò kín mặt đất, cứ một đoạn dốc ngược, lại một đoạn hơi chếch rồi lại một đoạn dốc ngược tiếp. Ánh sáng đèn của Đạt có vẻ yếu nên cả ba dừng chân chờ Đạt thay pin. Đúng lúc này Nguyễn Quang Thành đi tới, trèo qua người chúng tôi rồi mất hút. Lên cao, dốc đỡ gắt hơn. Trên núi bạt ngàn các bụi cúc vệ đường xen giữa những thửa ruộng bậc thang nhiều khi chỉ nhỉnh hơn vài manh chiếu. Con người ở đây thật cần cù, họ cố gắng tận dụng mọi khoảnh đất có thể canh tác. Lại dốc, dốc nữa, dốc mãi. Với cặp gậy, tôi đi khá nhanh mà không tốn quá nhiều sức. Hưng tụt lại lúc nào không biết. Chỉ còn tôi và Đạt bám nhau khi tới CP103 ở gần cổng Topas lúc 5h15.
Đường chạy 100km có hình số 8. Như vậy chúng tôi đã hoàn thành vòng nhỏ phía Nam, dài 34km, trước giờ cut off khoảng 15′. Giờ sẽ là vòng lớn phía Bắc, dài 70km, cung đường cả tôi và Đạt đều đã vượt qua mùa VMM trước. Cũng đã trôi qua một đêm thức trắng. Trời tờ mờ sáng, đủ để không cần đến đèn nữa.
Chạy đua với cut off đầu tiên nên lúc này chân tôi khá mỏi. Dù 6km tiếp theo là tuyến huyết mạch dẫn về Sa Pa rộng và thoải nhưng tôi và Đạt quyết định đi bộ một lúc cho lại sức, một phần cũng vì sáng sớm bọn chó tụ tập giao lưu rất đông trên đường, nhiều con cứ bám theo chúng tôi sủa inh lên. Thỉnh thoảng tôi phải dúi cho Đạt một cây gậy để phòng thân, sẵn sàng dùng nó làm đả cẩu bổng. Rồi từ đằng sau băng lên một cô gái thanh mảnh với trang phục 2 màu đặc trưng Thái Lan, tím phong lan và vàng hoàng gia. Cũng đi bộ như chúng tôi nhưng guồng chân của cô khá nhanh, dễ dàng bỏ lại chúng tôi đằng sau. Nhắm thấy chân cẳng đã hồi, chúng tôi quyết định chạy, đầu tiên là các đoạn xuống dốc rồi thậm chí các các đoạn lên dốc dưới 10 độ. Khi vượt cô gái lúc nãy tôi chợt nhận ra đó là Jin, runner Thái tôi gặp năm ngoái với hình ảnh được dùng làm banner cho trang web VMM suốt một năm qua. Tôi chào và hỏi thăm mấy câu rồi cùng Đạt chạy tiếp. Đinh ninh là đã cắt đuôi vậy mà sau vài km, cô nàng lại bắt kịp. Tôi, Đạt và Jin cứ cò cưa trên đường như vậy cho đến gần CP2 thì Jin mất dấu. Chung cuộc, Jin về hạng 3 nữ, trước tôi khoảng 1h.
Chạy ban ngày giúp tôi nhìn rõ những cung đường đêm năm ngoái và vì thế cảm nhận về chúng cũng thay đổi. Rừng tre trúc không còn giống trong phim thập diện mai phục, làng Hoa Si Pán cũng không giống như một xưởng phim cổ trang đượm vẻ u tịch mà thay vào đó là những chuồng trâu, chuồng lợn bẩn thỉu và nặng mùi còn mặt đường thì phủ đầy rơm rạ và phân trâu.
