TPP ơi!
Khoảng đầu tháng hai tới, ngay trước dịp Tết Bính Thân, đại diện 12 quốc gia trong đó có Việt Nam và 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Nhật sẽ tới Auckland, New Zealand để ký thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership hay TPP), khép lại tiến trình đàm phán kéo dài từ năm 2008 và kết thúc bằng một vòng thương thảo marathon thâu đêm.
Các nước thành viên sẽ có hai năm để phê chuẩn TPP. Nó chỉ có hiệu lực sau khi số nước phê chuẩn có GDP cộng dồn lớn hơn 80% tổng của toàn khối. Quy tắc này đồng nghĩa với việc nếu không vượt qua cửa ải quốc hội của một trong hai nước Mỹ hoặc Nhật, TPP sẽ giải tán. Ngược lại, nếu cả 12 thành viên đều thực thi thỏa thuận, thì TPP sẽ trở thành một nền kinh tế tích hợp có quy mô chiếm tới 40% GDP toàn cầu.
“TPP là gì?”, các định nghĩa tiêu cực về TPP. Nguồn: humortimes
Mặc dù được chính phủ và đại diện của các bên tham gia tán dương là hiệp định tự do thương mại có tính bao quát và toàn diện nhất trong cả một thế hệ nhưng TPP cũng nhận được không ít hoài nghi, ngờ vực và phê phán cả trước và sau khi nội dung đầy đủ của nó được công bố. Sự chỉ trích đến từ các nghiệp đoàn, những nhà vận động và chuyên gia, các chính khách và chính đảng cũng như một bộ phận người dân. Anh T., thành viên phái đoàn Việt Nam và là bạn học hồi phổ thông của tôi, kể lại một câu chuyện thú vị về những hoạt động phản đối này. Trong một vòng đàm phán diễn ra tại Mỹ, những người chống TPP đã tìm cách đột nhập vào địa điểm họp và thay tất cả các cuộn giấy vệ sinh trong toilet bằng loại có in một loạt những định nghĩa tiêu cực và hài hước chế từ cụm viết tắt TPP.
Quá trình thương thảo diễn ra trong vòng bí mật, nội dung không được tiết lộ ngoại trừ một vài chương dự thảo riêng lẻ được tuồn lên WikiLeaks càng làm tăng vẻ “ám muội” của TPP. Công luận các nước chỉ được biết toàn văn thỏa thuận sau khi mọi chuyện đã an bài và quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu Yes or No mà không được quyền sửa đổi. Nhiều người cho rằng nhân danh tự do thương mại, quyền lợi của số đông người lao động sẽ bị hy sinh vì lợi ích của giới doanh nghiệp. Nhưng biết đâu nếu công khai từ đầu, những áp lực và chỉ trích trong nước sẽ khiến cho các nhà dàm phán không còn không gian hay khả năng để thỏa hiệp và TPP sẽ không thể đến đích.
Tất cả đều muốn đạt được thỏa thuận. Các bên đều hiểu rằng bất luận kết quả cuối cùng ra sao, chắc chắn sẽ không bên nào có được mọi thứ mình muốn. Nhưng “done deal is good deal”. Trong thời đại toàn cầu hóa, cái giá phải trả khi tham tham gia vào khối thương mại với luật chơi chung chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đứng ngoài.
Giờ thì mọi vấn đề đã chốt xong và chúng ta có thể đọc toàn văn TPP trên web site của Bộ Thương mại tại địa chỉ http://tpp.moit.gov.vn/.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, đảng Dân chủ Mỹ thất bại và đánh mất vị thế đa số trong cả thượng viện và hạ viện. Cay đắng thừa nhận đảng của ông đã “thua lấm lưng trắng bụng”, song tổng thống Obama đã nhanh chóng tận dụng sự thuận lợi từ quốc hội mới nằm trong tay đảng Cộng hòa vốn có truyền thống ủng hộ tự do thương mại để đẩy nhanh đàm phán TPP. Theo một nghĩa nào đó, Obama đã ly khai về quan điểm kinh tế với các đồng chí của mình, những người vốn có tư tưởng bảo hộ, để đạt được một mục tiêu quan trọng trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ cuối của ông.
