Hành Trình 1/4 thế kỷ

Cơ duyên TVO (phần 1)

Đăng bởi: editor | 6/12/2019

Tokyo, ngày 20 tháng 5 năm 2014.

Đếm ngược còn đúng hai tháng là tới sinh nhật công ty 20 năm rồi. 20 năm dài. 20 năm, một quãng thời gian đủ để một người trở nên trưởng thành. Quãng thời gian đủ dài để người ta có nhiều hoài niệm.

Bất chợt tôi nghĩ, hầu như những người có một câu chuyện để kể thì không chọn lại lần hai một con đường. Thì đúng rồi, cứ chọn đi chọn lại thì kể cái gì vì khi đó tất nhiên câu chuyện nào cũng ngắn một mẩu và chỉ có đoạn bắt đầu. Còn nếu không thay đổi mà tiếp tục bước đi, thì câu chuyện dù có kể lại ngàn tỷ lần vẫn không chán.

Tôi tham gia Tinh Vân chính thức vào ngày 16/2/2009, từ đó đến nay cũng đã hơn 5 năm rồi. Năm năm dài nếu ngồi đếm thời gian, nhưng lại quá ngắn nếu ngồi đếm thành tựu. Tinh Vân cũng là công ty Việt Nam đầu tiên tôi làm việc sau khoảng thời gian lang thang ở nước ngoài.

Ly cà phê duyên nợ

Cơ duyên với Tinh Vân bắt đầu từ 2008 khi tôi về nước và làm việc tại Oracle, phải quản lý một số đối tác trong đó có TVC. Nhớ không chính xác lắm, nhưng hình như là vào khoảng vài ngày trước ngày 16/2/2009, tôi nhận được cuộc gọi của anh Đặng Khắc Tuấn, hồi đó đang là PTGĐ của TVC, mời đi uống café ở My Way trên đường Hoàng Đạo Thúy. Đến nơi thì thấy anh Hoàng Tô đã ngồi đó. Giới thiệu một hồi, ngạc nhiên vì sao anh Tô sinh năm 70 mà trông già thế. Mãi về sau mới đoán ra, nhìn già trước tuổi là do dành nhiều trí lực làm thơ.

Câu chuyện thì dài, nhưng sau buổi café đó vài ngày, tôi khăn gói tạm biệt cuộc sống và công việc corporate để về mái nhà Tinh Vân.

324353_298239243555069_1891268470_o

Anh Nguyễn Ích Vinh – Tổng Giám đốc TVO – tác giả bài viết

 Khách sạn Thắng Lợi năm 2010

Mảng gia công phần mềm của Tinh Vân được bắt đầu từ 2006 do anh Hoàng Tô và anh Kiên Cường, lúc đó với sự “rủ rê” của anh Nguyễn Thành Nam, nguyên TGĐ của FPT và Chủ tịch FPT Software. Tinhvan Outsourcing Jsc., viết tắt là TVO, chính thức được thành lập.

Thời 2006 mà nghĩ được như vậy cũng là oách lắm, vì mấy ai nghĩ đến việc xuất khẩu phần mềm đâu, trong khi thị trường trong nước vẫn còn rộng lớn lắm. Tất nhiên, khi mới bắt đầu, TVO vẫn phải làm hàng loạt những dự án bé tí trị giá vài chục đến vài trăm triệu đồng để tồn tại, lấy ngắn nuôi dài.

2008, anh Kiên Cường, hồi đó vẫn đang là chuyên gia tư vấn cao cấp của Microsoft, mang lại hợp đồng ODC với khách hàng One Software từ Mỹ với 40 HCs trong ODC, tạo ra niềm hứng khởi vô cùng to lớn, nhưng rất nhanh chóng bốn tháng sau đó khủng hoảng tài chính tại Mỹ làm OneSoftware phá sản, TVO mất hợp đồng ODC này cùng với một khoản nợ 124 ngàn USD. Thời bấy giờ, con số này là gánh nặng với TVO khi công ty còn đang trong ba năm đầu thành lập.

Một năm sau đó, khó khăn chồng chất khó khăn, nhân sự công ty phần thì rơi rụng dần, một số thì sang các công ty khác trong Tinh Vân, cho tới khi chỉ còn năm người và phải sát nhập lại thành một trung tâm lợi nhuận thuộc công ty mẹ.

