Xã hội - giải trí

Nếu yêu thì phải cháy

Đăng bởi: hangnt | 21/3/2016
“Childhood’s End” (Kết thúc ấu thơ) – bộ phim truyền hình viễn tưởng của Mỹ – vẽ ra viễn cảnh nhân loại bị người ngoài hành tinh sử dụng những cỗ máy tối tân để quản thúc. Những sứ giả mà người ngoài hành tinh chọn để truyền đi thông điệp của họ, chính là những người có ý nghĩa nhất với mỗi người, mỗi cộng đồng.

Con người trên khắp thế giới, bàng hoàng khi thấy cha, ông, vợ chồng, con cái, và cả những người nổi tiếng… tất cả đều đã chết, bỗng trở lại như bằng xương bằng thịt và nói với toàn nhân loại: Đừng sợ, chúng tôi đến để giúp đỡ. Sẽ không còn nước mắt, chỉ còn lại hạnh phúc và an toàn.

Tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh mang tính biểu tượng ấy của các nhà làm phim. Tại sao sứ giả lại là những người đã khuất? Tại sao lại là những người cha, người vợ, người con, thậm chí là mẹ Teresa? Và rồi tôi nhớ đến lời của Tăng Tử: “Điểu chi thương tử, kỳ minh dã ai/ Nhân chi thương tử, kỳ ngôn dã thiện”. Nghĩa là “Con chim sắp chết hót tiếng bi thương/ Người sắp qua đời, nói lời chân thiện”. Nhân loại là như vậy, chỉ đến khi đối diện với sinh ly tử biệt, mới nhìn ra giá trị của nhau, mới muốn lắng nghe nhau.

Tuần qua, hai người nổi tiếng của làng sáng tác nhạc Việt Nam qua đời: Nhạc sĩ Thanh Tùng và nhạc sĩ – ca sĩ Trần Lập. Một lần nữa, sự thương tiếc ngập tràn xã hội. Tôi nói một lần nữa, bởi vì trước Thanh Tùng, Trần Lập, chúng ta từng rơi nước mắt nhiều lần cho những người không quen mà chỉ biết, như là đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, hay xa hơn trước đó là Lê Công Tuấn Anh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Tôi tin vào tất cả những giọt nước mắt, những lời thương tiếc hôm nay. Nhưng tôi tự hỏi, trong vô vàn ngọn nến nguyện cầu mà chúng ta thắp lên, có ngọn nến nào cháy cho đến ngày kia. Tức là vượt qua nỗi tiếc thương của hôm qua, hôm nay, mà truyền đi một giá trị mang tính truyền nối, dù là nhỏ bé thôi, nhưng hữu ích. Tôi nghĩ, đó cũng là thông điệp mà Trần Lập muốn gửi gắm, khi liveshow cuối cùng của anh được đặt tên “Đôi bàn tay thắp lửa”. Trong suốt một tháng, cộng đồng mạng đã lan tỏa logo hình đôi tay cách điệu thành ngọn lửa cháy, truyền đi một nguồn năng lượng tích cực, khao khát sống, khao khát cống hiến.

ava

“Tôi mong Trần Lập hoặc ai đó, tổ chức nào đó, bằng uy tín của mình có thể thắp lên ngọn lửa, lập nên những quỹ ngăn chặn căn bệnh ung thư, tài trợ hoặc tự đứng ra thực hiện những chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố các kết quả điều tra độc lập, tạo sức ép với các nhà sản xuất buộc họ phải tuân thủ các quy định, không gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng” – một đồng nghiệp của tôi đã viết như vậy, hồi tháng 1, khi Trần Lập mới biết mình bị ung thư. Quả thực, trong những ngày cuối cùng của mình, Trần Lập đã cố gắng thành lập một quỹ chống ung thư mang tên anh. Rất tiếc, căn bệnh hiểm nghèo hạ gục anh quá nhanh, nên ước nguyện ý nghĩa ấy đã không kịp thực hiện. Bây giờ một số cơ quan và bạn bè đang có ý định tiếp tục hiện thực hóa di nguyện của Trần Lập. Nếu thành hiện thực, đó sẽ là một hành động tưởng nhớ hữu ích, và ngọn đuốc nhiệt thành của rocker Trần Lập sẽ tiếp tục cháy trong trái tim cộng đồng.

Nhưng tôi nghĩ, sự thắp lửa không chỉ có thế, không nhất định phải là gì to tát hay cụ thể. Khao khát sống và yêu lấy cuộc sống này, từng ngày đều trân trọng, đó chẳng phải là những “kỳ ngôn dã thiện” mà những người đã khuất nhắn gửi chúng ta hay sao? Chống lại căn bệnh ung thư, đó là một cuộc chiến cụ thể. Chống lại sự trì trệ, buồn nản, mất phương hướng và ý nghĩa cuộc sống, đó là một cuộc chiến cam go hơn rất nhiều, mà cả một thế hệ đang phải đối mặt. Và những người như Trần Lập, cùng thứ âm nhạc khỏe khoắn tích cực của anh, là những chiến binh quá hiếm hoi. Theo một điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam đối với hơn 10.000 người trong nhóm tuổi này, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống. Cuộc điều tra ấy tiến hành năm 2010. Cũng năm ấy, ban nhạc Bức Tường tái hợp, và nhóm lại ngọn lửa rock trong giới trẻ.

Suốt những ngày qua, đi đâu tôi cũng nghe thấy ký ức. Những “Giọt nắng bên thềm”, “Hoa tím ngoài sân” của nhạc sĩ Thanh Tùng, rồi “Mắt đen”, “Trở về” với giọng ca khỏe khoắn cao vút của Trần Lập, được mọi người bật lên khắp nơi. Chúng ta nghe, nhớ họ, những người tài hoa đã khuất, thở dài, và tiếc nhớ.

Trong rất nhiều bài hát của ban nhạc Bức Tường, tôi thuộc trọn vẹn và yêu thích nhất là “Bông hồng thủy tinh”. Đó là một bản ballad rất mộc mạc, mà Trần Lập sáng tác từ những ngày còn là chàng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Những ca từ này được viết nên bởi một chàng trai trẻ:
“Dù thời gian cho ai sẽ lãng quên
Ai âm thầm tiếc nuối
Bụi mờ quá khứ đã giăng che mờ trên cây đàn đã nín câm
Và tình yêu đó vẫn gọi tên: Bông hồng thuỷ tinh
Ðể cho mãi mãi vẫn ghi trong lòng ta năm tháng qua…”

Giờ đây nghe lại những ca từ ấy, tôi chợt nhận ra, những gì Trần Lập muốn nói, anh đã nói cả trong những bài hát, trong phong cách sống quyết liệt của mình. Thời gian sẽ làm chúng ta lãng quên, và bụi mờ sẽ biến những tiếc nuối hôm nay thành quá khứ.

Nhưng tình yêu, nếu còn, thì phải cháy.

Gia Hiền (Theo VnExpress)