Sự vô tình hay thói quen hô hào
Tôi lội ra bãi sú ở Bến tàu không số, điểm đầu của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Có lẽ ít có khách du lịch nào đến một vùng biển mà lội ra bãi sú vẹt, lầy lội và đầy hà bám. Bản thân những cây sú, thấp lè tè bên bờ biển, cũng chẳng có gì đủ hấp dẫn, như là sen Hồ Tây, là Cẩm Tú Cầu trên núi Bà Nà, thậm chí chẳng hấp dẫn bằng muống biển, để người ta chú ý đến và muốn chụp ảnh cùng.
Chúng tôi chụp ảnh cùng những cây sú đang nở hoa. Rồi nhận ra rằng chúng cũng thật đẹp. Những cái cây sống trong nước mặn, đứng đầu bão gió, mà vẫn nở đầy những chùm hoa trắng như sao.
Hôm qua, một đồng nghiệp của tôi chia sẻ trên Facebook suy nghĩ của anh về những cái cây cổ thụ bị đốn hạ để xây ga metro ở trước Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh. Người ta thương khóc cho chúng quá nhiều. Nhưng anh hỏi rằng, nếu như chúng không phải là những cái cây mọc lên ở giữa thành phố Hồ Chí Minh, lọt vào “mắt xanh” của bao nhiêu trí thức, tinh hoa ở mảnh đất này, thì chúng có được than khóc nhiều như thế. Nếu nó là một cái cây cổ thụ ở một tỉnh xa, một vùng miền núi nào đó thì sao?
Những cái cây cổ thụ bị đốn hạ để xây ga tàu điện ngầm, có thể gợi ra một vài bài toán về quy hoạch đô thị. Cộng với việc người ta sẽ phải di dời cả những tượng đài, thì câu chuyện ở đây có thể là một sự bất lực trong việc bảo tồn các không gian văn hóa trong tiến trình hiện đại hóa đô thị. Ở bất kỳ đô thị lớn nào trên thế giới, bạn có thể dễ dàng nhận ra công thức chung, dân cư được đẩy ra vùng biên, và hệ thống công trình dân sinh sẽ được xây mới bên rìa phố cũ, những không gian văn hóa, dù chỉ thuộc về ký ức, cũng sẽ cố gắng được bảo tồn. Việc giãn dân ở các đô thị lớn của nước ta, từ lâu đã không thành.
Đó có thể là một nỗi niềm chính đáng. Nhưng nó vẫn khiến tôi không ngừng nghĩ đến những cây sú và tôi không biết có bao nhiêu người biết được thông tin này: trong 3 thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn biến mất nhanh gấp 3 lần diện tích rừng trên cạn.
Những cây sú nhỏ bé không đập vào “mắt xanh” của nhiều người có tiếng nói. Chúng cứ sống lay lắt bên những bờ biển và âm thầm che chắn con người khỏi những cơn sóng. Tất nhiên là chúng ta cũng có chính sách trồng rừng phòng hộ ven biển, nhưng cũng có những khi, một vài héc-ta rừng ngập mặn được “hô biến” thành đầm nuôi tôm, như vụ việc năm ngoái xảy ra ở Tiên Lãng. Quãng năm 2002-2003, ở Thái Bình và Nam Định, thậm chí diện tích rừng ngập mặn bị phá để làm đầm tôm, lên đến cả trăm héc-ta.
Khi chúng ta đang khóc cho những cây cổ thụ ở TP HCM, khi chúng ta hô hào cùng “ủng hộ” người dân ven biển, hướng tới biển đảo quê hương, khi chúng ta tỏ ra xót thương sau sự tàn phá của những cơn bão, tôi không biết có bao nhiêu người biết đến số phận của những cây sú, cây bần – những cái cây chắn bão.
Và tất nhiên, cả trong những khu rừng trên cạn, cũng có bao nhiêu cái cây trăm năm đã biến mất mà không được ai nhớ đến. Vì chúng không ở trung tâm thành phố.
Chuyện cũng giống như khi một người nổi tiếng qua đời, người ta đồng loạt tiếc thương. Nhưng hàng nghìn sinh mạng khác ở một quốc gia nhỏ bé nào khác biến mất, thì không ai nhớ đến. Và sẽ có người cãi tôi: cái người nổi tiếng kia có đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Khi chúng ta thương xót những cái cây ở trung tâm thành phố (một niềm thương xót chính đáng, như tôi đã nói), tôi vẫn muốn hỏi mọi người rằng: có bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng có một quỹ gọi là “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” đã được phát động từ lâu?
Nếu bạn thử một lần lội ra bãi sú, rồi thử một lần chụp ảnh với chúng như bạn vẫn hay chụp ảnh ở đường hoa Nguyễn Huệ mỗi xuân về, bạn sẽ nhận ra rằng nở hoa được ở nơi ấy, là một kỳ công. Bạn sẽ nhận ra rằng cây sú cũng một linh hồn, cương nghị, nhưng vẫn cần chở che.
Đức Hoàng