Xã hội - giải trí

Sài Gòn – Miền Tây sông nước

Đăng bởi: editor | 25/12/2019

Chuyến đi này là lần thứ hai tôi quyết định đi du lịch một mình, quyết định táo bạo và có phần rất “phiêu” khiến không ít bạn bè bất ngờ. Trên chuyến xe đi miền Tây, không tính lái xe cùng hướng dẫn viên du lịch, thì tôi là người Việt Nam duy nhất trong đoàn. Có lẽ cũng bởi thế mà lúc đầu, một số thành viên trong đoàn tưởng tôi là phụ đoàn.

1378222_583376351773169_1231815198414069657_n

Xuôi dòng nước miền Tây

Ngày đầu lênh đênh sông nước đi Mỹ Tho, Bến Tre, chiếc thuyền nhỏ chở tôi và vài hành khách khác len lỏi vào kênh rạch dưới những rặng dừa nước xanh ngút ngàn. Những ngôi nhà nhỏ xinh xinh lợp lá dừa nằm nép mình bên cạnh dòng sông, con kênh, nó thu mình dưới bóng dừa cạn. Bóng dừa như một người mẹ ôm chặt những ngôi nhà như những đứa con vào lòng che mưa che nắng. Ánh mặt trời tỏa nắng chói chang nhưng con thuyền nhỏ dưới bóng dừa đưa du khách ngắm cảnh lại rất mát mẻ.

Điểm dừng chân đầu tiên là đoàn của tôi là nơi nuôi ong lấy mật của người miền Tây. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhiều ong đến thế, những con ong mật miệt mài chăm chỉ. Trong giờ phút nghỉ giải lao, du khách được nghe hát đờn ca tài tử – “đặc sản” của người miền Tây, được thưởng thức vị ngon của trà mật ong cùng với hoa quả miệt vườn. Khi đã bớt mệt mỏi, chúng tôi lại xuống thuyền xuôi dòng tới nơi làm kẹo dừa truyền thống. Ở đây, tôi được trải nghiệm trọn vẹn một quy trình sản xuất kẹo dừa, từ khâu bóc dừa, nạo dừa cho đến khâu đóng gói thành những viên kẹo hoàn chỉnh. Với sự hướng dẫn tận tình của người dân nơi đây, tôi được tận tay làm thử kẹo dừa, lóng ngóng nhưng rất thú vị!

10457158_583376161773188_5658630034175950598_n

Để hiểu hơn cuộc sống của người dân, chúng tôi được đi trên xe đò, theo tôi thì nó tương tự như loại xe công nông chở cát ngoài Bắc, đi thì xóc nhưng lại thấy rất hay. Xuống xe chúng tôi được lên những chiếc ghe nhỏ xuôi con rạch đến nơi ăn trưa. Bữa trưa đầu tiên ở miền Tây khiến tôi hiểu người dân ở đây thật sự ưa vị ngọt, mọi món ăn đều được nêm đường. Nồi canh chua nấu theo phong cách miền Tây thơm, ngon, nhìn bắt mắt, nhưng khi ăn, nó khiến tôi giật mình vì độ ngọt, món thịt gà kho tàu thì giống như đang ăn gà với đường vậy. Vốn không thích đồ ngọt, bữa trưa hôm đó, tôi ngắm nhiều hơn ăn.

Rời Bến Tre, đoàn của chúng tôi xuống Vĩnh Long, Cần Thơ. Trên đường đi qua các vườn cây ăn trái, tôi như bị hút hồn bởi những trái chôm chôm chín đỏ mọng, những chùm nhãn sai trĩu trịt, những cồn cây ăn trái xanh mướt, ngút tầm mắt. “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Đúng là có lênh đênh sông nước Cần Thơ mới thấy hết được vẻ đẹp giản dị, mộc mạc nhưng trù phú nơi đây.

10690308_583378351772969_4792842911173639323_n

Ngày thứ hai chúng tôi khởi đầu hành trình với hơn một giờ ngồi xuồng máy để tới thăm chợ nổi. Tôi thích thú quan sát khắp bốn bề, mọi giao thương đều được diễn ra trên sông, thuyền bán nước, bán rau, bán hoa quả, bán khoai mỳ, khoai lang, khoai tây… Có một đặc điểm dễ nhận ra đó là thuyền nào bán gì đều treo đồ lên chiếc cọc cắm ở trước mũi thuyền. Nhưng cũng có một vài sự khác biệt như: người bán thuyền sẽ treo lá dừa lên chiếc cọc, người bán khoai môn thì đặt một chậu cây khoai môn lên nóc thuyền, những người bán bún, hủ tíu sẽ có một chiếc nồi khá lớn để mọi du khách đều có thể nhìn thấy, và nếu bạn thấy họ treo quần áo thì không có nghĩa họ bán quần áo đâu nhé. Đó là đồ dùng hàng ngày mà thôi.

