Xã hội - giải trí

Trí tuệ đám đông

Đăng bởi: hangnt | 1/2/2016
Bạn đang ở quận 2, TP HCM. Từ nút giao giữa Xa Lộ Hà Nội và đường Mai Chí Thọ, rẽ phải, đi thêm khoảng hơn một cây số, qua khu đô thị Imperia An Phú, bạn sẽ nhìn thấy những con đường nhỏ rẽ ngang khuất trong bụi lau lách.

Bạn đi vào đó, xuyên qua một xóm nhỏ, thêm những bụi lau nữa, đi qua một cây cầu gỗ bắc qua một cái hồ nước đen ngòm. Bạn đã đến xóm thợ hồ quận 2, theo cách nhiều người vẫn gọi.

Tôi đã đến nhiều xóm lao động di cư, nhưng chưa bao giờ chứng kiến điều kiện sống khủng khiếp đến thế. Một xóm trọ được dựng lên trên một vùng trũng, tạm bợ bằng lá và tôn. Khắp mọi nơi là những vũng nước đen ngòm. Những đứa trẻ bị muỗi đốt từ đầu đến chân, đã đến tuổi tập đi nhưng vẫn chưa đứng được. Chúng suy dinh dưỡng, ốm đau, chân đất chạy trên những vũng sình được lấp tạm bằng vài lá dừa nước để đi lại.

Cư dân ở đây, rất nhiều là những gia đình bồng bế nhau từ quê lên. Theo cách tôi hiểu, với mức tiền chừng trên dưới một triệu đồng mỗi tháng (không phải là quá rẻ mạt), họ không thuê được một không gian sống đủ cho cả gia đình trong thành phố. Xóm trọ này được dựng lên sơ sài trên những vũng sình để đáp ứng nhu cầu đó.

Tất nhiên người ta có thể nói rằng người chủ đất đã làm đúng quy luật thị trường: họ chỉ cần đầu tư như vậy, những gia đình thợ hồ này tự chọn lựa lên thành phố, tự chọn lựa tới chen chúc trong những túp lều sơ sài dựng bằng tôn và lá dừa ấy, với mức giá một triệu đồng mỗi tháng, sống cùng muỗi và nước bẩn.

xomnhala15_zing_2

Nhưng chúng ta đều hiểu rằng những người này không có lựa chọn. Họ chẳng chọn gì cả. Họ ít lựa chọn tới mức không thể quay về quê: có một gia đình tôi ngồi chơi, thậm chí không thể đủ tiền mua vé xe đò để về Cà Mau cho dù chỉ một lần để thắp hương cho ông bà trong suốt ba năm qua.

Câu hỏi ám vào tôi: Chúng ta phải làm gì với những con người này?

Từ thiện? Cái nghèo với những người này mang tính thừa kế. Tôi không nói rằng giúp họ có một cái Tết vui vẻ, lũ trẻ thêm một bữa ngon hay một lần khám bệnh là không tốt. Nhưng đó không phải giải pháp. Họ cần những thiết chế được tạo ra để ngăn chặn chính họ lao vào cái vũng sình theo nghĩa đen này.

Nó có thể là gì? Nó có thể là giáo dục, là y tế, là việc làm. Nhưng nó cũng có thể chỉ là một quy định về việc kinh doanh phòng trọ cho thuê được thực hiện cẩn thận. Thật ra tráng xi măng hay đổ nền cho đám đất trũng đầy muỗi vắt ấy không quá tốn kém, chỉ có điều chẳng ai có nhu cầu làm việc ấy: muốn hay không thì những người này vẫn phải sống trong đó. Lũ trẻ vẫn sẽ bị muỗi đốt kín người dù chính họ cũng đau xót và muốn đi.

Và cái quyền thiết kế những thứ như vậy thuộc về nhiều người đang ngồi trước máy tính đọc những dòng này. Năng lực thiết kế những thứ như vậy cũng thuộc về họ, một mình tôi không nghĩ ra nổi.

Gần đây, tôi có cảm giác rằng xã hội đang quan tâm nhiều hơn đến chính sách. Phản ứng khá mạnh. Nhưng thường là phản ứng sau khi một chính sách đã có hiệu lực. Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội, bình cứu hỏa; rất nhiều thứ khác nữa đều chỉ được “giật mình” khi nó đã đi xong quy trình. Bản thân chúng ta chưa quan tâm đủ nhiều đến việc tạo ra môi trường sống của mình.

Câu chuyện của những xóm như xóm thợ hồ quận 2, không phải là “cuộc đời kẻ khác”. Họ vẫn sống cùng với chúng ta, là một nhân tố của an sinh xã hội và rồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến đời chúng ta.

Tôi nhớ hãng IBM có một bộ trò chơi, trong đó những người chơi trên toàn thế giới sẽ xây dựng các thành phố ảo, cùng giải các bài toán an sinh xã hội trong games, và hãng này sử dụng dữ liệu đó để đề xuất các giải pháp ngoài đời thật. Trí tuệ đám đông có thể tạo ra những giải pháp kỳ diệu.

Tôi rất muốn có nhiều người cùng chơi một thứ trò chơi như thế, khi đứng trong cái xóm ở quận 2 kia, bị muỗi đốt không sót một chỗ hở nào trên da. Tôi muốn hỏi các độc giả sẽ bình luận ở dưới bài viết này, như một trò chơi nhỏ, rằng đề xuất của bạn là gì cho những túp lều mọc trên sình lầy, kẹp giữa khu đô thị Estella và Imperia An Phú ấy?

Đức Hoàng  (Theo VnExpress)