Thực phẩm bẩn do chính chúng ta
Một lần, chúng tôi đi làm việc về muộn, anh đã đóng cửa rồi mà vẫn còn quay ngược xe trở lại mở cửa nấu cho chúng tôi một bữa cơm với thịt bò xào kiểu ở nhà. Rất quý. Nhưng khi tôi đặt một chân qua cửa bếp, anh đã hét lên hoảng hốt: “Đừng vào em ơi, Tây mà nhìn thấy anh không làm ăn được”. Tôi lúc đó cũng đóng bộ tử tế, trông không nhếch nhác gì, nhưng đơn giản, tôi không phải là đối tượng được phép đặt chân vào bếp. Tôi vừa từ ngoài đường bước vào, đi xuống bếp tức là đã không đảm bảo vệ sinh.
Tất nhiên cảm giác của tôi lúc ấy là hơi choáng, vì anh hô lên rất hoảng. Trong khi việc này ở Việt Nam vốn là vô cùng bình thường. Tôi biết rõ vì mẹ tôi là một thanh tra y tế. Bà thường xuyên phải tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn mình phụ trách. Và sau những cuộc ấy, bà đối mặt với một vấn đề rất lớn, là gần như bất khả thực thi các quy định về an toàn thực phẩm.
Chuyện bằng cái móng tay, xử lý cũng rất khó. Nếu làm đúng và làm đủ, thì một cái móng tay để dài của người phục vụ hay nấu bếp cũng phải xử lý. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế thì rất khó đóng cửa một cơ sở kinh doanh hay cưỡng chế các chủ cửa hàng nộp phạt vì nhân viên của họ để móng tay dài. Và một đoàn liên ngành như vậy, gồm quản lý thị trường, y tế, công an, vốn hàng ngày đã có hàng núi việc liên quan đến chuyên môn của mình. Mỗi quận, huyện có hàng nghìn nhà hàng, tình trạng “bẩn – sạch” diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong khi đoàn thanh tra mỗi năm lập được mấy lần, nên việc xử lý trở thành điều bất khả.
Sau những đợt kiểm tra là những lời than phiền bất lực. Tôi tin các cán bộ thanh tra cũng không thích thỏa hiệp, cũng muốn làm điều đúng, nhưng để một phòng chuyên môn cấp quận chưa đến chục con người phải nắm được hoạt động của hàng nghìn nhà hàng 365 ngày trong một năm, đến từng cái móng tay, tôi không nhìn thấy giải pháp.
Tôi không có ý định so sánh khập khiễng các tiêu chuẩn vệ sinh của châu Âu và Việt Nam nhưng câu chuyện xảy ra ở nhà hàng Wroclaw khiến tôi tự hỏi: Cái nhân tố “Tây mà nhìn thấy” ấy có thể xuất hiện ở nước ta không? – Một người nhìn thấy sự vi phạm và phản ánh nó.
Câu trả lời là không. Sẽ không có chuyện một ai đó gọi vào đường dây nóng nào đó phản ánh rằng cái nhà bếp và nhà vệ sinh của một nhà hàng nào đó bẩn không thể chấp nhận được. Họ thậm chí không có ý định tẩy chay nhà hàng đó. Cái sự “bẩn” được chấp nhận bởi chính khách hàng. Đến mức nếu có cơ sở kinh doanh nào không chấp hành quy định vệ sinh, rửa bát ngay trong chính toilet, họ cũng không buồn giấu khách hàng. Nếu ai có nhu cầu đi vệ sinh, họ sẽ chỉ thẳng vào đó. Chuyện vô cùng phổ biến.
Trong lời hô hoán của ông chủ nhà hàng ở Wroclaw, có hai khía cạnh: sự tự giác của chính anh; và cơ chế giám sát của người dân/thực khách. Nhưng tôi tin rằng cơ chế giám sát phải có trước rồi mới tạo ra được ý thức tự giác.
Đến đây lại phát sinh câu hỏi thứ hai: Giả sử có một người dân có ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng, thì họ sẽ phải làm như thế nào để phản ánh? Có một đồng nghiệp của tôi từng làm một phóng sự, bằng cách nhờ các khách du lịch nước ngoài gọi đến cái được quảng bá là “đường dây nóng” phản ánh sự cố dành cho khách du lịch. Đầu dây bên kia thậm chí còn không nói sõi tiếng Anh. Không có gì lạ. Nếu có ai đó có nhu cầu phản ánh điều gì, họ sẽ đối mặt với một bức tường thủ tục không thể vượt qua.
Sẽ không có lực lượng hành pháp nào đơn phương kiểm soát được hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm – bởi nó là thứ diễn ra hàng giờ ở quy mô vô cùng lớn. Và nếu như mỗi người không có ý thức tự bảo vệ, cũng như không có một cơ chế nào giúp toàn xã hội thực thi cái ý thức ấy, thì Tết sang năm, và nhiều Tết nữa chúng ta sẽ lại phải nói về chuyện này.
Càng gần Tết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ càng nóng. Và cứ mỗi lần đọc về chủ đề này, tôi lại nhớ đến những tiếng thở dài bất lực của mẹ tôi.
Đức Hoàng (Theo VnExpress)