Xã hội - giải trí

Di sản Việt trên smartphone

Đăng bởi: hangnt | 7/8/2015
Bao năm qua, một phần do công việc phải đi ra nước ngoài nhiều, phần khác cũng bởi tư tưởng “bụt nhà không thiêng” khá nặng, tôi quan niệm rằng, các nơi ở trong nước có gì đáng xem, mà có gì chúng ở ngay trong nước có chạy đi đâu mà sợ.

Ngay tới những địa danh của TP HCM mà tôi cũng không rành cho dù đã sinh sống ở đây hơn 30 năm rồi. Khai ra thì mắc cỡ ghê lắm, nhiều lần tôi đã phải đánh trống lảng khi có những người bạn mình gặp ở nước ngoài hỏi thăm về các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam.

Nhưng cũng giống như nhiều bạn trẻ Việt, tôi chớ hề hờ hững với các di sản văn hóa Việt. Hồi trước khi Internet vào Việt Nam, tôi hầu như chịu chết khi muốn tìm hiểu về những địa điểm đáng quan tâm tại TP HCM nói riêng và các danh lam thắng cảnh ở trong nước. Bây giờ, muốn biết thông tin gì thì chủ yếu cậy nhờ từ điển bách khoa online Wikipedia, còn muốn tìm đường đi nước bước thì tra công cụ bản đồ số Google Maps. Từ năm ngoái đến giờ, thú thật tôi mê mẩn khi sử dụng ứng dụng Street View (xem thực tế đường sá bằng hình ảnh thực với công nghệ 360 độ) ở Việt Nam. Nhờ đó tôi có thể làm những chuyến du lịch ảo trên màn hình máy tính suốt từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau, xem được hình ảnh chụp ở những địa danh mà cả đời mình chỉ mới nghe tên.

Nhưng bây giờ là kỷ nguyên của di động và chỉ có những ứng dụng được phát triển cho di động mới tiện dụng nhất, tôi mong mỏi sẽ có được những ứng dụng tương tự được tích hợp trên các thiết bị di động sẽ tiện dụng cho mọi người biết chừng nào.

Lâu nay các thiết bị iOS, Android hay Windows Phone vẫn có những ứng dụng tìm kiếm nơi chốn, nhất là những địa điểm ở chung quanh nơi người tìm kiếm đang có mặt. Tuy nhiên, hầu như người ta chỉ quan tâm tới những địa chỉ dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, ATM, siêu thị… Cái mà tôi cần là những ứng dụng giới thiệu về các thắng cảnh, di tích, tập tục, văn hóa – đặc biệt là các di sản văn hóa – của từng tỉnh, thành Việt Nam một cách chuyên nghiệp mà tiện dụng, giống như xứ người họ đã làm.

image003

Chẳng hạn, đang ở TP HCM, tôi muốn tìm xem có những nơi đến nào thú vị. Khi chọn được một địa điểm trong danh sách, tôi sẽ được ứng dụng mở bản đồ cho thấy vị trí, cung cấp thêm những thông tin cơ bản và hình ảnh giới thiệu, cũng như những đường link nói về địa điểm đó, rồi còn chu đáo dẫn đường cho tôi đến tận nơi một cách thuận tiện nhất. Tôi cũng mê tìm hiểu và tìm tới những làng nghề truyền thống hay những khu phố ẩm thực nổi tiếng. Tôi còn có thể tìm xem ở gần nơi mình đang có mặt có những địa điểm văn hóa – lịch sử nào không. Rồi ngồi với bạn bè tại một quán cà phê ở Sài Gòn, tôi cũng có thể tìm hiểu thông tin về những di tích, thắng cảnh ở bất cứ tỉnh thành nào trong cả nước. Nhờ vậy, tôi có thể hoặc quyết định tìm đến thưởng ngoạn, hoặc có thêm kiến thức mà “khè” thiên hạ.

Những ứng dụng tìm kiếm và tra cứu thông tin thuần văn hóa – lịch sử này sẽ thực sự ích nước, lợi dân lắm. Chúng sẽ giúp người Việt, đặc biệt là giới trẻ sẽ có ngay trên tay những nguồn tri thức về non sông, quê hương mình để có thể hiểu biết hơn và thêm yêu Tổ quốc hơn. Bây giờ ở Việt Nam smartphone, tablet đã có, số người sở hữu 2-3 thiết bị ngày càng gia tăng. Internet phủ rộng khắp nơi thông qua mạng cáp viễn thông và mạng di động 3G. Tuy kinh tế chung vẫn còn khó khăn, nhưng không thể phủ nhận được rằng mức sống có được cải thiện phần nào, cho dù không phải đều khắp. Nhờ vậy mà số lượng người có khả năng du lịch đang ngày càng tăng lên, có nghĩa là điều kiện đã sẵn sàng. Đây chớ hề phải là câu chuyện về kỹ thuật và công nghệ mà vấn đề mấu chốt còn lại là ở cách nghĩ, cách làm của các doanh nghiệp di động và các nhà phát triển ứng dụng. Ai sẽ đi đầu trong những ứng dụng di động thuần văn hóa – lịch sử Việt cho người Việt trước tiên và sau đó cho du khách nước ngoài đến Việt Nam. Phải chăng ngành du lịch nên đặt hàng những ứng dụng di động như thế này để một công mà đôi ba việc, trong đó có chuyện khuếch trương du lịch ở đất nước Việt Nam?

Đừng vội trách bà con người Việt, trong đó có tôi, là thờ ơ, vô tâm với các di sản văn hóa của dân tộc Việt. Giá như có ai đó chịu khó đầu tư với tấm lòng và tình yêu đất nước Việt Nam phát triển ra những ứng dụng di động giúp mọi người có thể dễ dàng trên tay với các danh lam thắng cảnh, các điểm đến kỳ thú từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau. Tôi đang háo hức với chiếc smartphone trên tay mà chờ đợi.

Phạm Hồng Phước (theo VnExpress)