Khi Thủ tướng giải cứu sông Hồng
“Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật” – Đó không phải là một quyết định dễ dàng, bởi dù còn băn khoăn nhưng hầu như tất cả bộ ngành trong chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đã thông qua và đồng ý về chủ trương này.
Quyết định chưa xem xét dự án sông Hồng của Thủ tướng có lẽ sẽ tạo ra rất nhiều thất vọng đối với một số thành viên Chính phủ, những người đã nhanh chóng đồng ý với dự án (5 tháng sau khi được giao nghiên cứu thẩm định).
Quyết định chưa xem xét dự án sông Hồng của Thủ tướng có lẽ cũng sẽ khiến nhiều người yêu sông Hồng cảm thấy thất vọng. Bởi “chưa” có nghĩa là một dự án cải tạo sông Hồng vẫn có thể diễn ra.
Dự án đường thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện khiến nhiều người lo ngại về tác động với môi trường sinh thái (ảnh: infonet)
Dù vậy, “chưa” là điều cần thiết.
Chưa. Bởi không thể chấp nhận việc giao số mệnh sông Hồng vào tay một doanh nghiệp, khi mà chưa thể xác định được những tác động có thể gây tổn hại tới dòng sông này, cũng như những lợi ích mà dự án đem lại vẫn còn mù mờ.
Chưa. Bởi dòng sông Hồng vẫn luôn cần có một dự án chăm sóc, cải tạo và khai thác tối đa nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân.
Là một nhà quản trị luôn sớm nhìn ra và trân trọng những giá trị của di sản, là người đã thúc đẩy sáng kiến tổ chức con đường kết nối di sản miền trung (Quảng Bình – Huế – Quảng Nam) từ khi còn là Chủ tịch của một tỉnh nghèo nhất miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dĩ nhiên cẩn trọng với số phận sông Hồng, một dòng sông di sản. Một sự cẩn trọng cần thiết để dòng sông không chỉ sống, mà còn sống có ích đối với cộng đồng.
Không thể tùy tiện can thiệp vào sông Hồng. Cũng không thể không khai thác một cách tối ưu nhất các giá trị của sông Hồng. Trong thông báo phát đi từ Chính phủ ngày 9/5, Thông điệp đó đã được khẳng định. Theo đó, một bản Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững sẽ được hình thành trên cơ sở phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.
Với nội dung thông báo này, có thể thấy số phận sông Hồng sẽ không dễ dàng bị định đoạt bởi bất cứ dự án của nhóm lợi ích nào khi tất cả mọi người dân đều có thể giám sát thông qua các tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho lợi ích của mình.
Kế hoạch bức tử sông Hồng của Công ty Xuân Thiện đã tạm thời bị chặn đứng. Nhưng điều đó không có nghĩa dòng sông sẽ thoát khỏi án tử trong tương lai. Cho dù một bản quy hoạch khai thác sông Hồng có được ra đời, cho dù kèm theo đó là những quy tắc ứng xử với dòng sông, song, nếu mỗi người dân không chủ động thực hiện quyền giám sát, và lên tiếng của mình… thì dòng sông vẫn có thể chết, cùng với sự cô đơn.