Xã hội - giải trí

Virus và vệ sinh

Đăng bởi: dunghh | 18/2/2020
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tục ngữ này chứa một tư duy mà ta chỉ chợt nhớ đến khi nguy hiểm cận kề.

Ví dụ, chúng ta đều biết rằng vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, tuy vậy lúc bị cảm cúm và miễn dịch suy giảm thì ta mới nhớ mình phải ăn hoa quả hay uống trà gừng. Tương tự, chúng ta biết rằng thể dục rất có lợi cho sức khỏe và giúp tăng cường hệ miễn dịch, tuy nhiên tôi có cảm giác phần lớn người trẻ tập gym với mục đích có thể hình đẹp mà thôi. Có lẽ chúng ta hành động như vậy vì muốn thấy kết quả ngay lập tức trong khi hành động ”phòng bệnh” là một đầu tư dài hạn.

Theo cách tương tự, dịch virus corona khiến ta hết sức lưu ý đến vệ sinh cá nhân. Rất nhiều người đang thay đổi hành vi vì nỗi lo dịch bệnh. Các mạng xã hội trong nước tràn ngập những ảnh người dân đeo khẩu trang ở mọi nơi, mọi lúc.

Nhưng đồng thời, tôi nhận thấy rằng người ta vẫn thiếu kiến thức về cách virus vận hành và lây lan. Ví dụ, trước khi nghỉ học do dịch virus, các học sinh tuổi teen của tôi đến lớp ai cũng sợ sợ, đeo khẩu trang, thậm chí lên xuống bằng cầu thang vì sợ đi thang máy. Tuy vậy trước bữa ăn tập thể ở trung tâm, họ vẫn không rửa tay dù hình thức lây nhiễm virus phổ biến nhất là do chạm những thứ ở nơi công cộng. Và tôi bị bàng hoàng khi thấy một học sinh làm theo bản năng một điều ngược đời: em ấy tháo khẩu trang để hắt hơi ra khắp phòng học, rồi đeo khẩu trang lại!

Thật vậy, chúng ta có không ít thói quen vệ sinh tồi tệ vì thiếu ý thức hay thiếu kiến thức. Chúng ta gỉ mũi, cắn móng tay hay chạm vào mắt bằng tay bẩn, chúng ta mang điện thoại vào nhà vệ sinh (nhưng không bao giờ lau sạch màn hình), chúng ta quên rửa tay trước bữa ăn hay sau khi chạm vào nắm cánh cửa hay vào tiền mặt mặc dù vô vàn bàn tay khác chạm vào hai điều này mọi ngày (những tờ tiền chứa hàng trăm loại vi sinh vật và thậm chí những dấu vết của ma túy). Vì lười biếng, chúng ta rửa tay, đánh răng qua quýt cho qua chuyện, và không thay đổi thường xuyên ga trải giường, khăn tắm, bọt biển hay bàn chải đánh răng. Theo tôi, đó là do chúng ta coi vệ sinh cá nhân như một thủ tục phiền phức chứ không coi điều nó như một đầu tư dài hạn vào sức khỏe mình.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có ý thức thấp về vệ sinh công cộng. Đây là một vấn đề nan giải ở Việt Nam và nhiều khách du lịch nước ngoài cảm thấy bàng hoàng khi bắt gặp những hình ảnh xấu xí, ví dụ khi người tiểu tiện ngay bên vệ đường, giải quyết nỗi buồn ở bụi rậm, xả thẳng xuống kênh… Hay khi vào nhà vệ sinh mà thấy khách trước không dội nước hay ném giấy vào bồn cầu gây nghẹt. Chúng ta đều biết rằng thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại nhiều nơi chưa đạt chất lượng… Còn chưa nói về tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng như bãi biển, bờ hồ, kênh nước, các điểm du lịch.

Mặc dù hành động này không thuộc về số đông, nó để lại hình ảnh xấu xí trong mắt cộng đồng và trong mắt du khách nước ngoài. Vả lại, nó có thể làm lây lan vi khuẩn. Nhổ nước bọt, nhả bã kẹo cao su, hắt hơi trước mặt người khác, ho mà không dùng tay che miệng là những việc nhỏ mà ai cũng đã chứng kiến bao lần rồi. Những hành vi này phản ánh cách chúng ta ứng xử với không gian công cộng và coi thường những người xung quanh chúng ta.

Một ví dụ phổ biến khác là khi nhu cầu và an toàn vệ sinh của khách hàng bị coi nhẹ. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều cảnh khó tin ở Việt Nam. Tôi sửng sốt khi mua bánh mì hay thanh toán ở quán ăn, bác chủ quán vừa đưa cho tôi tiền thừa vừa chạm vào thực phẩm mà không dùng găng tay. Hay khi tôi vào nhà vệ sinh ở nơi công cộng, và xong việc thấy nhà vệ sinh thiếu xà phòng hay giấy vệ sinh.

Nhiều quán ăn bình dân ở Việt Nam không có bồn rửa tay, vậy khi tôi bảo chủ quán mình muốn rửa tay trước khi ăn, nhiều khi chủ quán tròn mắt ra vẻ bất ngờ như thể rửa tay là một yêu cầu bất thường. Dạy học ở Việt Nam trong suốt năm năm qua, tôi đã cũng thấy một điều rất phổ biến và cũng khó hiểu: một đám đứa học sinh quây quần tại hành lang quanh một bình nước lọc và… uống chung cốc.

Người ta chắc phớt lờ các việc nhỏ nhặt như vậy do tư duy kiểu ”tao làm thế này từ xưa đến nay mà chưa thấy ai bị làm sao hết”. Tuy nhiên, trong khi khó có thể đảm bảo an toàn một cách hoàn toàn trước các dịch bệnh truyền nhiễm, ít nhất ta có thể giảm thiểu rủi ro bằng việc cải thiện ý thức và tư duy của mình về vấn đề vệ sinh.

Người Việt hay nói: trong cái rủi có cái may. Và tôi hy vọng rằng nỗi lo dịch bệnh này là cơ hội để chúng ta thay đổi thói quen sinh hoạt, đặc biệt là tại nơi công cộng từ nay về sau.

Nguồn: Marko Nikolic – chuyên mục Góc nhìn vnexpress

Tags: , ,