Tháng 9/2009, tôi chính thức nhận nhiệm vụ ở TVO và giữa 2010, chúng tôi có cuộc họp chiến lược đầu tiên tại Khách sạn Thắng Lợi. Giữa xu hướng bắt đầu lên cao của nhu cầu các sản phẩm trên thiết bị di động và cơ duyên đến từ việc hợp tác với NTT Solmare Nhật Bản cho nội dung Manga trên di động, tôi và lãnh đạo Group xác lập chiến lược làm mobile outsourcing và thị trường tập trung là Nhật, không dàn trải, tập trung làm một thứ và phải làm thật tốt.

Cuộc viễn du ngàn dặm

Cuộc viễn du ngàn dặm cũng chỉ bắt đầu bằng một bước chân.

Những bước chân đầu tiên của TVO với con đường làm mobile outsourcing cho thị trường Nhật đã không đơn giản. Có thể nói Tinh Vân là một trong những đơn vị đầu tiên làm ứng dụng trên thiết bị di động ở Việt Nam vì ngay từ 2009 chúng tôi đã phát triển một phần mềm reader chạy trên nền Symbian. Ngay sau đó, iPhone xuất hiện và thay đổi cả thế giới. Chúng tôi có hợp đồng đầu tiên là chuyển một game trên điện thoại features của NTT Docomo sang nền tảng iOS. Vừa làm vừa học, vừa mày mò hiểu những từ ngữ tiếng Nhật chuyên ngành, kết quả nhận được không bất ngờ là một thất bại vỡ mặt với không một đồng thu được và lãnh đạo công ty phải gửi thư tay sang tận nơi xin lỗi khách hàng. Nguyên nhân có nhiều nhưng thôi không nhắc lại, chỉ biết là chúng tôi phải tiếp tục làm. Sai cũng vẫn làm, được thì thôi.

Làm dịch vụ gia công, quan trọng nhất là người, mảng mobile lại mới. Vậy lấy người ở đâu?

Làm với Nhật, quan trọng nhất là tiếng Nhật, tiếng Nhật lại vô cùng khó. Vậy lấy cái thứ đấy ở đâu?

3/2011, Nhật bị động đất nặng nề và chúng tôi mất đi hai hợp đồng vừa ký được hồi tháng Một. Bao nhiêu công sức mò mẫm xây dựng trong suốt thời gian 2010 đã không mang lại kết quả, đội ngũ làm mobile đầu tiên ra đi hết. Chúng tôi lại xắn tay làm lại từ đầu. Cuối năm 2011, TVO có lại hợp đồng tiếp theo với Nhật cho việc phát triển phiên bản mobile của một game mạng xã hội trên Facebook. Nghĩ lại giai đoạn này, tôi thầm cảm ơn Phạm Minh Đức, hiện đang phụ trách toàn bộ business với Nhật của công ty, vì niềm tin vào chiến lược và sự kiên trì vô cùng lớn sau hàng loạt biến cố trong đó có hơn sáu tháng ngồi không, không có việc làm.

Phải lấy ngắn nuôi dài, tôi quyết định có thêm Singapore như là thị trường thứ hai sau Nhật để ra việc và ra tiền nhanh. Ngay từ khoảng đầu 2012, Bùi Thanh Tùng hiện thực hóa quyết định này bằng năng lực bán hàng hiệu quả và cách marketing hết sức chuyên nghiệp. Dự án với Singapore cũng dễ làm hơn với Nhật vì dùng tiếng Anh. Vì thế, rất nhanh chóng chúng tôi phát triển được theo chiều rộng và đến hiện tại đã có tới gần 40 sản phẩm trên mobile trong đó phần lớn là các dự án từ Singapore.

Trong suốt những bước đi ở giai đoạn khó khăn nhất này, Vũ Duy Khánh đã luôn bên cạnh và giúp tôi ổn định tinh thần phần lớn nhân viên công ty bằng niềm tin tuyệt đối vào con đường mà chúng tôi đang chọn.

Chúng tôi thực sự đã bước đi những bước đầu tiên của cuộc viễn du ngàn dặm trước mặt.

(còn nữa)

Nguyễn Ích Vinh