Khi nghiên cứu đường chạy của cự ly 100km, tôi lo lắng nhất với điểm cut off CP3 lúc 11h trưa, ở mốc 64km. Nhưng tới CP1 thì chúng tôi được báo rằng ban tổ chức cộng thêm 1h nữa cho các điểm cut off tiếp theo, tức là 90′ so với thời gian ban đầu. Rất có thể sau khi mất kha khá runner tại điểm cut off đầu tiên ở CP103, họ nhận ra rằng ngoại trừ đám siêu nhân, theo đà này chúng tôi sẽ tiếp tục rơi rụng dọc đường giống như tình cảnh của đoàn quân viễn chinh Napoleon khi rút lui trong mùa Đông nước Nga và sẽ chẳng còn lại mấy mống đến được đích.
Từ CP2 đến CP3 tôi tôi và Đạt bắt lại được Thành. Tôi cảm thấy khá sung sức. Đoạn vượt qua ruộng ngô trên triền đồi, tôi leo còn nhanh hơn cả dê núi. Năm nay trời không mưa, đường không lầy và trơn nên di chuyển đỡ hẳn. Tôi bỏ hai bạn đồng hành một quãng khá xa nhưng tới gần ngã ba giao với đường 4D ở đèo Ô Quy Hồ thì Đạt đuổi kịp. Đạt mua mấy quả đào và táo để cả hai ăn cho dỡ háo trước khi chúng tôi tới vị trí của CP3, 64km.

Đường xa trăm dặm
Tôi và Đạt nghỉ ngơi chờ Thành tới nhưng rồi quyết định đi trước. Mỗi lần ngồi lâu một chút là hai chân lại cứng đơ, phải đi một lúc chúng mới dần linh hoạt trở lại. Qua bãi rác thị trấn là cung xuống dốc trong rừng, tôi vượt lên trước. Đường lõng bõng nước nhưng ra đến cửa rừng thì khô ráo hẳn, không còn cảnh trượt ngã như năm ngoái. Lần thứ ba đi qua cung đường này nên tôi rất thuộc. Có một thay đổi là cái khung cổng bằng gỗ khi vào làng không còn. Nhưng đoạn này đoàn quân 100k bỏ xác lại cũng nhiều. Vài runner Tây so kè với tôi từ mấy check point trước giờ có vẻ đuối thấy rõ. Một lần khi vượt qua hai trong số họ, tôi thấy họ nằm ngả ngốn nói chuyện dông dài với nhau, thờ ơ ngắm nước chảy mây trôi như thể đang ở một buổi BBQ ngoài trời. Tôi tin họ quyết định dừng cuộc chơi. Tiếp theo là con dốc đất đỏ hun hút men theo sườn núi dài tưởng như bất tận. Khúc này tôi đi cùng một runner cao lêu đêu người Úc đang sống tại Bangkok. Bác này cho biết môn trail marathon trong 4 năm qua phát triển rất mạnh ở Thái Lan. Từ con số 0, giờ hầu như weekend nào cũng có giải được tổ chức. Đi một hồi thì bác này cũng rớt lại nốt và sau đó tôi không gặp lại bác thêm lần nào nữa. Danh sách DNF chắc ghi thêm tên một chiến sĩ.
Đến đoạn đổ dốc, tôi bắt kịp nhóm cuối của cự ly 70k. Trong số này có cô cáo đuôi trắng người Thái, phục trang nổi tiếng từ năm trước. Giờ này còn ở đây thì họ chắc chắn sẽ không tới CP 5 trước giờ cut off của cự ly 70k được. Đang xuống dốc ngon trớn thì bất chợt thiên thần hộ mệnh của tôi xuất hiện, dưới hình dạng của một anh dân tộc cưỡi xe Minsk, nói với tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Nhầm đường rồi, quay lại đi”. Tôi chột dạ. Đúng là con đường đang chạy có cảm giác xa lạ thật. Suốt đoạn vừa rồi tôi và một runner nam cao lớn người Thái đua với nhau nên không ai để ý nhìn các dây marking đánh dấu đường. Tôi báo cho runner Thái biết. Cả hai lủi thủi quay lại, không còn tâm trạng chơi trò đuổi bắt nữa. Tổng quãng đi nhầm dễ chừng cũng tới cả km nên khi trở lại đúng đường tôi phải đuổi một chặp mới bắt lại được cô cáo đuôi trắng và các bạn 70k đã vượt từ khá lâu trước đó.