Với Mỹ, TPP cụ thể hóa và giữ một vai trò nòng cốt trong chiến lược xoay trục về Đông Á của chính quyền Obama.
Dù được xem không phải là một động thái chống Trung Quốc, TPP có vai trò quan trọng để giúp Mỹ cân bằng lại ảnh hưởng của mình tại khu vực kinh tế năng động này sau một thời gian thiếu sự hiện diện vì bị hút vào hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Còn theo anh T., nội dung của nhiều điều khoản trong thỏa thuận TPP cài cắm các yêu cầu mà mô hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc khó có thể tuân thủ nếu họ có ý định gia nhập.
Với các nước khác, tham gia TPP đồng nghĩa với việc có được một thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ. Ai cũng muốn có một nền tảng giao thương thuận lợi với nền kinh tế và thị trường có quy mô lớn nhất thế giới này. Thực tế, cũng chỉ sau khi Mỹ bắt đầu việc đàm phán với nhóm P4, tiền thân của TPP, thì các nước khác trong đó có Việt Nam mới lên tàu.
Nếu không tham gia TPP, sẽ rất khó để Việt Nam và Mỹ đàm phán và đạt được FTA song phương.
Ngay cả với Nhật Bản, quốc gia mà Việt Nam đã có tới hai FTA lận lưng, một song phương và một qua khối ASEAN thì TPP vẫn có những giá trị riêng. Những điều khoản nào của hai FTA trước xung đột với TPP sẽ bị mất giá trị, còn những điều khoản cởi mở hơn thì được sử dụng.
Vậy TPP là gì?
Với tôi, TPP là làm ăn với Mỹ theo kiểu của Mỹ.
Theo nhà kinh tế học được giải Nobel Joseph Stiglitz, TPP không phải là tự do thương mại. Đúng hơn nó tập trung vào việc quản lý các hoạt động thương mại sao cho có lợi cho doanh nghiệp.
Nhìn theo một phương diện nào đó thì luận điểm của Stiglitz là logic. Vào thời buổi mà các FTA thế hệ cũ đã xếp thành chồng thì những FTA đời mới như TPP sẽ ít để tâm đến việc cắt giảm các mức thuế vốn đã thấp sẵn (phần cứng) mà sẽ chú trọng vào việc quy chuẩn các luật lệ giao thương trong phạm vi xuyên quốc gia (phần mềm) nhằm tạo ra sân chơi lớn với luật chơi thiên vị snhững ông lớn.
Tinh thần chủ đạo của TPP là các quốc gia phải đảm bảo rằng chính sách họ áp dụng cho doanh nghiệp và sản phẩm đến từ các nước thành viên khác phải giống với những gì mà họ giành cho các thực thể nội địa. Bên cạnh đó, luật lệ địa phương cũng phải tương thích với những luật chơi chung. Nhà đầu tư nước ngoài có quyền khiếu nại với tổ chức trọng tài UNCITRAL của Liên Hiệp Quốc hay ICSID của World Bank để giải quyết tranh chấp với một quốc gia mà ở đó lợi ích của mình bị các quy định của nước sở tại được cho là không nhất quán với thỏa thuận TPP làm phương hại. Liệu cơ chế doanh nghiệp kiện nhà nước của TPP có trở thành con ngựa thành Troy với một quốc gia có nền luật pháp chưa hoàn thiện và chính sách kinh tế còn nhiều bất cập như Việt Nam hay không?
Việt Nam sẽ phải sửa đổi hoặc bổ sung nhiều luật lệ liên quan, tham gia thêm một số công ước quốc tế để đáp ứng việc tuân thủ những cam kết của TPP. Sẽ bớt lệ làng. Đơn giản ngay cách diễn giải và trừng phạt những hành vi gian lận thương mại cũng sẽ phải đồng bộ theo những quy tắc chung. Ví dụ giờ có ai đó bán một chiếc đồng hồ Rolex hàng fake giá 5 triệu thì vi phạm của họ sẽ không phải là 5 triệu mà được quy thành 100 triệu là giá tiền của chiếc đồng hồ Rolex xịn tương ứng.
