Gốc rễ của an ninh
Người ta hiểu rằng đó là một trong những nỗ lực thiết lập lại trật tự xã hội – vốn trở thành nỗi ám ảnh của người dân thành phố này từ nhiều năm qua – sau những phát biểu của tân Bí thư thành uỷ.
Nhưng việc tăng cường lực lượng hành pháp chỉ là một trong những giải pháp “ngọn” của vấn đề tội phạm. Giống như là bác sĩ không thể giải quyết tình trạng bệnh tật, mà đó phải là vấn đề của vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sống… thì gốc rễ của các vấn đề an ninh là an sinh xã hội.
Tôi đi rất xa khỏi trung tâm TP HCM, qua hầm Thủ Thiêm sang quận 2, chui vào một xóm trọ nhỏ của dân lao động ở khu Bình Trưng. Ở đấy, tôi được nghe kể về một vụ cướp.
Thằng Khánh, mới 15 tuổi, ba bán báo còn mẹ đi làm mướn, bị cướp cái xe đạp. Mẹ Khánh vừa xin vừa mua được một cái xe đạp cũ để nó đi học. Mỗi tháng trả góp một trăm nghìn, trả trong gần một năm, vừa trả xong thì bị cướp. Hai tên chặn đường cướp xe. Khánh tiếc cái xe quá, cự lại, bị đâm một nhát dao, may không nguy hiểm đến tính mạng.
Ngồi ở đó, trong phòng trọ hơn 10 mét vuông của gia đình lao động đó, tôi nhận ra vài điều. Đầu tiên là sẽ không thể có một lực lượng hành pháp nào đủ lớn để tuần tra và ngăn chặn mọi diễn biến an ninh trong thành phố khổng lồ này. Khu trọ ấy, qua con đường nhỏ, qua cả một cái nghĩa trang (mà mẹ thằng Khánh “tự hào” vì nhờ nghĩa trang ấy mà chị thuê được phòng trọ giá rẻ), việc nghĩ đến có cảnh sát cơ động tuần tra ở nơi này thật xa xôi.
Sau đó là tương lai của những đứa trẻ như Khánh. Bạn có thể bắt gặp những con người như thế ở khắp các xóm trọ trong quận 2 này. Họ sống trong những căn nhà chật chội, bên cạnh rác rến sình lầy. Họ làm việc với một chế độ bấp bênh, cho dù là “có hợp đồng” hay đôi khi là bị quỵt luôn cả hợp đồng lao động. Các chủ nhà máy kiếm cớ đuổi việc nhân viên cũ để tuyển người mới trả lương thấp hơn bất cứ khi nào. Khánh có thể sẽ nhanh chóng gia nhập đội ngũ ấy: thật khó để nó mơ đến việc đi học đại học, thậm chí là tốt nghiệp cấp 3.
Bạn có thể bắt gặp Trinh – 16 tuổi – người bé loắt choắt nhưng đã có một cái thẻ ra vào công trường. Nó mượn tên của người khác, dán ảnh mình lên để đi làm phụ hồ trong một công trường nào đó ở trung tâm. Chỉ 5 phút ngồi trong căn “nhà” Trinh đang ở, bạn sẽ bị muỗi đốt kín người. Trinh không được đi học đã lâu.
Trong khi những chỉ đạo quyết liệt cho lực lượng hành pháp được đưa ra ở trung tâm thành phố, thì ở những khu công nghiệp ngoại vi, vẫn là những cuộc đình công hàng nghìn công nhân tham gia, để đòi thêm vài đồng lương, để mong chờ một cuộc sống ổn định hơn, hay đơn giản là một bữa cơm trưa tử tế. Trong khi một nhóm những tên cướp giật bị bắt, thì vẫn có hàng vạn thanh niên khác đang chênh vênh trong đời sống lao động và có thể bị đẩy vào cảnh bị bần cùng hoá cả về vật chất và tinh thần bất cứ lúc nào. Bần cùng hoá về tinh thần, bởi môi trường sống tồi tệ và khả năng tiếp cận giáo dục gần bằng không. Bần cùng hoá về vật chất, bởi không có khả năng tích luỹ và có thể bị đẩy ra đường không vì điều gì.
Trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước đồng thời cũng là một “cỗ máy xay” nhân lực và vẫn thải ra rất nhiều con người quẫn cùng – bởi những lỗ hổng trong cách nó vận hành. Khi người ta phải đình công tụ tập trước cửa nhà máy giữa trưa nắng vì chất lượng bữa cơm trưa, thì thật khó để nói về sự ổn định. Ngay cả sự lương thiện ổn định.
Tất nhiên không thể phủ nhận nỗ lực ngăn chặn tội phạm của TP HCM qua hành pháp. Nhưng thật khó để nỗ lực ấy vươn đến cả những xóm trọ sình lầy, để tránh cho những người như Khánh một nhát dao. Một nhát dao không biết có thể nuôi dưỡng trong lòng cậu thiếu niên những gì.
Sâu xa hơn, tội phạm có thể giảm nếu giải quyết được bài toán an sinh. Những công nhân có hợp đồng, được đãi ngộ xứng đáng, được làm việc với những ông chủ có trách nhiệm, những đứa trẻ được sống trong một môi trường tốt hơn, hay thậm chí chỉ đơn giản là có một lớp học.
Đức Hoàng (Theo VnExpress)