Thuê bao di động tại Việt Nam đã vượt qua cả dân số, nhưng không phải ai cũng có điện thoại dùng
Dự kiến, tới năm 2021, số lượng thuê bao smartphone của Việt Nam sẽ tăng gấp hơn 3 lần.
Mới đây, Ericsson đã đưa ra báo cáo thị trường di động (Ericsson Mobility Report) và Báo cáo khu vực Đông nam Á và Châu Đại dương (South East Asia and Oceania Report) mới nhất, cập nhật định kỳ về xu thế thế giới và khu vực trên các lĩnh vực vùng phủ sóng, chất lượng mạng, tăng trưởng thuê bao di động.
Cụ thể, công ty này đưa ra dự báo, đến năm 2021, số lượng thuê bao smartphone của Việt Nam sẽtăng gấp hơn 3 lần so với năm 2015. Xét ở thời điểm cuối năm 2015, tỉ lệ thuê bao di động so với dân số Việt Nam đã đạt gần 150%, trong khi đó tỉ lệ thuê bao di động băng rộng đạt gần 40%.
Giải thích về con số 150%, nghĩa là lượng thuê bao di động vượt qua cả dân số, đại diện Ericsson cho biết, con số 150% phản ảnh có-một-lượng-không-nhỏ-người-dùng đang sử dụng cùng lúc 2 hoặc 3 thuê bao di động. Nhưng điều này không có nghĩa mọi người dân đều đang có điện thoại để dùng.
Trong khi đó, phải đến năm 2021, nghĩa là khoảng 5 năm nữa, Việt Nam dự kiến mới được xếp vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng thuê bao băng rộng di động nhanh nhất ở khu vực Đông nam Á, cùng với Myanmar, Indonesia, Philippines và Bangladesh.
Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Ericsson ConsumerLab cho thấy cứ 10 người sử dụng smartphone và Internet hàng tuần thì có 3 người hàng ngày luôn sử dụng tất cả các ứng dụng sau: mạng xã hội, trò chuyện trực tuyến, video xã hội (tức video trực tuyến miễn phí hay video chia sẻ trên các phương tiện truyền thông).
Cụ thể hơn, ở mức độ hàng ngày, hơn 70% đối tượng khảo sát sử dụng mạng xã hội, hơn 50% sử dụng dịch vụ trò chuyện trực tuyến và hơn 40% sử dụng dịch vụ video trực tuyến miễn phí hay video trên phương tiện truyền thông xã hội.
Trong đó, đối tượng sử dụng smartphone thường xuyên tại Việt Nam nghiêng hẳn về giới trẻ, với người dùng trong độ tuổi từ 16 – 24, chiếm tỷ lệ tới 47%.
Liên quan tới vấn đề triển khai mạng 4G tại nước ta, đại diện Ericsson chia sẻ, việc triển khai 4G hay 5G thực chất diễn ra rất nhanh, nhanh hơn mạng 3G hiện tại. Bởi vốn dĩ, 4G hay 5G đều tận dụng hạ tầng 3G sẵn có. Rào cản lớn nhất đối với các nhà mạng Việt Nam có lẽ là yếu tố giấy phép.
Ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar cho biết: “Để kinh doanh hiệu quả và tìm nguồn thu mới từ tăng trưởng dịch vụ dữ liệu di động, các nhà mạng cần tạo ra một môi trường có tính linh hoạt cao để cung cấp các dịch vụ mới, quản lý và ra mắt các sản phẩm đa dạng hơn một cách nhanh nhất. Sự sáng tạo cần dựa trên nền tảng một hệ sinh thái hiệu quả giữa nhà khai thác viễn thông, các đối tác và nhà cung cấp”.
Ở Việt Nam, mạng 3G/HSPA sẽ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống mạng viễn thông di động, đảm nhận phần lớn lưu lượng mạng. Việt Nam sẽ cần tiếp tục nâng cấp mạng WCDMA/HSPA, kết hợp với việc giới thiệu và phát triển các dịch vụ mạng LTE. Đặc biệt ở những khu vực có mật độ dân cư cao, sự kết hợp giữa 3G/HSPA và LTE trên RAN đa chuẩn (multi-standard) sẽ đảm bảo hệ thống mạng hiệu suất cao nhất.
Ông Jan cho biết thêm: “Khi mạng 4G/LTE ở Việt Nam chính thức vận hành, sẽ rất nhiều dịch vụ dữ liệu di động mới ra đời. Mạng xã hội và truyền hình trực tuyến vẫn tiếp tục phát triển và người Việt Nam sẽ được cảm nhận rõ hơn những giá trị ưu việt của các dịch vụ dữ liệu kết nối”.
Tóm lược báo cáo của Erisson
– Đến năm 2021, Việt Nam dự kiến sẽ thuộc nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng tỉ lệ thuê bao băng rộng di động nhanh nhất Đông Nam Á, cùng với Myanma, Indonesia và Philippines.
– Đến năm 2021, số lượng thuê bao smartphone của Việt Nam dự tính sẽ tăng gấp hơn 3 lần so với thời điểm hiện tại.
– Mạng WCDMA/HSPA vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống mạng viễn thông di động và cần được tiếp tục nâng cấp đồng thời với việc phát triển các dịch vụ mạng LTE.
Theo GenK