Xã hội - giải trí

Ám ảnh người Hồ Gươm

Đăng bởi: hangnt | 17/11/2016

Sau khi viết về tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, tôi nhận được tin nhắn của một người lạ.

Chị tên Ngọc, đang sống ở phố Hàng Khay – nhìn thẳng xuống Hồ Gươm. Gia đình chị Ngọc, người già nhất đã 93 tuổi, mắc chứng Alzheimer, trẻ em thì đủ cả đang học từ mẫu giáo tới cấp 2 còn những người lớn hàng ngày đi làm. Ban đầu khi có phố đi bộ, họ rất hoan nghênh vì bỗng nhiên có vài ngày yên tĩnh không tiếng còi xe vào cuối tuần. Nhưng chẳng mấy chốc, chị Ngọc và người thân nhận ra, tiếng còi xe có khi lại vẫn là dễ chịu.

“… Thứ Sáu, Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, ba ca một ngày đều có ban nhạc chơi ngay đối diện phố Hàng Khay, góc giao giữa Hàng Khay, Tràng Tiền và Đinh Tiên Hoàng. Các ban nhạc này đều chơi với âm lượng rất lớn, kéo dài tới 11h-12h đêm, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của cư dân trên phố. Tôi có sang gặp ban nhạc trực tiếp và góp ý về âm lượng thì bị những người dân tham quan nói những câu vô văn hóa và chửi bậy…” – chị Ngọc chia sẻ.

7

Tôi đã đưa những lời trần tình này lên một diễn đàn mở và nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Có rất nhiều du khách tham quan cũng cho rằng, số lượng các ban nhạc đang chơi ở khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm là quá nhiều. Chỉ từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tới Hàng Khay, tức là nửa vòng hồ, vào cuối tuần có lúc cả chục ban nhạc chơi cùng lúc. Họ mang theo trống, guitar điện, kèn, sáo, micro và cả loa di động, rồi dàn trận trên vỉa hè, biểu diễn. Có khi, khoảng cách giữa hai ban nhạc chỉ chục mét, âm thanh phát ra trộn lẫn vào nhau, jazz lẫn với rock, nhạc Tây cãi nhau với nhạc Việt. Những lúc ấy, chính khán giả xung quanh cũng không còn có thể thưởng thức nổi, nói gì tới những người dân sống bên kia đường.

Không có các hoạt động sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, vui chơi ngoài trời, thì phố đi bộ hẳn sẽ rất tẻ nhạt. “Chẳng lẽ đến phố đi bộ chỉ để… đi bộ?” – đó là một câu hỏi phổ biến, và có lý. 

Nhưng rõ ràng, phố đi bộ là một không gian chung – dù rất rộng. Mà đã là không gian chung, thì cần tính toán để cân bằng mọi nhu cầu của tất cả các đối tượng liên quan. Trong đó, bên cạnh hàng chục nghìn lượt du khách, thì cũng là hàng nghìn người dân sống trong khu vực. Tiếng ồn của các ban nhạc chỉ là một trong những vấn đề phát sinh, còn phải kể đến việc di chuyển phương tiện khó khăn do cấm đường, việc buôn bán kém hiệu quả của các tiểu thương… Những vấn đề đó, từ góc độ của chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng, cũng chính là trách nhiệm. Nếu coi mô hình phố đi bộ Hàng Ngang – Hàng Đào là bản 1.0,  tuyến đi bộ quanh Hồ Gươm là bản 2.0, thì đã đến lúc cần có một bản quy hoạch 3.0 sao cho hợp lý. 

Khu mua sắm là Hàng Ngang – Hàng Đào, khu vui chơi cho trẻ em phía Cung Thiếu nhi Hà Nội, đi bộ mua sách là Đinh Lễ – Nguyễn Xí, còn khu vực biểu diễn nghệ thuật có thể gom vào “nhà kèn” ở giữa vườn hoa Lý Thái Tổ – chẳng hạn như vậy.

Sau khi nhận được thư của chị Ngọc, tôi đã chuyển cho một số phóng viên báo đài, họ đến tận nhà chị để thực hiện phóng sự. Trong căn hộ nhìn ra tán cây xanh rợp bên Hồ Gươm vốn cực kỳ lý tưởng, gia đình chị Ngọc loay hoay đóng kín các ô cửa sổ, kéo kín rèm, cố gắng chặn bớt âm thanh của ban nhạc sống đang chơi ngay bên kia đường. Dẫu vậy, dễ dàng nghe thấy tiếng ồn xen vào các cuộc phỏng vấn những thành viên trong gia đình. Bố chị Ngọc nằm trên giường, run rẩy trở mình. Đó là câu chuyện ít người biết đến.

Khi thong dong đi dạo quanh Hồ Gươm mỗi dịp cuối tuần bạn có thể nhìn lên ô cửa trên tầng căn nhà Hàng Khay ấy và hãy biết rằng có một cụ ông đang khó nhọc bịt tai, nuốt từng thìa cháo.

Gia Hiền