Anh Phạm Thúc Trương Lương – một chiến tướng Tinh Vân yêu thể thao
Không chỉ là một Phó Tổng Giám đốc xuất sắc trong định hướng chiến lược sản phẩm của Tinhvan Group, anh Phạm Thúc Trương Lương vừa lập kỷ lục làmột trong ba người Việt Nam đầu tiên hoàn thành chặng đua marathon dài hơn 42km tại Cuộc thi việt dã vượt núi – Moutain Marathon 2014 diễn ra tại Sapa ngày 20/9 vừa qua.
Lí do gì khiến anh quyết định tham gia chặng đua với cự ly khá dài, hơn 42km?
Tôi đã biết cuộc thi này từ năm ngoái và tham gia với cự ly là 21km. Mới đầu cũng chỉ muốn thử thách bản thân, nhưng khi biết năm nay cuộc đua diễn ra ở Sapa, không khí ở đây rất đặc biệt, thành viên đến từ nhiều nước trên thế giới, đường chạy vừa đẹp lại vừa thử thách nên tôi quyết định thi tiếp. Đến khi cân nhắc chọn thi 21km hay 42km, thì cuối cùng tôi quyết định chọn chặng 42km.
Vào thời điểm quyết định anh có nghĩ 42 km là chặng đường quá khó để vượt qua?
Năm ngoái, sau khi tham gia chạy 21km, tôi vẫn tiếp tục tập luyện trong cả năm ở Hà Nội và những thành phố tôi có dịp đặt chân đến. Tôi thường dành thời gian chạy vào chủ nhật hàng tuần, quanh hồ Tây hoặc một vài con đường khác. Do vậy, vào thời điểm quyết định, tôi thấy mốc 21km rất bình thường và muốn đặt cho mình thử thách cao hơn.
Anh có ấn tượng hay khoảnh khắc nào đặc biệt khi nhớ về chặng đường chạy không?
Đây là thể loại marathon đường mòn, rất riêng trên thế giới. Thường có đồi núi, đèo dốc, rừng… nó tăng những khó khăn và tạo trải nghiệm riêng cho mỗi đường chạy. Hành trình 42km chạy qua rất nhiều cung đường khác nhau khác nhau của Sapa, đi qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, đường mòn, với các làng bản của người dân tộc, ruộng bậc thang, rừng bạt ngàn…. Có những giai đoạn chỉ có một mình mình, người chạy trước chạy sau đều cách rất xa. Hay có những đoạn chạy qua cánh rừng, một bên là vực, một bên lại là ngọn núi khác, đầy sương mù, hoàn toàn đơn độc, không có bất kỳ ai cả. Nhưng cái cảm giác tận hưởng không gian đấy, vừa cô đơn nhưng lại vừa đẹp, khá là tuyệt.
Thế còn những người bạn chạy cùng thì sao?
Có những người thì chạy theo nhóm, vừa đi vừa chụp ảnh với nhau, có những người lại thích chạy theo tốc độ và theo lộ trình của mình. Tuy nhiên, trên chặng đua có những đoạn đường độc đạo thì mọi người không vượt qua nhau được, thường chạỵ gần nhau và tranh thủ nói chuyện. Tôi có nói chuyện với một cô gái người Anh chạy rất khỏe. Đang chạy thì chúng tôi gặp ba em béđang bò lồm ngổm trên vách đá dưới vực. Cô hỏi tôi rằng liệu có phải làm gì giúp chúng không và tôi đã giải thích cho cô ấy chúng là người sống ở đây rồi nên có thể tự chăm sóc được nhau. Rồi tôi gặp rất nhiều vận động viên ở các quốc gia khác nhau nữa, cự ly của tôi có sự tham gia của vận động của 25 quốc gia tham dự.
Nhìn vào độ tuổi thì đây không phải cuộc thi của những vận động viên chuyên ngiệp mà là dành cho những người yêu thể thao và yêu thiên nhiên. Đặc biệt, ở cự ly này nếu không rèn luyện thì cũng không thể tham gia được. Nhanh nhất là khoảng 6 tiếng và dài nhất là 13 tiếng. Không dễ dàng chút nào. Họ chọn thử thách này không phải chỉ vì một sự kiện thể thao đơn thuần mà còn do đường chạy Sapa rất đẹp. Như ông vận động viên chuyên nghiệp người Đan Mạch, chiến thằng cự ly 70km, có chia sẻ rằng “đây là đường chạy khó nhất trên thế giới mà ông từng trải qua.”
