Xã hội - giải trí

Giá trị của lời xin lỗi

Đăng bởi: editor | 31/1/2015

Có thể bạn không để ý, nhưng phụ nữ luôn nói lời xin lỗi nhiều hơn đàn ông. Và có thể cũng chính vì thế mà thế giới của các chị em hòa bình hơn thế giới của các anh.

Một nghiên cứu đăng trên USA Today năm 2013 chỉ ra rằng phụ nữ nói trung bình 20.000 từ trong khi đàn ông chỉ nói 7.000 từ mỗi ngày. Nguyên nhân của hiện tượng này là do phụ nữ có một loại protein ngôn ngữ mức độ cao hơn trong não được gọi là FOXP2, có liên quan đến giao tiếp bằng lời nói. Và lẽ dĩ nhiên, vì nói nhiều hơn, khả năng các quý cô lỡ lời sẽ cao hơn, dẫn đến việc phải nói lời xin lỗi đương nhiên sẽ nhiều hơn phần đông các quý ông. Và vì nói nhiều hơn, về tổng thể, đương nhiên hai từ “xin lỗi” từ phụ nữ hẳn sẽ được dùng đến nhiều hơn, trong một ngày, trong một đời.

Rất nhiều những cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng đã diễn ra, để phụ nữ thôi bị xem là phái yếu, ở mảng nghĩa yếu đuối là nhược tiểu. Phụ nữ đã làm được phần nào. Những chiếc ghế cao chúng ta có thể ngồi vào, những chức danh ngang hàng, những gót giày sải rộng và đầy năng động, những nơi xa xôi khắc nghiệt bàn tay nhỏ nhắn có thể chinh phục, những cúi đầu trước các nữ nguyên thủ… giờ đây không còn xa lạ.

Nhưng về mặt sinh lý, phụ nữ vẫn là những tạo vật yếu đuối. Chúng ta về sức khỏe, phần đông, không thể sánh bằng nam giới. Và tôi tin rằng, tạo hóa tạo ra phụ nữ trong hình hài mảnh mai hẳn có lý do. Chúng ta sinh ra với những thiên chức để chăm sóc người khác, có những khả năng được phú cho để làm tốt công việc chăm sóc người bên cạnh và chu toàn những thứ mà nam giới không bao giờ hiểu hoặc làm tốt (cùng lúc vừa trông con, vừa xem tivi, vừa nấu ăn; bàn tay nhỏ mới có thể len vào khe nhỏ để lấy ra. Về bản năng, con người có xu hướng bắt nạt và không chùn bước trước những hình hài… trông có vẻ bé nhỏ hơn, yếu đuối hơn. Và rằng, phải ở một giai đoạn nào đó của lịch sử loài người, tôi tin rằng thời điểm đó, phụ nữ đã phải nói xin lỗi trước người chồng, người cha, thậm chí con trai của mình nhiều hơn số lần họ gây ra lỗi lầm, tính cả những chuyện không phải do họ gây ra.

ellevn-quandiem

Năm 2003, trên một bài báo của Hoa Học Trò, Đoàn Công Huynh, cây bút sáng thời bấy giờ, có đề cập đến một quốc gia mà “ở đó không bao giờ người nhân viên mậu dịch chịu nói xin lỗi với khách hàng, đất nước rất hiếm khi thấy nụ cười kèm lời cảm ơn”. Quốc gia đó chính là Trung Quốc, nhiều năm trước. Từ “xin lỗi”, cách đây chưa lâu, được dùng làm thước đo cho nền văn minh của một xã hội. Khi người ta chủ động nhận lỗi, đó là khi cái tôi cá nhân được hạ xuống dưới sự công bằng, nền văn minh được tiến lên một bước mới. Đó là khi mỗi thành viên biết quan tâm đến cảm xúc của người bên cạnh, và lời xin lỗi thể hiện sự thành ý hơn là việc xét nét lẫn nhau.