Mặc dù TPP sẽ cắt giảm hoặc hủy bỏ hầu hết các loại thuế đánh vào hàng hóa lưu thông giữa các nước thành viên nhưng mỗi quốc gia trong quá trình mặc cả và thỏa hiệp đều có gắng duy trì phần nào sự bảo hộ của mình cho thị trường nội địa, đặc biệt với một số chủng loại hàng hóa cụ thể. Hai biện pháp được áp dụng chính là hạn ngạch (giới hạn số lượng hàng hóa nhập khẩu nhận được ưu đãi như trong nước) và lộ trình (kéo dài thời gian thực thi cam kết). Chẳng hạn tương lai, một chiếc xe hơi Nhật Bản nhập khẩu vào Mỹ sẽ không bị đánh thuế nhưng quá trình cắt giảm từ mức 2.5% hiện thời sẽ kéo dài tới 20 năm (mỗi năm chỉ giảm 0.15%). Việt Nam sẽ quy định hạn ngạch cho 4 loại hàng hóa là đường, muối, trứng gia cầm và ô tô cũ.
Với việc tham gia TPP, có thể nói nền kinh tế và Việt Nam giống như được hưởng gió mậu dịch xuôi chiều trong một hình thái thời tiết thuận lợi. Nhưng việc chuẩn bị cho con tầu và thủy thủ đoàn, chọn lựa những hàng hóa chất lên, thông hiểu các tuyến đường biển trước khi căng buồm rời bến mới là những gì đảm bảo cho một chuyến hải trình thành công.
Chưa thể nói chính xác Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội nào từ TPP. Sản phẩm nào sẽ làm nên chuyện như con cá basa sau khi chúng ta gia nhập WTO và ký BTA với Mỹ năm 2001. Nhưng ngay cả khi cửa vào những thị trường màu mỡ như Mỹ, Úc hay Canada được mở rộng thì rào cản lớn nhất với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là nông sản hay thực phẩm, vẫn là vượt qua những tiêu chuẩn kiểm định về vệ sinh và an toàn. Họ sẽ không chỉ quan tâm đến chất lượng mà cả quy trình chúng ta làm ra những sản phẩm này.
Doanh nghiệp Mỹ tiếp tục chở “việc làm” lên đường sang các thị trường lao động mới rẻ hơn tại Đông Nam Á, để lại sau lưng các trung tâm sản xuất bị đóng cửa tại Bắc Mỹ. Nguồn: otherwords.org
Hoặc có thể các doanh nghiệp nước ngoài sẽ triển khai hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nơi có nguồn nhân công giá rẻ và nhiều ưu đãi đầu tư để từ đó xuất sang Mỹ hay các thị trường khác trong TPP. Nhưng đây không nên là lợi thế cạnh tranh lâu dài. Nhất là khi các nước khác trong ASEAN như Thái Lan, Philippines hay Indonesia cũng sẽ tham gia TPP trong những năm tới.
Thỏa thuận TPP có hai chương liên quan nhiều hơn đến ngành công nghệ thông tin là chương 14 — Thương mại điện tử và chương 18 — Sở hữu trí tuệ. Với hoạt động thương mại điện tử, có hai điểm đáng chú ý là một thành viên không được phân biệt đối xử các sản phẩm số có xuất xứ từ thành viên khác (trừ phát thanh truyền hình). Chúng sẽ được hưởng cùng ưu đãi như các sản phẩm số sản xuất trong nước. Chính phủ cũng không được đánh thuế hải quan cho dữ liệu chuyển tải giữa hai thực thể trong và ngoài nước. Phải chăng những dịch vụ tính phí như NetFlix hay game online phát hành tại nước ngoài sẽ có lợi nhờ điều khoản này? Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Hàng dệt may của một công ty có thể sẽ gặp rủi ro không thể xuất sang Mỹ nếu bị phát hiện chúng được thiết kế bằng một phần mềm không mua bản quyền.
Có một sự trùng hợp là cả ba thị trường trọng điểm hiện tại của Tinhvan Outsourcing là Mỹ, Nhật Bản và Singapore đều là các quốc gia trong TPP. Với việc xác lập Go global là một trong ba chiến lược phát triển của Tinh Vân trong 5 năm tới, chắc chắn TPP sẽ là toán tử cộng, dù số hạng đằng sau đang là ẩn số. Và chúng ta cần giải bài toán này.
Phạm Thúc Trương Lương