Nền công nghiệp Internet of Things đang dần hình thành
Để nhận thức được hết tiềm năng mà nền công nghiệp IoT này đem lại là một thử thách không nhỏ, và yêu cầu phải có tư duy sáng tạo.
Bước tiến tiếp theo trong cuộc cách mạng phát triển thiết bị điện tử chính là đi đến nền công nghiệp Internet of Things (IoT). Bên cạnh các đồng hồ thông minh và thiết bị đo sức khỏe như FitBits, các doanh nghiệp tân tiến có xu hướng áp dụng ý tưởng IoT vào các cỗ máy phức tạp hơn, chẳng hạn như động cơ máy bay và đầu tàu điện, để có thể đem đến nhiều bước tiến phát triển hơn cũng như cải thiện về mặt nhiên liệu.
Kết hợp với việc phân tích dữ liệu, các công ty có thể tận dụng nền công nghiệp IoT này để thúc đẩy kinh tế, thị trường việc làm và tương lai. Và cũng theo công ty tư vấn quản trị toàn cầu Accenture, nền công nghiệp này có thể mang lại thêm 15 nghìn tỉ USD cho kinh tế thế giới vào năm 2030.
Trong khi nhiều công ty đang hướng đến nền công nghiệp IoT, nền tảng này vẫn đang còn trong giai đoạn chớm nở. Các lãnh đạo phải chọn lựa cẩn thận cũng như quản lý chặt nền tảng của mình, tìm hiểu những thử thách về mặt kỹ thuật, xác định những cách biệt trong vấn đề chia sẻ thông tin và tương tác, bên cạnh đó hợp tác với các đối tác để tạo cầu nối vững chắc.
Xu hướng thích nghi với công nghệ nay đã thay đổi. Trước đây, các doanh nghiệp thường lèo lái những cuộc cách tân công nghệ và người dùng buộc phải thích nghi theo công nghệ mới. Giờ đây người tiêu dùng đã thích nghi nhanh hơn, họ đưa công nghệ mới vào cuộc sống của họ một cách nhanh chóng và các doanh nghiệp phải chạy đua để bắt kịp nhu cầu người dùng.
Internet of Things đã len lỏi đến mọi ngóc ngách của kỹ thuật.
Một ví dụ đầu tiên có thể thấy rõ người dùng đã nhanh chóng thích nghi với nền công nghiệp IoT chính là các thiết bị đeo, họ sử dụng các thiết bị này để theo dõi mọi thứ từ chế độ dinh dưỡng cho đến quá trình ngủ nghỉ và ước lượng số calorie đã tiêu hao sau mỗi lần hoạt động thể thao của người dùng.
Giờ đây, các doanh nghiệp bắt đầu tiến đến một bước xa hơn và áp dụng những công nghệ này vào các cỗ máy lớn hơn, trang bị các cảm biến thu thập dữ liệu. Với bước đi này, nền công nghiệp IoT đang thúc đẩy tính kết nối giữa máy móc với con người và cũng như giữa máy móc với nhau.
Kiểu ứng dụng phổ biến của nền công nghiệp IoT hiện nay là nhằm thúc đẩy doanh thu thông qua việc cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, tạo nên một mô hình kinh doanh lai với nhiều nguồn doanh thu mới và cải tiến mới.
Dự kiến thế giới sẽ có khoảng 75 tỷ thiết bị kết nối với nhau trong năm 2020.
Trong ngành công nghiệp sản xuất, chúng ta đang nhìn thấy các thiết bị kết nối với nhau đã mở ra một hướng đi mới trong việc chia sẻ dữ liệu mà trước đây không hề có được. Ngày nay, những cảm biến nhỏ lắp trên các máy móc phức tạp cũng có thể thu thập được dữ liệu về tình trạng hoạt động của máy để từ đó có thể lập lịch trình bảo dưỡng cụ thể.
Với những dữ liệu này, các nhóm kỹ sư có thể dự đoán được trước hỏng hóc, chủ động khắc phục và giảm bớt thời gian hoạt động. Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho việc phân bố và quản lý nguồn năng lượng, chẳng hạn như đặt các cảm biến trên các trụ bơm dầu trên bờ và ngoài khơi, các công ty có thể giảm thiểu được tình trạng thất thoát sản lượng và tiết kiệm một lượng lớn chi phí.
Bên cạnh việc áp dụng cho lĩnh vực sản xuất, nền công nghiệp IoT còn có thể sử dụng cho nhiều loại ngành khác, trong đó có phân tích dữ liệu, điện toán đám mây, và thậm chí mở đường phát triển cho Big Data*.
*(Big Data – Dữ liệu lớn – là một thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và rất phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lí dữ liệu truyền thống không thể nào đảm đương được. Nguồn dữ liệu này chứa tới hàng tấn thông tin quan trọng trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế cho đến nghiên cứu khoa học)
Để nhận thức được hết tiềm năng mà nền công nghiệp IoT này đem lại là một thử thách không nhỏ, và yêu cầu phải có tư duy sáng tạo. Các doanh nghiệp cần phải thu thập một số ý kiến từ người tiêu dùng trong giai đoạn này cũng như để đánh giá xem họ đưa IoT vào giải quyết các vấn đề lớn trong ngành công nghiệp như thế nào.
Theo GenK