Ở mọi lãnh thổ, hai từ cảm ơn và xin lỗi đã dần được xem như đơn vị hành vi nhỏ nhất để chạm, để nâng tầm văn minh mà không mất quá nhiều công sức. Ở Việt Nam, trong siêu thị đông cuối tuần, lời xin lỗi đã được thốt ra gần như ngay lập tức nếu chiếc giỏ của bạn chạm vào xe đẩy của bà cụ ở hàng rau. Ở rạp chiếu phim, nếu len vào hàng ghế lúc ánh đèn đã tắt, vừa cúi người vất vả trên gót giày cao, vẫn không quên nói xin lỗi với một đôi giày da đang co lên để nhường chỗ bước. Có thể lời xin lỗi nhẹ hơn hơi thở, người được nhận lời xin lỗi cũng có thể đã không nghe, không thấy khẩu hình miệng để hiểu, nhưng anh ấy biết có một lời xin lỗi đã được thốt ra, và nàng cũng không cần chựng lại để chờ một phản hồi, cứ thế đến ghế của mình và bộ phim vừa kịp những cảnh đầu tiên trên màn hình rộng lớn.

Vậy, có nên hay không, để những lời xin lỗi tiếp tục được thốt ra. Và có nên hay không để căn vặn và nói rằng sự xin lỗi, vốn được dùng để đánh giá mức độ lịch sự của một cộng đồng, nay lại bị gán cho sự nhu nhược của một nửa thế giới: phụ nữ.

Theo tôi, thần thái của một người, bất kể giới tính, sẽ quyết định thái độ của người đối diện về bạn ngay cả khi bạn chưa kịp thốt ra lời nào trên môi miệng. Lời xin lỗi với những sắc thái khác nhau sẽ cho thấy bạn có lạm dụng nó hay không. Một lời xin lỗi nhẹ nhàng kèm nụ cười khi mở cửa phòng họp sẽ khiến người đối diện lắng tai với nó như một lời chào, lời xin lỗi vội vã khi bạn vừa lỡ huých đổ ly nước của người đối diện kèm với một chiếc khăn giấy rút vội thấm cho nước không tràn xuống cạnh bàn, họ nghĩ gì nhỉ: cô ấy thật chu đáo.

Girl holding giant leaf over face

Tôi không nghĩ số lần xin lỗi trong một đời mình có thể khiến ai đó bỏ đi, nhưng thái độ sống của tôi có thể giữ chân họ dài lâu hoặc chỉ lướt qua nhau như xa lạ.Và đôi khi, một người phụ nữ, với thiên chức yêu thương và quan tâm, khi họ thốt lên lời xin lỗi với ai đó, chỉ cần đơn giản hiểu rằng, họ muốn thế giới này được vận hành theo cách dễ dàng, quan tâm và hiền hòa hơn.

Đến một lúc nào đó, xin lỗi sẽ không còn mang nghĩa là tôi cảm thấy rất tiếc về một điều gì đó nữa. Lúc ấy, xin lỗi không còn là xin lỗi, mà đơn giản là biểu hiện cho sự thân thiện, thể hiện tinh thần cầu thị mỗi khi chúng ta muốn bắt đầu bất kỳ điều gì giữa người và người: một đối thoại, một kết thân, một quan hệ, một hứa hẹn lâu dài, một hy vọng với những khởi đầu thân thiện và mềm mại. Phải, mềm mại chứ không yếu đuối!

Nếu có một lý do nào đó, để ngăn chặn câu xin lỗi, thì chỉ nên là lý do này và không dành riêng cho nam giới hay phụ nữ: lời xin lỗi ngay khi chúng ta chưa bắt tay vào một việc gì sẽ được dùng như lý lẽ ta thoa trước lên ý chí của bản thân để xây nên bức tường an toàn bảo vệ chính mình, nếu sau đó sự việc có gãy đổ và cần ai đó để nhận lãnh trách nhiệm.

Theo Elle