Điểm dừng chân cuối cùng của hai ngày lênh đênh sông nước miền Tây là nhà vườn. Một lần nữa tôi lại bị hấp dẫn bởi vô vàn trái cây nơi đây, cây nào cũng sai trĩu trịt quả và căng tràn sức sống.

Sài Gòn sôi động và hiếu khách

10259738_583742488403222_4988428913417133543_n

Rời vùng sông nước, đoàn chúng tôi về với Sài Gòn nhộn nhịp. Nghỉ ngơi sau hai ngày du lịch miền Tây, ngày tiếp theo tôi dành trọn để thưởng thức đồ ăn Sài Gòn, trong đó không thể bỏ qua đặc sản ốc Sài Gòn nức tiếng. Những món ốc ở đây được chế biến theo nhiều cách khác nhau, khi thì chua cay, lúc lại béo ngọt…  những món sò, món ngao luôn thơm ngậy, hấp dẫn vô cùng. Sau đó, chúng tôi tiếp tục lên xe đi đến địa điểm ăn vặt của các bạn trẻ đất Sài Gòn. Vô vàn các loại đồ ăn khác nhau: bánh tráng trộn, bánh tráng nướng… Bụng thì no mà mắt vẫn còn đói lắm.

529651_583382318439239_8883832761772177726_n

Ngày thứ tư của hành trình, tôi đến thăm vùng đất lịch sử Củ Chi. Đến thăm địa đạo, tôi được tận mắt chứng kiến những bẫy chông, xưởng chế vũ khí, phòng y tế, xưởng sản xuất vũ trang thời chiến… Khi khám phá các địa đạo, tôi phải đi khom người, đoạn thì vừa ngồi vừa đi, lúc thì phải nằm bò ra mà đi, rồi phải nghiêng người mới lọt qua được, có đoạn nào hẹp quá chỉ dành cho những người nhỏ bé chui qua, còn những người to lớn hơn thì đành phải đi lối khác. Đúng là có đi mới thấy hết được sự vất vả gian lao của các chiến sĩ sống ở địa đạo Củ Chi. Đói ăn khoai mỳ thay cơm, vật dụng thì thiếu thốn, thuốc men thì không đầy đủ… nhưng họ luôn sáng tạo, sáng tạo vũ khí, sáng tạo những đôi dép cao su gọi là xăng-đan Hồ Chí Minh, sáng tạo các loại bẫy chông ngăn bước quân thù cũng như để săn bắt thú rừng. Có như vậy mới biết được ý chí của cha anh đi trước, những con người ngã xuống cho tự do cho dân tộc.

Rời Củ Chi về lại trung tâm Sài Gòn, nhấn nhá thưởng thức các loại hoa quả như quả xay nhung, ổi xá xị, cóc chín vàng ươm…. Tối được chiêm nghiệm cafe bệt, ngắm hồ con Rùa (người dân Sài Gòn tự hào vì cả thành phố chỉ có một cái hồ). Trông nó giống một cái ao làng ngoài Bắc nhưng đặc biệt ở chỗ, xung quanh hồ con Rùa có nhiều loại đồ ăn vặt, ngon mà lại rẻ…

Hành trình du lịch Sài Gòn – Miền Tây của tôi chính thức khép lại sau khi tôi đã kịp thăm thú suối Tiên, dinh Độc Lập, bảo tàng chiến tranh. Dù thời gian của chuyến đi chỉ là vài ngày ngắn ngủi, nhưng nó đủ để cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời về con người, cảnh vật và lối sống nơi miền Tây sông nước và Sài Gòn phồn hoa. Trở về, đọng lại trong tôi là một miền Tây bạt ngàn cây trái, một thành phố sôi động với người dân hiếu khách và dịch vụ luôn tận tình.

Với tôi, đây là một chuyến đi thật nhiều điều mới lạ.

Nguyễn Thị Vui