Lỗi đánh máy
Đã bao giờ bạn tự hỏi: nếu một người dân không có khả năng tự viết hay đọc hiểu văn bản pháp lý trước khi ký/ điểm chỉ, thì cơ quan công quyền sẽ giải quyết như thế nào?
Quy định rất rõ ràng, rằng cán bộ sẽ có trách nhiệm viết, đọc lại nội dung lá đơn, kiến nghị hay di chúc… cho người mù chữ kia, cùng người làm chứng. Sau khi xác tín nội dung trong văn bản, người dân mới ký hoặc điểm chỉ vào đó.
Tôi đã chứng kiến chu trình ấy. Cán bộ một huyện miền núi nghèo, rất cẩn thận, nắn nót viết tay một tờ đơn đề nghị thi hành án của một phụ nữ mù chữ. Chị, không nhận được đồng cấp dưỡng nào để nuôi đứa con trong một năm qua, cứ ngồi vê vạt áo trong “cửa quan”. Người cán bộ nhẹ nhàng giải thích rất lâu về quy trình làm việc, về nội dung lá đơn cho chị điểm chỉ.
Tôi cũng đã thấy ở một huyện miền núi khác, người cán bộ chạy bộ ra đầu làng tìm bằng được một đồng bào người Mông biết tiếng Kinh, đưa về uỷ ban để phiên dịch cho một người Mông khác đang làm thủ tục ở đây.
Ở các xã miền núi lúc nào cũng phải có một vài cán bộ, dù thuộc lĩnh vực nào, biết tiếng đồng bào để còn làm công tác phiên dịch. Nói chung ở nhiều nơi, tôi vẫn thấy những “cán bộ đánh máy” đầy nhiệt huyết với người dân. Việc của họ chỉ là lập biên bản hoặc tiếp nhận văn bản mà người dân đã viết và đã ký. Nhưng họ sẵn sàng giúp nếu dân không đọc viết được tiếng Việt.
Khi bàn đến trách nhiệm của người đánh máy, tôi tự hỏi rằng liệu họ có nên đối đãi với cấp trên như là với những người dân ấy hay không? Tức là khi trình lên một văn bản, họ có nên đọc cẩn thận, giải thích cho lãnh đạo nghe, rằng cái văn bản này nói gì rồi mới cho ký vào hay không?
Bởi vì có rất nhiều sai sót nghiêm trọng trong hệ thống văn bản của cơ quan công quyền được cho là “lỗi của người đánh máy” hay “lỗi soạn thảo văn bản”. Gần đây nhất, một văn bản của công an Lào Cai, nói về thực trạng bắt cóc người lấy nội tạng gây kinh sợ cho dư luận cả nước. Cuối cùng, khi đứng ra trấn an dư luận, người ta nói việc bắt cóc người lấy nội tạng ấy chưa được xác minh, chỉ là “lỗi soạn thảo văn bản”.
Trước đó, cũng đã có rất nhiều sự việc gây hoang mang dư luận: như việc công an Hà Nội tham gia vào việc kỷ luật người phát ngôn vụ “thay cây” tại Hà Nội, hoá ra là “lỗi soạn thảo”. Năm 2013, một doanh nghiệp sữa đứng bên bờ vực phá sản vì “lỗi đánh máy” khi cơ quan kiểm nghiệm công bố hàm lượng kali trong sữa của họ cao gần gấp đôi thực tế… Nhiều đến mức không kể hết, khiến một tờ báo từng mỉa mai rằng “đánh máy là nghề nguy hiểm nhất Việt Nam”.
Người chịu trách nhiệm về nội dung văn bản tất nhiên là người đặt bút ký và đóng dấu vào đó. Nhưng nếu các cơ quan đã cương quyết quy trách nhiệm cho khâu “soạn thảo văn bản”, thì có thể hiểu rằng người soạn thảo văn bản mới là người quyết định nội dung còn người ký ở đây trong trạng thái bị động.
Nếu chấp nhận lối giải thích ấy, thì chẳng khác nào xếp các lãnh đạo ngang hàng với các đối tượng cần “hỗ trợ pháp lý” như người không biết chữ hay người gặp khó khăn về đọc hiểu, cần được tận tình giải thích về nội dung văn bản. Nếu chấp nhận lối giải thích ấy, thì chữ ký của người đứng đầu cơ quan, cũng như là tư cách của họ, bị phủ nhận sạch trơn. Nếu chấp nhận lối giải thích ấy, thì lương của cán bộ văn thư ở các cơ quan công, những người đánh máy phải ngang ngửa lãnh đạo của chính cơ quan đó.
Nhưng tất nhiên là không nhiều người chấp nhận lối giải thích ấy. Cách giải thích đó chỉ làm xa thêm khoảng cách giữa người dân và cơ quan công. Nó chỉ cho người ta cảm giác về một sự trốn tránh trách nhiệm trước những sai sót. Và tất nhiên, làm gia tăng khoảng cách về niềm tin giữa người dân và chính quyền. Sự nguy hại không chỉ nằm ở một cái văn bản rao tin “bắt cóc lấy nội tạng”, mà ở sự băn khoăn của người dân với khả năng chịu trách nhiệm của cán bộ.
Để lấy lại niềm tin, chỉ có một cách là sòng phẳng với những sai sót chứ không phải đổ vấy cho một kẻ vô hình quen thuộc là “người đánh máy”.
Đức Hoàng (Theo VnExpress)