Xã hội - giải trí

Ý nghĩa một cành đào

Đăng bởi: admin | 15/2/2016
Tết này, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được ý nghĩa của một cành hoa đào. Bao nhiêu lâu nay, tôi tưởng rằng cành đào ngày Tết là thứ đã quá quen thuộc để có thể suy nghĩ về ý nghĩa của nó, nhưng hóa ra không phải thế.
cành-đào-Tết-đẹp

Trước Tết mấy ngày, ca sĩ Thái Thùy Linh, phó giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia (TW Đoàn) và là chủ nhiệm chương trình tình nguyện “Tim hồng”, nhờ tôi dắt đến một địa chỉ nào đó: chị vừa xin được một ít tiền từ nhà hảo tâm và muốn hỗ trợ một nhóm người nghèo ăn Tết. Tôi đưa chị địa chỉ của một xóm chạy thận.

Chị Linh bỏ một buổi trưa đi khảo sát xóm chạy thận, gặp từng người hỏi han, và phát hiện ra một thực tế là cái Tết của những bệnh nhân này, không thiếu gạo, không thiếu bánh chưng. Đã có rất nhiều đoàn hảo tâm đến tặng cho họ những thứ đó. Nhiều người thậm chí phải đem bánh chưng đi cho bớt.

Chúng tôi ngồi ở đầu ngõ thảo luận, và quyết định việc đầu tiên cần làm, là tặng cho “xóm thận” một cây đào. Còn số tiền của chị Linh, sẽ dùng để mua đồ gia dụng. Tôi viết bài lên báo. Một cơ quan chủ động liên hệ và tặng ngay cành đào họ đang dùng để bày trong văn phòng. Cành đào rất to và nhiều nụ.

Buổi sáng hôm ấy, tôi chở cây đào đến xóm, loay hoay dựng nó lên ở cuối ngõ. Phản ứng của những cư dân ở đây khiến tôi bất ngờ. Tôi chưa bao giờ nghĩ một cành đào có thể tạo ra nhiều cảm xúc đến thế. Những bệnh nhân đứng lại xuýt xoa. “Các anh chị động viên bệnh nhân thận thế này, đến bao giờ mới chết được” – một chị cười nói. Người phụ nữ ấy chuẩn bị bán nốt căn nhà ở quê để lo chữa bệnh trên Hà Nội. “Sáng mở mắt ra thấy đào đẹp thế này thì không chết được thật” – một người khác đế vào. Ai đi chạy thận về ngang qua, cũng dừng lại xuýt xoa tấm tắc.

Một cành đào, cả chi phí vận chuyển, nếu chia ra cho 133 con người đang đấu tranh với bệnh tật trong cái xóm này, có lẽ không đến 10.000 đồng mỗi người. Nhưng nó có thể mang lại nhiều niềm vui đến thế, tôi cũng không ngờ. Họ cảm ơn tôi, nhưng chính tôi mới là người phải cảm ơn. Họ dạy tôi hiểu được giá trị của cây đào, giá trị của Tết.

Tết là gì? Những người làm báo như chúng tôi mỗi lần nhắc đến một sự kiện, sẽ tìm cách phân tích các khía cạnh xã hội của nó. Thưởng Tết phản ánh điều gì của nền kinh tế; Công tác quản lý thị trường bộc lộ các bất cập ra sao; Văn hóa quà biếu và cơ chế chống tham nhũng – hối lộ; Các vấn đề giao thông; Lao động di cư đón Tết… Và rất nhiều người quanh chúng tôi cũng tư duy về Tết với một dạng hình như thế. Không biết từ bao giờ Tết được mô tả bằng phương pháp biện chứng.

Thậm chí là ngay cả cái phong bao lì xì cho bọn trẻ con bây giờ cũng thấp thoáng bóng của chủ nghĩa vật chất. Người lớn thì trăn trở về việc cho vào đấy bao nhiêu, bọn trẻ thì đã bắt đầu biết so sánh. Thật ra cái phong bao ấy, hay là Tết, cũng đều ánh xạ cái chủ nghĩa vật chất đang lên trong xã hội mình.

Nhưng cái cách mà những bệnh nhân suy thận kia, những người tưởng như phải đau đáu về tiền bạc và sinh mệnh đến mức không còn dám tận hưởng gì, phản ứng trước cành đào, khiến tôi phải suy nghĩ lại.

Cuối cùng thì Tết vẫn là lúc mà chúng ta dừng tất cả lại để hướng tới sự thư thái trong lòng. Đặt cái cây, cành hoa vào nhà, nấu mấy món ngon, tận hưởng những giá trị tinh thần đơn sơ nhất. Đơn sơ, bởi vì so với việc thắng được một hợp đồng lớn hay là phản biện được một chính sách thì có lẽ không thăng hoa bằng. Nhưng cái việc ngắm bông hoa đào, hoa mai be bé trong nhà, đầu óc không toan lo, là điều có khi cả năm ta không làm. Thậm chí nhiều người như tôi, cho đến năm nay, nhận ra nhiều năm rồi mình không làm.

Có lẽ các cụ đã sinh ra Tết cũng để hướng tới sự thư thái ấy. Không phải là một kỳ nghỉ tái tạo sức lao động, vì hóa ra thế thì Tết cũng chỉ là công cụ cho những toan tính khi ra Giêng. Tết cao hơn thế: tinh thần hồn nhiên buông xả của nó là một phần đáng sống của cuộc đời.

Có lẽ các bệnh nhân nặng, những người đang đếm ngược ngày được sống, cảm nhận vẻ đẹp của cành đào tốt hơn nhiều người khác – những người tin mình vẫn còn thời gian cho những cuộc mưu cầu.

Thời đại bây giờ, nói với nhau rằng thôi trăn trở, thôi tính toán và hồn nhiên tận hưởng sự thư thái dù chỉ mấy ngày thật sự là khó. Hiểu được tại sao Cao Bá Quát lại phải cúi đầu lạy bông hoa mai thật sự là khó. Nhưng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người làm được điều ấy. Để Tết không chỉ là một tổ hợp các con số từ thu nhập đến chi tiêu.

 

Đức Hoàng (Theo VnExpress)