Mãi rồi cũng tới CP4 với món súp nóng mong đợi. Ăn xong, tôi tính đợi Đạt rồi cùng đi nhưng được vài phút thì cảm thấy sốt ruột quá nên lại lên đường. CP5 cách đó chỉ 6km nhưng mọi năm đây là cung đường rất xấu vì bùn lầy, không thể đi nhanh được. Thời gian cut off ở CP5 cũng chỉ còn tiếng rưỡi. Mặt khác vợ tôi đã ở đó từ 2h chiều nên tôi cũng không muốn vợ phải chờ quá lâu. Thật may đường năm nay tốt, khô ráo và hình như những viên đá cũng được xếp cẩn thận ngay hàng thẳng lối hơn, ấy là tôi cảm thấy như vậy. Vô tình bắt gặp một runner đang làm việc cần phải làm. Nhác thấy tôi đằng xa, cậu ta kéo vội quần lên. Khổ thân quá. Đuổi nhau thêm vài km nữa, tới chỗ rộng rãi, tôi lại thấy cậu ta tạt vào bụi. Tôi thì lúc này vẫn chưa thấy cơ thể báo hiệu có nhu cầu, dù từ lúc xuất phát đến giờ tiêu thụ khá nhiều thức ăn, nào gel, cơm lam, bánh nướng, những thanh ngũ cốc, súp, hoa quả và dễ phải xơi tới hơn nửa nải chuối. Có lẽ trong một ngày cơ thể bị đẩy đến các giới hạn, một số bộ phận không thật cấp thiết vào lúc này như hệ bài tiết được tự động chuyển qua trạng thái shut down một phần.

Gặp nhau bên cầu Ô Thước
Gần tới cầu bê tông ở đường 4D thì tôi trông thấy vợ. Hai vợ chồng ôm nhau cứ như Ngưu Lang gặp Chúc Nữ trên cầu Ô Thước, dễ thường phải một năm không gặp. Tôi và vợ chụp mấy kiểu ảnh trước khi tới CP5 ở mốc 83km lúc 4:40 chiều. Nhóm support của LDR đã cuốn gói hết, có lẽ vì đã quá giờ cut off tiêu chuẩn từ lâu. Ở đây tôi gặp anh Khánh JeCours và Thương Trần đang đợi xe quay về Sa Pa. Anh Khánh quyết tâm mạo hiểm khi chọn cự ly 70k. Tôi biết anh buồn khi bị cut off nhưng thực sự tới tuổi của anh, ít runner Việt sẽ dám đứng trước vạch xuất phát của cự ly 70k như anh.
Ngồi nghỉ vài phút tôi chia tay vợ đi tiếp. Được một đoạn tôi phát hiện ra mình lấy nhầm gậy của một runner khác. Gọi cho vợ nhắn vợ chuyển gậy của tôi cho bạn runner đó, còn tôi thì ngồi đợi, trò chuyện bông lơn với lũ nhóc bản Sào Chua xúm quanh, tò mò sờ thử các món đồ lạ mắt tôi mang trên người. Mãi mới thấy bạn kia tới. Đó là một runner trẻ và đẹp trai người Thụy Sĩ, đi cùng với Alber Yong, người Sing, đeo số bib 1001. Runner Thụy Sĩ có vẻ tươi tỉnh và sung sức, luôn cố gắng vượt lên trước tôi. Từ CP5 đến CP6 đường lên dốc kéo dài một lèo gần 7km. Tôi trekking điên cuồng. Để đỡ nản chí, tôi chủ yếu nhìn xuống mặt đường trong khoảng 3m đổ lại, chỉ thỉnh thoảng mới ngẩng lên ngắm nghía con dốc lúc nào cũng kéo dài hút tầm mắt. Tới nửa đường runner Thụy Sĩ dừng lại nghỉ. Khi tôi vượt qua cậu ta hỏi giọng ngao ngán: “Từ đây tới CP 6 có đoạn nào xuống dốc không?”. “Có, khoảng 500m cuối”. Tôi đọc thấy sự thất vọng khá rõ trong mắt của runner Thụy Sĩ khi nghe câu trả lời. Dốc cứ dài đằng đẵng, chỉ có mặt đường dưới chân là thay đổi, hết bê tông, sỏi đá, lại bê tông. Năm ngoái khúc này tôi và Tú Hoàng nghỉ chân 2 lần nhưng năm nay tôi đi một mạch vì bóng tối chạng vạng ập xuống rất nhanh, cứ như thể nó đã quá sốt ruột vì phải đợi lâu.
