Xã hội - giải trí

Khổ vì văcxin

Đăng bởi: hangnt | 31/12/2015
Tối muộn ngày 24/12, một phụ huynh đăng thông báo tuyển người “xếp hàng, lấy số tiêm văcxin cho con từ khoảng 3h30 – 4h sáng”. Người này khẳng định đây là việc hoàn toàn nghiêm túc và hứa trả công 250 nghìn đồng cho người xếp hàng.

Tôi biết phụ huynh này cũng như hàng nghìn ông bố, bà mẹ khác đã hoàn toàn nghiêm túc khi chen lấn trong đêm Noel mưa gió để giành giật cho con mình một liều Pentaxim. Bởi bệnh tật là nỗi sợ hiện hữu. Thế hệ tôi trở về trước đã chứng kiến không biết bao nhiêu bệnh nhân bị bại liệt, còn thế hệ sau tôi thì chứng kiến không ít em bé bị biến dạng do mẹ nhiễm Rubella trong thời kỳ mang thai… Làm sao có thể không sợ khi có không ít thời điểm, loài người đã rơi vào cơn tuyệt vọng. Nhưng khi văcxin ra đời, nó đã cứu sống những bệnh nhân có nguy cơ bị dịch bệnh giết chết.

Bởi thế mà trong ba thập kỷ, kể từ năm 1985, chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đã phủ kín 100% xã phường trong cả nước. Thành công đó đã được thế giới ghi nhận. Nhờ có tiêm chủng, một số dịch bệnh bị tiêu diệt, trẻ em khỏe mạnh do tăng sức đề kháng, nhiều căn bệnh nghiêm trọng cũng trở nên nhẹ đi.

Vậy tại sao hôm nay người dân lại khổ với văcxin như vậy? Tôi cho rằng, vì người dân thiếu thông tin. Chính xác hơn, những thông tin tiêu cực về phản ứng phụ của Quinvaxem đã lấn át thông tin tích cực về tác dụng chính của loại vacxin đang được Việt Nam sử dụng vào chương trình Tiêm chủng mở rộng này.

tiem1_ecfi

Dịch sởi năm 2014 đã giết chết hàng trăm trẻ, sởi chỉ thực sự dập tắt khi các bà mẹ đồng loạt đưa con đi tiêm phòng, đó chính là tiếng chuông đánh thức thảm họa dịch bệnh. Sau bài học sởi, Quinvaxem lại bị mất uy tín bởi những ca tai biến. Sau cái chết của 43 trẻ liên quan đến tiêm Quinvaxem, những thông tin không đầy đủ đã gây nhiễu, bất chấp cảnh báo của WHO trong tháng 6/2013, người ta lại tẩy chay tiêm loại văcxin này.

Một lần nữa, tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng của những ông bố bà mẹ tẩy chay Quinvaxem để đổ xô đi tiêm Pentaxim. Ai cũng biết vacxin có tác dụng với sức khỏe cộng đồng, ngăn chặn bệnh truyền nhiễm; nhưng khi con cái chúng ta phải đối mặt với nguy cơ tử vong, với tác dụng phụ nghiêm trọng, hay những biến chứng lâu dài do tiêm văcxin, thì không ai có thể tránh khỏi sợ hãi. Nhất là khi không phải ai cũng có đủ trình độ, đủ thông tin để tiếp cận văcxin với cái nhìn đầy đủ nhất.

Sự thực thì, văcxin cũng giống các loại thuốc khác, khi tiêm vào cơ thể sẽ có những phản ứng phụ, gây tai biến, thậm chí là tử vong.

Ví dụ, thời gian qua, một số người mang con sang Singapore để được tiêm văcxin 6 trong 1 Infanrix Hexa. Đây là loại văcxin tiêm phòng phổ biến ở Italy, nhưng vừa bị tòa án Italy yêu cầu nhà sản xuất công bố độ an toàn. Theo kết quả công bố, trong 12 năm, Italy thực hiện 15 triệu mũi tiêm, đã có 63 trẻ tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày (trung bình 4,2 trẻ tử vong/1 triệu mũi tiêm). Một nghiên cứu khác cũng ở Italy, thống kê số trẻ chết đột ngột chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm văcxin (gồm hai loại vacxin 6 trong 1 có tên Infanrix Hexa và Hexavac, cùng các mũi rời khác). Kết quả có 52 trẻ tử vong trong 14 ngày sau tiêm (trung bình 14 trẻ tử vong/1 triệu trẻ tiêm).

Việt Nam thực thiện tiêm chủng văcxin Quinvaxem bắt đầu từ tháng 10/2010. Theo ước tính tạm thời, đến nay có khoảng 25 triệu mũi tiêm, số trẻ tử vong là 63 (tạm tính trung bình 2,5 trẻ tử vong/1 triệu mũi tiêm).

Không khó để tìm kiếm những con số thống kê như vậy, nhưng tất cả chưa thể phản ánh được tính an toàn của Quinvaxem vượt trội hay kém hơn Infanrix Hexa mà Singapore, Italy và Đức đang tiêm phổ biến. Quinvaxem cũng chưa thể so sánh được với Pentaxim mới nhập về Việt Nam. Bởi trong nghiên cứu văcxin, phương pháp luận khoa học dù có công phu đến mấy vẫn cứ luôn nghèo nàn, do quy mô nghiên cứu quá nhỏ, thời gian nghiên cứu quá ngắn, phạm vi nghiên cứu quá hạn chế trong các quần thể đại diện.

Một loại văcxin chỉ thực sự an toàn khi chính văcxin đó không bao giờ sử dụng.

Trong điều kiện trước đây của đất nước ta, thì chương trình Tiêm chủng miễn phí đứng hẳn về phía người nghèo là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng ở hiện tại, nếu chỉ sử dụng Quinvaxem để tiêm chủng miễn phí, mà không tạo được môi trường đa dạng hóa nhiều loại văcxin dịch vụ để người dân có quyền lựa chọn như ở các nước phát triển đang làm, thì đó là một sự thiếu sót.

Để xây dựng chính sách văcxin có thể được chấp nhận cả về đạo đức cũng như pháp lý, theo tôi chính sách ấy phải dựa trên hiệu quả về sức khỏe cộng đồng với những căn cứ khoa học xác đáng, chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Vacxin cực kỳ nhạy cảm, nó dễ bị chi phối bới những xung đột kinh tế, nguy cơ hàng tỷ USD doanh thu chảy từ túi người nghèo sang thế giới người giàu. Để cộng đồng không phải trả giá đắt trong tương lai, rất cần những người hoạch định chính sách văcxin có trái tim thật nóng nhưng cái đầu phải thật lạnh.

Tôi cho rằng, để khắc phục cuộc khủng hoảng văcxin mang tên Quinvaxem, ngoài việc ngành y tế cố gắng đàm phán với đối tác để sớm cung cấp nguồn văcxin dịch vụ đa dạng, thì cần thiết phải công khai minh bạch về văcxin và cung cấp đầy đủ thông tin thiết yếu để người dân hiểu biết về tiêm chủng.

Nếu chúng ta vẫn còn tiếp cận vô trách nhiệm với vấn đề tiêm phòng, thì hình ảnh những ông bố bà mẹ bấn loạn khi nghe tin có văcxin dịch vụ mới chỉ là cảnh mở đầu trong kịch bản đe dọa sự sống an toàn.

Trần Văn Phúc (Theo VnExpress)