Người mù đi xin sách
Bây giờ, mỗi ngày anh vẫn đi bộ cả chục cây số đến từng trường học ở Thái Bình để thuyết phục nhà trường và các thầy cô đặt tủ sách trong mỗi lớp học, tạo văn hóa đọc cho học sinh.
Tôi gặp anh để phỏng vấn. Lúc chia tay, anh kể: “Chắc mình sắp mù rồi. Nhưng hy vọng mình làm được xong việc trước khi mù. Lúc ấy có mù cũng được”.
Anh Thạch bị bong võng mạc một mắt và đã mất thị lực hoàn toàn. Anh kể, cứ mỗi khi trở trời cái mắt hỏng lại nhức đến tận óc. Mắt còn lại cũng yếu, và anh đã tính đến khả năng mình mù hoàn toàn. Còn cái “xong việc” kia của anh, là mơ ước trẻ em nông thôn Việt Nam có sách đọc như trẻ em Hà Nội hay TP HCM, mỗi năm được đọc mấy chục đầu sách, bằng với trẻ em châu Âu.
Tôi thấy nếu có Thượng đế thì ông quả là một người thích đùa cay độc. Một người hỏng mắt bây giờ lại đang đi bộ khắp nơi để thuyết phục những người khác cho trẻ con đọc sách, hay nói một cách hình ảnh, là giúp người ta “sáng mắt”.
Đó là câu chuyện tôi muốn kể trong những ngày mà ở cả Quốc hội, trên truyền thông và ngoài xã hội, đang xuất hiện những cuộc tranh luận gay gắt về việc làm sách giáo khoa – một phần quan trọng của đổi mới giáo dục.
Chất lượng sách giáo khoa, và việc chọn ai là người làm sách giáo khoa là những việc quan trọng. Nhưng chỉ sách giáo khoa thôi thì không đủ. Anh Thạch kể với tôi rằng những cuộc khảo sát nhỏ, mà anh thực hiện ở nông thôn, chỉ ra rằng trong nhiều gia đình, thì trẻ em không có một quyển sách nào khác để đọc ngoài sách giáo khoa. Tôi tin rằng, nhiều người cả đời không đọc một quyển sách nào khác ngoài sách giáo khoa. Lý do rất đơn giản: ngành giáo dục chưa đặt ra mục tiêu tạo thói quen đọc sách cho học sinh.
Trong chương trình đào tạo cơ bản, thứ tối thiểu nhất mà các em buộc phải đọc, chính là các tác phẩm được trích dẫn trong sách giáo khoa Ngữ văn, cũng không có trong chương trình như một nội dung bắt buộc. Học sinh sẽ đứng trước những đề thi yêu cầu phân tích giá trị nghệ thuật của một quyển sách các em có thể chưa bao giờ được đọc trọn vẹn, hoặc “sự nghiệp sáng tác” của Kim Lân, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu – những tác giả mà các em chỉ biết đến qua đúng một truyện ngắn.
Trong một buổi giao lưu của ông Tổng giám đốc Samsung Việt Nam với sinh viên trường Kinh tế Quốc dân, có bạn sinh viên đứng lên hỏi về các yêu cầu nhân sự của Samsung, ông bảo, những kiến thức nền tảng thì ai trải qua trường lớp cũng được trang bị. Cái ông cần ở các bạn trẻ là thái độ sống và khả năng “tưởng tượng về tương lai”. Tương lai là của nền kinh tế sáng tạo, và của những người có khả năng tự học – chứ tương lai không trông chờ vào những kiến thức mà “ai qua trường lớp cũng được trang bị”. Câu này, liên hệ với văn hóa đọc nước ta, nghe hơi… tủi thân.
Cả thập kỷ “ăn mày” để dựng những tủ sách ở làng quê, anh Thạch cũng được đền đáp chút ít. Sở Giáo dục Thái Bình đã ra văn bản đề nghị tất cả các trường phát động phong trào thành lập tủ sách trong lớp học. Nó trở thành một chính sách của ngành giáo dục tỉnh này. Nhưng anh Thạch vẫn mong một ngày Bộ Giáo dục ra một văn bản như thế. Tiền mua sách anh xin được, chỉ cần ngành tạo điều kiện và khuyến khích để các em được đọc thôi.
Ngày đó chưa tới. Hy vọng thế thôi, nhưng anh Thạch đã tính đến chuyện mình bị mù rồi mà vẫn chưa “xong việc”. Anh bảo, lúc đấy chắc anh xin đi dạy ở trường mù, để lấy tiền lập quỹ mua sách cho trẻ em nông thôn.
Đức Hoàng