Những người liều mạng
Ở sảnh của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đang có một triển lãm mang tên “Cuộc sống của tôi – Câu chuyện của tôi”. Đó là những bức ảnh do chính người lao động di cư chụp về cuộc sống của người lao động di cư.
Những mảnh hiện thực trong nhà máy, xóm trọ, trên hè phố hay thậm chí bên thùng rác được mô tả rất chân phương qua ống kính nghiệp dư của người lao động.
Trước khi triển lãm, bên tổ chức có gửi cho tôi một vài bức ảnh để nhờ góp ý. Những bức ảnh, bản thân chúng vốn đã rất giá trị rồi, bởi nó là thế giới quan của chính những lao động di cư. Nhưng họ – phần lớn là lao động phổ thông – không có đủ ngôn từ để diễn tả chính vấn đề của mình. Tôi viết chú giải cho mỗi bức ảnh.
Bạn tôi, một nhiếp ảnh gia đi làm giám khảo để chấm ảnh ở triển lãm này. Giải nhất được chọn là một bức ảnh hai chị bán cá vàng rong đang chia nhau một chiếc bánh mì trên hè phố.
Lúc trao giải, anh thắc mắc là sao “chú thích của cái ảnh này nghe giọng quen thế”. Vâng, đúng là tôi đã viết dưới tấm ảnh ấy, rằng chiếc bánh mì được chia nhau trên hè phố kia, dường như chính là biểu tượng cho cuộc sống của những lao động di cư tự do ấy: thu nhập không ổn định, nhiều rủi ro, bữa no bữa đói…
Chuyện buồn và buồn cười, bởi vì rốt cục triển lãm dành cho những người lao động, nhưng chúng tôi, từ cây viết, nhiếp ảnh gia, cho đến nhà tổ chức, đã tự phải nói thay cho người lao động di cư từ nông thôn. Một người đô thị viết chú thích, một nhóm người đô thị khác triển lãm, một người đô thị khác nữa chấm giải. Cho dù hình ảnh ấy, vốn thuộc về những người lao động.
Vấn đề người lao động di cư từ nông thôn lên thành thị, không ý thức được vấn đề của mình, từ quyền, trách nhiệm cho đến rủi ro, là điều đã cũ. Đã có nhiều dự án mong muốn giải quyết vấn đề ấy, từ tư vấn pháp luật cho đến sức khỏe.
Nhưng những nỗ lực ấy khó mà đủ được. Rất khó để họ, những con người vừa rời đồng ruộng, lên thành phố với mong muốn duy nhất là kiếm thêm thu nhập, và để có thu nhập họ, thậm chí sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ kể cả sức khỏe và an toàn tính mạng. Họ cần thêm thu nhập để nuôi thân, cho con cái đi học, hay với nhiều người trẻ, là chu cấp cho gia đình ở quê.
Ở sảnh của Bảo tàng Phụ nữ, tôi đứng trước những bức ảnh ấy, và nhớ một người bạn, anh Nguyễn Quang Thạch. Anh đã đi khắp Việt Nam để vận động xây tủ sách ở nông thôn. Nếu như người nông thôn có thêm sách, thêm kiến thức, có thể những lựa chọn sẽ nhiều hơn, họ sẽ không phải bỏ đồng ruộng mà đi hay bỏ đi với một tư thế khác, biết đâu đấy. Hoặc ít nhất, họ có thể tự nói lên vấn đề của mình, chứ không cần tôi phải mớm lời, viết thay chú thích.
Ở sảnh của Bảo tàng Phụ nữ, tôi nhớ đến một người lao động di cư tuổi trung tuần, đã ngủ lay lắt trong những góc tối bệnh viện của Hà Nội suốt 10 năm. Ông kể, cả làng đi hết rồi. Đi đến cái mức mà sợ bây giờ trong làng có người già qua đời, không còn ai mà đào huyệt, khiêng quan tài. Câu ấy nghe ám ảnh.
Tôi đứng đấy, trước khuôn mặt của những người lao động di cư, và nghĩ rằng để giải quyết bài toán của những cô hàng rong đang chia nhau nửa ổ bánh mì kia, nó cần được giải quyết từ nơi họ đã ra đi. Làm sao có ruộng có đất, có làng xóm, để khỏi phải bỏ đi trong một cuộc di cư đầy rủi ro, kiến thức không, trình độ không, chỉ có tấm thân để đánh đổi?
Câu hỏi hôm nay, trước cuộc sống bấp bênh của nhiều lao động di cư, không phải là chúng ta cần làm gì khi họ đã di cư. Lúc đó thì họ đã chấp nhận “liều mạng” với đô thị rồi.
Câu hỏi đúng phải là tại sao họ phải bỏ làng quê ra đi, câu hỏi đúng phải là chúng ta đã làm gì với nông thôn? Tôi – một thanh niên đô thị thờ ơ – thậm chí không thể tưởng tượng được rằng có những ngôi làng, mà người già qua đời sợ không có ai làm đám.
Đức Hoàng (Theo VnExpress)