Xã hội - giải trí

Xuất khẩu game mobile đang trở thành xu hướng

Đăng bởi: hangnt | 5/12/2019

Nếu như năm 2014 được xem là thời điểm bùng nổ của game mobile với hàng loạt tựa game Việt được ra đời thì sang tới năm nay, thị trường đã có sự thay đổi tích cực khi chứng kiến rất nhiều tựa game Việt xuất hiện trên thị trường quốc tế

Thị trường Việt có khoảng 500 game mobile ra mắt mỗi năm

Theo một báo cáo mới đây của công ty Appota, Việt Nam có 38 triệu người dùng internet trên smartphone, 33 triệu người dùng smartphone, so với con số 22 triệu mà công ty này đưa ra hồi cuối năm 2014, toàn thị trường Việt Nam có khoảng 10.000 ứng dụng, tạo ra hơn 200 triệu lượt tải trên các kho.

Báo cáo cũng chỉ ra, các dòng điện thoại giá rẻ ngày càng thỏa mãn phần cứng cho các game 3D, dẫn đến sự gia tăng tất yếu của nhu cầu chơi game và số lượng game thủ mobile. Các con số cho thấy một hệ sinh thái di động ngày càng hoàn thiện, đi cùng với đó là sự phát triển rất nóng của thị trường game và ứng dụng di động.

Người dùng smartphone đang tăng chóng mặt.

Tuy vậy, điều này cũng không làm các studio game trong nước cảm thấy dễ chịu khi sản phẩm của họ phải đối mặt sức ép cạnh tranh của rất nhiều tựa game mới được ra mắt liên tục trên thị trường. Theo Sohagame thì chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2015, đã có khoảng 64 tựa game mobile được các nhà phát hành trong nước giới thiệu đến người dùng so với 77 tựa game trong cả năm 2014. Thậm chí, ông Lê Hồng Minh – CEO VNG còn cho rằng nếu tính số lượng game mobile ở tất cả các thể loại và nền tảng khác nhau thì thị trường Việt Nam có thể chứng kiến đến… 500 tựa game ra mắt mới mỗi năm.

Số lượng game được phát hành từ những NPH lớn tại VN.

Điều đáng nói là trong số hàng trăm tựa game đó thì phần lớn lại có nguồn gốc từ những nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v.. được các nhà phát hành trong nước bản địa hóa và tung ra thị trường. Để có thể làm ra được những tựa game chất lượng có thể cạnh tranh được với các sản phẩm “nhập ngoại” từ các nước trong khu vực ngay tại sân nhà thì các studio Việt đang gặp rất nhiều khó khăn, ngoài chi phí chi sản xuất ngày càng cao, nguồn nhân lực còn thiếu thì còn phải chạy đua với những tựa game được ra mắt liên tục trên thị trường do sức ép cạnh tranh giữa những nhà phát hành trong nước với nhau. Đó là chưa kể đến những khó khăn khi phải cạnh tranh với những ông trùm game di động ở thị trường quốc tế, những tựa game chẳng cần đến những nhà phát hành địa phương hay chiêu thức quảng bá rầm rộ để game của mình có thể đến được với game thủ Việt Nam.

Sẽ trở thành xu hướng

Đây là nhận định chung của nhiều chuyện gia tại sự kiện Mobile Game Asia 2015 vừa được tổ chức tại TP. HCM. Đó là một điều hoàn toàn dễ hiểu khi thị trường trong nước đang dần trở nên chật chội và năng lực sản xuất của những studio game trong nước đã được nâng cao rất nhiều. Tuy nhiên, việc làm game cho thị trường quốc tế không chỉ mới nhen nhóm mà  đã bắt đầu từ vài năm trước với những tựa game như: Ninja Revenge, Zombie Age, Rip Off hay DidiDodo v.v…Tất cả đã tiến ra nước ngoài một cách âm thầm và chỉ được thực sự chú ý cho đến khi Flappy Bird trở thành hiện tượng, người ta mới bắt đầu đổ dồn ánh mắt của mình vào ngành game mobile.

Trong thời gian gần đây, việc xuất khẩu game ra các thị trường khu vực và quốc tế cũng thể hiện sự chuyên nghiệp hóa trong quá trình phát hành khi chính những studio lựa chọn NPH phù hợp nhất cho sản phẩm của mình thay vì âm thầm tự làm. Sau sự kết hợp thành công của Captain Strike và nhà phát hành Appota Inc, Emobi games cũng cho biết họ đã hợp tác với một NPH ở Singapore cho hai tựa game Nova Squad và Nova Defense. Đáng chú ý hơn, Divmob cũng phát hành thành công tựa game Epic Heroes War qua nhà NPH Kakao Talk với hàng triệu lượt tải về.

Epic Heroes War hợp tác hiệu quả với Kakao Talk

Xu hướng mang game ra quốc tế không chỉ dành cho những sản phẩm được sản xuất trong nước, những NPH năng động tại Việt Nam đã đi tiên phong phân phối lại những tựa game ăn khách vốn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc cho những thị trường mới nổi như Thái Lan, Indonesia, Philippines v.v.. và bước đầu tạo được dấu ấn nhất định. Có thể kể đến Top 12 và Age of Beauty của NPH Appota Inc phát hành tại thị trường Thái Lan trong thời gian vừa qua.

Rõ ràng làm game cho thị trường nước ngoài đang mang lại những lợi ích thật sự cho nhà phát triển như thị trường rộng lớn hơn, thị hiếu người dùng đa dạng và doanh thu cũng không hề nhỏ, điều này đang tạo động lực khiến họ tiếp tục những dự án mới đầy triển vọng như Toy Quest (Hiker games – Emobi games) Clash of AllStar (Joy Entertaintment ) v.v..và trực tiếp đẩy phong trào xuất khẩu game đi lên theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Theo ICTNews