Xã hội - giải trí

Hình ảnh quốc gia

Đăng bởi: dunghh | 10/9/2017

Andreas đã tới Việt Nam hơn 20 lần trong 10 năm qua.

Lần đầu tới Việt Nam, anh cũng như nhiều bạn trẻ ở Bắc Âu, muốn dành thời gian đi phượt, trải nghiệm thế giới trước khi vào đại học. Những tương tác đầu tiên của Andreas khi bước ra khỏi sân bay là taxi dù ở TP HCM, là chủ khách sạn tự động tăng giá ở Hà Nội… Tuy nhiên, anh là một trong số ít người nước ngoài tới Việt Nam trong nhiều năm qua nghĩ rằng đây chưa phải là góc nhìn thật và gần nhất về con người của một đất nước đứng dậy sau chiến tranh.

Bằng sự nhẫn nại, Andreas giờ đã tìm thấy những khoảng sáng, tốt và hay nhất về Việt Nam, coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Nhưng không nhiều người có sự nhẫn nại như bạn tôi. Năm 2016, rất nhiều tờ báo trích dẫn khảo sát của Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA), thống kê khoảng 70% khách du lịch không quay lại Việt Nam.

Thế giới phẳng đã chia đều cơ hội cho mọi quốc gia. Thu hút 7,5 tỷ người trên thế giới luôn là bài toán với bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đang sống ở thời đại cùng kiến tạo thông tin và chia sẻ tri thức trên Internet. Một trong những cổng thông tin số đầu tiên mà các công dân toàn cầu ngày nay tham khảo về hình ảnh một đất nước nào, chính là từ điển bách khoa toàn thư mở Wiki.

Wiki là từ điển mở, miễn phí mà mọi người dùng Internet đều có thể tham gia viết và sửa. Nó giống như một tờ rơi trong thời đại số với số lượng phát hành hàng tỷ và được rải đến từng chiếc máy tính trên toàn cầu.

Mặc cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, Thái Lan vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn với du khách trên thế giới. Chính phủ Thái Lan khởi động rất nhiều dự án khôi phục hình ảnh đất nước bị xấu đi trong những năm gần đây. Các dự án của Thái Lan đều tạo cơ hội cho tất cả người dân Thái cùng chung tay, nỗ lực xây dựng cải thiện hình ảnh quốc gia.

Tổng cục Du lịch Thái Lan từng phối hợp với hai trường đại học lớn nhất – Chulalongkorn University và Rangsit University – thực hiện dự án Wikipedia và Wikitravel. Dự án này sử dụng công dân số tham gia sửa chữa và bổ sung các thông tin về đất nước và con người Thái Lan trên hai trang bách khoa là wikipedia (bách khoa toàn thư mở) và wikitravel (hướng dẫn du lịch).

Sinh viên và giảng viên hai trường đại học này tham gia sửa lỗi và chuyển nghĩa sang tiếng Anh. Dự án giúp đưa ra cái nhìn cập nhật, toàn diện và chính xác về đất nước và con người Thái Lan. Đó là một trong những nỗ lực giúp Thái Lan thu hút 32,6 triệu khách du lịch đặt chân tới đất nước này vào năm 2016.

Người Thái Lan đã nắm bắt được xu hướng phát triển của các phương tiện truyền thông, biết tận dụng công cụ Internet, với tốc độ lan truyền rộng và tiết kiệm chi phí trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuần trước, tôi tham dự sự kiện Vietnam CEO Summit 2017 với chủ đề “Cuộc chuyển đổi vĩ đại thế kỷ 21 và Chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam” với các bài trình bày của Giáo sư Fredmund Malik – Chủ tịch Viện Malik – Thụy Sĩ. Ông cũng là tác giả của “Quản lý hiệu quả trong một thế giới đại chuyển đổi” – một cuốn sách được nhiều các nhà chiến lược và quản lý trên thế giới tham khảo.

GS. Malik nói: “Việt Nam chứng minh là một dân tộc có thể đứng lên sau cuộc chiến, giống như nước Đức. Văn hoá của Việt Nam phù hợp. Không cần thiết phải đi qua từng bước, mà có thể nhảy vọt. Các bạn nên khởi động các chương trình để có sáng kiến lớn trong quá trình số hoá”.

Lời kêu gọi của Fredmund Malik khiến tôi nghĩ đến chương trình của người Thái. “Sáng kiến lớn” trong quá trình số hóa hoàn toàn có thể bắt đầu từ việc mỗi công dân tham gia vào việc “phụ trách” hình ảnh quốc gia trên các hạ tầng Internet – điều trước nay chưa từng được chú trọng bởi người Việt Nam, nếu không muốn nói là đôi khi ngược lại.

Biểu tượng quốc gia Việt Nam

Biểu tượng quốc gia Việt Nam

Và hình ảnh du lịch chỉ là một ý niệm sơ khai nhất về hình ảnh quốc gia trên hạ tầng số. Còn rất nhiều khía cạnh chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới. Hẳn nhiều người không biết rằng, trên Wikipedia, trong các khái niệm liên quan đến chủ quyền như “Biển Đông”, “Hoàng Sa” hay “Trường Sa” – thường trực có một cuộc luận chiến quyết liệt bằng tiếng Việt và tiếng Anh; và rất cần người bảo vệ các lập trường giá trị của Việt Nam.

Phạm Hải Chung – VNExpress