Xã hội - giải trí

Người tử tế

Đăng bởi: hangnt | 15/8/2015
Dấu ấn người Việt trong mắt người nước ngoài ra sao? Mời các bạn cùng đọc bài chia sẻ dưới đây của tác giả Nguyễn Thị Nhuận và suy ngẫm về những hệ lụy của nó
Tôi được bệnh viện gửi đến nhà một người tàn tật để giúp ông tắm rửa, ăn sáng và đặt vào ghế như kế hoạch chăm sóc thường ngày. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông, một người gốc Âu sống một mình và bị liệt hai chân. Ông yên lặng hợp tác khi tôi dùng máy nâng đặt ông vào ghế tắm. Vừa làm, tôi vừa giải thích cho ông rằng người thường chăm sóc ông hôm nay bị mệt nên tôi được cử đến giúp.

Ông hỏi tôi ở Australia lâu chưa. Tôi nói mới 2 năm nay và tôi đến từ Việt Nam. Chỉ nghe đến vậy, ông giận dữ quát to: “Mày ra khỏi nhà tao ngay”. Tôi ấp úng: “Nhưng ông đang trong nhà tắm… “. “Không! Ra ngay, ra ngay…” . Tôi để ông trên ghế tắm, khoác cái áo choàng cho ông và đi ra gọi điện báo về văn phòng. Họ bảo tôi cứ yên tâm ra về, họ sẽ cử người đến làm tiếp và an ủi tôi: “Đừng coi đó là chuyện của riêng chị”.

Tôi cảm thấy tủi thân, trào nước mắt. Tôi mới từ Việt Nam qua với tâm trạng tuy mình còn kém tiếng Anh thì người Việt Nam cũng “nổi tiếng anh hùng, dũng cảm, thông minh, sáng tạo…”.  Mình chẳng có tội tình gì với ông ấy, tôi đến để chăm sóc ông, và tôi cũng tự đánh giá mình là người tử tế. Nhưng tại sao lại bị đối xử như vậy? Chẳng lẽ chỉ vì tôi là người Việt?

images668204_thuy

Câu chuyện xảy ra của 15 năm trước, và sau đó, làm nghề chăm sóc người bệnh với các vị trí khác nhau, tôi thực sự hiểu thêm rằng chuyện như vậy không phải của riêng tôi. Tôi không có cơ hội để hỏi về câu chuyện của riêng ông, chỉ đoán mò rằng đã có một người Việt nào đó làm ông rất phiền lòng, làm ông ghét tất cả người Việt. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, tôi tiếc là ông ấy đã chẳng cho tôi một cơ hội xin lỗi ông thay cho người đồng hương không biết mặt của tôi.

Hồi đi học cử nhân điều dưỡng, tôi có nhiều bạn bè từ các nước châu Á. Một người bạn từ Hong Kong cứ thấy tôi là túm lấy kể: “Tôi ở chung trong ký túc xá với một sinh viên Việt Nam, đồng hương của chị mà sao nó ích kỷ và bẩn thỉu thế. Bếp chung mà nó không bao giờ dọn dẹp sau khi nấu. Nó chẳng chịu dọn phòng, đồ đạc quần áo vứt bừa bãi hôi hám không chịu nổi…”. Tôi đã giải thích rằng, giống như người Hong Kong các bạn, người Việt có người tốt người xấu, rằng chắc anh này ở nhà được chiều chuộng không biết làm gì và cũng chẳng biết quan tâm đến ai xung quanh… Cậu bạn này làm tôi mệt mỏi đến nỗi tôi phải tránh vì sự phàn nàn vô tận của cậu.

Khi làm điều dưỡng, tôi có cơ hội làm trong các nhà tạm giam và nhà tù ở Nam Úc. Nhà tạm giam cho những người bị buộc tội chuẩn bị ra tòa. Chúng tôi phát thuốc, chủ yếu là thuốc điều trị thay thế cho người nghiện ma túy. Thấy một số người Việt ở đó, trẻ trung, có sức khỏe, nói tiếng Anh lưu loát thú thực tôi cảm thấy xấu hổ. Khi có thời gian rảnh, tôi tìm kệ hồ sơ sức khỏe của họ chỉ để nhìn những cái tên Việt thật gần gũi mà xa lạ, và hiểu họ phải vào đây chủ yếu vì nghiện ngập, phạm pháp.

Thực ra sau mỗi chuyện buồn như thế đã giúp tôi nhiều lắm. Từ chỗ chưa hiểu vị thế của mình trong lòng nhiều người dân ở xứ người, tôi đã mở to mắt ra nhìn lại mình mà tìm cách thay đổi: học hỏi, sống chan hòa, làm việc tận tâm, và thậm chí, làm vườn cho thật đẹp để họ nhìn và nói rằng người Việt yêu thiên nhiên và sạch sẽ. Tôi hiểu ra rằng mỗi người Việt là bộ mặt của đất nước mình. Là người Việt thì ai cũng có sứ mạng như vậy, dù ở đâu trên trái đất này, ở nước ngoài hay ở Việt Nam, dù là công nhân, nông dân hay quan chức, công chức. Mình thật thà tử tế, làm việc nghiêm túc, biết chịu trách nhiệm và biết quan tâm đến người khác thì người ta bảo người Việt tốt. Mình ăn cắp, tìm cách lừa hệ thống quản lý xã hội thì người ta bảo là người Việt ăn cắp. Mình xả rác bẩn, không dọn dẹp, bất tuân luật lệ thì người ta bảo người Việt ở bẩn, chẳng phân biệt là dân miền Nam, miền Bắc hay miền Trung.

Khi tôi đang hoàn thiện bài viết này, báo chí lại thông tin có hai du khách Việt trộm đồ ở Thụy Sĩ. Tôi ước gì không còn đọc được những tin như thế này nữa. Không nhất thiết phải giàu có, đẹp đẽ mới có thể thành người sạch sẽ và tử tế. Có lẽ mỗi ngày tôi và các bạn nên nhìn thẳng vào tấm gương thực (chứ không phải những tấm gương nịnh mặt) để thấy những vết nhọ của mình. Chúng ta cùng tẩy rửa để cuộc sống của ta an vui hơn, để tự hào rằng mình là người Việt Nam bạn nhé.

Nguyễn Thị Nhuận (Theo VnExpress)