Tôi đến CP6 lúc 6:35 chiều. Lúc này trời đã tối mò. Tôi đã đi được 90km. Quãng đường 104km của cự ly đúng bằng khoảng cách từ nhà về quê nội ở xã Khánh Tiên, Ninh Bình, nên tôi nghĩ ra một cách để hình dung mức độ gần về đích của mình là so sánh nó với đường về quê. Ví dụ CP3, Phủ Lý. CP5, cầu Gián Khẩu. CP6, nhà ông chú ở phố Vân Giang. Từ đây về Topas còn một CP và 14km nữa. Tôi hỏi mấy anh crew về thời gian cut off ở CP7. Tận 9h tối, nhưng “anh sẽ phải tới CP7 trước 7:30 thì mới được lên núi”. Trước 7:30, vào lúc này đây quả là nhiệm vụ bất khả thi. “Nếu tới muộn hơn thì sao?”, tôi hỏi. “Anh sẽ phải đi về đích bằng đường đèo”. Đó là đường về của VMM mùa đầu. Theo luật của ban tổ chức, race director có quyền thay đổi tuyến đường trước và trong khi cuộc thi diễn ra nếu cần thiết. Tôi thông báo cho Alber đang ngồi nghỉ bên cạnh. Chợt nghe thấy giọng nói quen thuộc. Ngẩng lên tôi nhận ra Đạt. Mất dấu nhau từ sau CP3, nên gặp lại bạn đồng hành thân quen lúc này thật vui. Rồi runner Thụy Sĩ cũng về tới. Cậu lầm bầm điều gì đó rồi lặng lẽ gia nhập đám cut off hoặc bỏ cuộc ngồi lố nhố phía gian nhà trong. Đúng lúc chuẩn bị lên đường, thì Thành được xe máy chở về, vẻ mặt buồn thiu.
Tôi, Đạt và Alber đi cùng nhau từ CP6 về đích. Chúng tôi hầu như chỉ cuốc bộ, hãn hữu mới chạy lúc xuống dốc, khi bị trọng lực thúc ép. Hai bàn chân tôi bỏng rát, đau buốt. Tính ra trong ngày, mỗi bàn chân phải đạp xuống đất cỡ 56.000 lần, giẫm lên đủ các thể loại đá tảng, đá hộc, sỏi lớn, sỏi bé, bùn đất và nước suối. Vào lúc này, nhiều khả năng ba chúng tôi là những người cuối cùng của đoàn đua. Xe máy của một anh crew phóng vèo qua, chở theo một bó các thanh marker ban đêm làm bằng tre, một đầu quấn băng phản quang. Ngay cả ban tổ chức cũng đang thu dọn chiến trường.
Chúng tôi tới CP7 khoảng 8:15 và gặp Asger ở đó. Đây đã là km 97. Asger nói với ba chúng tôi và một runner Thái Lan tới trước: “You have arrived here before cut off time, so I’m not cutting you off. And because you run 100k so you will be finishers. But you won’t climb the mountain. Please turn right, and go down to the big road that you’ve crossed this morning and back to Topas. Don’t sit! You have to move now”.