Với chặng đường đua dài như vậy, chắc hẳn những khó khăn là việc không tránh khỏi? Anh có thể chia sẻ quá trình anh vượt qua nó như thế nào được không?
Hai ngày trước cuộc đua có một trận bão đổ bộ vào miền Bắc, đường chạy khá trơn. Như năm ngoái, những cung đường xuống dốc gỡ thời gian rất nhiều, nhưng vài km chạy xuống cũng chẳng hề đơn giản, chân thường đau do bị chùn chân. Năm nay, đường trơn còn khó khăn hơn. Lúc lên dốc thì rất mệt vì dốc Sapa quá dốc, có những đoạn Ban tổ chức phải buộc dây thừng cho vận động viên bám vào để leo lên. Lúc đó là đã chạy được khoảng 34km, trong lúc rất mệt, nhìn thấy quả núi thì bạn tưởng tượng cảm giác khủng khiếp thế nào rồi đấy. Và đoạn đódài khoảng 2,5km đường núi.
Vậy ngoài danh hiệu người Việt Nam về đích thứ ba toàn đoàn, anh có nghĩ mình đã học thêm được điều gì khác sau cuộc đua không?
Với tôi thì danh hiệu đó không quá là quan trọng vì xét chung cuộc tôi chỉ xếp thứ 33. Cái tôi thực sự nhận được, trước tiên là đã vượt qua một giới hạn của bản thân. Tôi có luyện tập nhưng chưa bao giờ vượt qua 25km và nhất là chỉ tập ở đường bằng phẳng trong Hà Nội. 42 km với tôi thực sự là một trải nghiệm, tôi không biết tôi có chạy được không, phải phân phối sức như thế nào, không biết đường 42km khó khăn hơn 21km ra sao… Nhưng cuối cùng thì vẫn vượt qua được, và rất ngạc nhiên khi còn khoảng 5 km cuối, tôi lại có thể giữ lại nhịp chạy bình thường. Cái được lớn nhất là cảm giác về đích. Có lẽ không ai đặt mục tiêu gì khác ngoài trải nghiệm của bản thân mình.
Còn bài học thứ hai. Bình thường tôi nhìn các vận động viên chạy marathon có cái gì đó rất đặc biệt. Mình chạy vài cây đã rất mệt rồi mà họ chạy hơn bốn chục km. Nhưng khi luyện, tôi dần dần thấy sức lực của mình được tăng lên và tôi hiểu được: các giới hạn phần nhiều do bản thân mình. Mình hoàn toàn có thể trở thành người như thế. Trong cuộc thi có một vận động viên Đà Nẵng, bạn đó kể rằng bị hở van hai lá, không thể vận động mạnh được, nhưng hiện tại bạn đang chơi ba môn phối hợp (bơi, đạp xe,và chạy). Bạn về đích sau tôi khoảng hai tiếng. Như vậy, mặc dù bình thường bác sĩ không cho phép nhưng nếu đặt cho mình những giới hạn muốn vượt qua thì mình vẫn có thể vượt qua được. Mình hoàn toàn có thể dùng ý chí và quyết tâm, cộng thêm với luyện tập để chiến thắng những thử thách.
Anh có muốn nhắn nhủ điều gì tới các Tinhvaners sau những gì anh đã trải qua không?
Ngoài ý chí vượt khó, tự rèn luyện như đã nói ở trên, tôi muốn mọi người hiểu rằng thể thao là một phần rất quan trọng và cần thiết đối với sức khỏe mỗi con người. Hằng ngày hãy chơi môn thể thao nào đó mà mình thấy phù hợp: đá bóng, chạy, đi xe đạp, yoga, gym… nhưng đừng để nó chỉ là một sở thích, hoặc chỉ tập khi cần giảm cân, muốn thân hình đẹp hơn… Hãy biến nó trở thành một phần trong lối sống của mình, nâng cao sức khỏe cho chính mình.
Thu Hằng