Vậy là tôi lỡ hẹn với nàng Silverstone trong lần thứ ba này. Tôi, Đạt và Alber tiếp tục đi bộ, rảo bước và im lặng như đang hành quân. Đường đèo từ CP7 về Topas, dài đúng 7km, đã được đánh dấu lại. Tại vài ngã rẽ, người của ban tổ chức đỗ xe máy rọi đèn pha chỉ hướng đi cho chúng tôi. Trời tối om và khá lạnh. Chúng tôi đi dàn hàng ngang trên đường, chỉ chịu dồn sang một bên khi có xe cơ giới đi ngang qua. Ngoài sự mệt mỏi chi phối, tôi còn đánh vật với suy nghĩ xem việc đổi đường của chúng tôi có công bằng với các runner 100k khác không. Với những runner về đích trước chúng tôi thì không. Tự thành tích trên bảng xếp hạng đã phản ánh khả năng của họ. Với những runner bị cut off hoặc bỏ cuộc trước CP7 chắc cũng không nốt. Nhưng có lẽ sẽ không công bằng với những runner tới CP7 trước 7:30 tối, vì leo Silverstone nên thành ra đi trước về sau. Suy nghĩ đó làm tôi không thấy thoải mái, và tâm lý của tôi dường như cũng chuyển từ race mode về finish mode. Đạt đề nghị chúng tôi chạy vài cây số cuối khi đường dốc thoai thoải, nhưng tôi nói đợi về đến cổng Topas hẵng chạy. Đường dài lê thê khi phải đi bộ. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những chiếc xe bus chở vận động viên đi ngược từ Topas về Sa Pa. Tôi vẫy tay với những người trên xe, vài người vẫy lại. Họ đã xây dựng xong chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi dưới này, vẫn còn đang thời kỳ quá độ.
Qua một chỗ ngoặt, khu Topas với đèn đóm sáng trưng đột ngột hiện ra. Ba chúng tôi quyết định chạy cùng nhau nốt đoạn đường từ cổng tới vạch Finish, không ai trước ai, để về đích cùng một lúc. Bàn chân đạp lên lối đi lát đá đau xé lên nhưng tôi thấy sảng khoái khi từ xa đã nghe thấy tiếng huyên náo ở khu vực đích. Mọi người dọc đường tránh đường cho chúng tôi, vỗ tay hoặc ném theo những lời chúc mừng.

Alber, tôi và Đạt tại vạch đích
Chúng tôi khoác vai nhau, dừng lại dưới chân cổng Finish. Một nhóm thành viên LDR với những gương mặt thân quen hân hoan chào đón. Các tay máy chụp lia lịa. Tôi ôm chầm lấy vợ. Vợ choàng tấm huân chương lên cổ tôi. Cảm giác lâng lâng. Sự tra tấn không ngừng nghỉ về thể xác chính nó cũng mệt quá, cuối cùng cũng phải dừng tay. Ý chí đã chiến thắng.
Tôi đã sống sót và hoàn thành cự ly marathon 100k. Đôi khi có những chuyện trong cuộc sống bạn tin mình làm được nhưng không biết sẽ thực hiện bằng cách nào. Với những trường hợp như vậy, hãy cứ làm, rồi mọi thứ sẽ sắp đặt đâu vào đó.

Đôi bàn chân sau race
Thời gian về đích của tôi tính theo chip là 22 giờ 26 phút. Tuy nhiên, dựa trên kết quả của runner người Nhật mang số bib 1074, người sau cùng leo Silverstone, tất cả 10 runner chạy đường đèo trong đó có tôi, Alber và Đạt bị điều chỉnh thời gian thành 22:51:34 để xếp sau số 1074. Ban tổ chức có lý khi tôn trọng và đảm bảo công bằng cho những runner chạy theo route truyền thống.
Không rõ năm sau tôi còn tham gia VMM nữa hay không. Nhưng VMM đã cho tôi quá nhiều. Tình yêu với môn chạy bộ đường dài. Những trải nghiệm sống động. Những khoảnh khắc không thể nào quên. Những cơ hội thách thức giới hạn của bản thân. Những người bạn. Và trên tất cả là những phút giây hạnh phúc và thăng hoa.
Điều nhỏ nhoi còn đọng lại lúc này là đôi bàn chân vẫn còn đau.
Phạm Thúc Trương Lương