Hành Trình 1/4 thế kỷ

Tinh Vân Chí – Hồi thứ 5

Đăng bởi: editor | 9/12/2019

Gặp bão to, Tuấn Thảo Lư bóp cổ Liên Thị

Dụng khổ kế, Trương Tử Phòng bẻ tay Tuyết Sơn

Mùa thu năm Phổ Dụng Internet thứ hai, tức năm Kỷ Mão, thiên hạ thái bình thịnh trị. Dân chúng nô nức đua nhau vui đùa thư giãn, massage tắm hơi, bia ôm striptease. Lòng dân nhu mỳ, nhân tâm bình ổn. Lại thêm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Khắp bờ cõi chẳng có khủng bố bom thư, bốn phương trời không gặp dịch hạch bão tuyết.

Trong cảnh thanh bình an vui ấy, nhiều tỉnh và bộ ngành đã đầu tư tu sửa nâng cấp và xây mới nhiều thu viên rất hoành tráng. Thu viên gọi nôm na là các khu vườn mùa thu, là nơi dạo mát vãn cảnh, nơi con trẻ thoả thích nô đùa, nơi người già thảnh thơi thể dục, nơi tình nhân thoải mái yêu đương. Và là nơi thỉnh thoảng có người vào đọc sách. Mỗi thu viên thường rộng hàng trăm mẫu tây, bên trong trồng đủ các loại cây quí, mỗi cây đều được gắn biển RFID, đánh số phân loại rõ ràng, trồng thành hàng lối chu đáo. Đứng đầu các thu viên thời bấy giờ là Đại Thu Viên, toạ lạc ở Nam Thăng Long nổi tiếng nhiều trái ngon cây lạ. Đại Thu Viên lại có một hệ thống các thu viên nhỏ hơn, liên thông với nhau bằng bộ luật Hàn Tam Cửu Ngũ Thập (z3950). Nhìn chung thị trường rất sôi động náo nhiệt.

Lại bàn về thế sự, ngoài bốn nước lớn chia thiên hạ thành thế chân bàn như đã kể, thời kỳ này còn xuất hiện thêm hai nước đang phát triển nóng. Một là Cưu Ma Quốc nằm sát tả ngạn sông Hồng, tài nguyên phong phú, binh hùng tướng mạnh, do Cưu Ma Vương, tên tục là Lã Tế Mi nắm quyền bính. Vương tham vọng lắm, có ý nắm ngôi bá chủ võ lâm, thường nói với đám thuộc hạ: “Thiên hạ so với những quốc gia ngoài quốc doanh như ta liệu có nước nào hơn được Cưu Ma Quốc”. Nước thứ hai là Liêu Hoà Quốc – một công ty ngoại bang với tộc người Thái từ Tây Bắc tràn sang kết hợp với dân bản xứ mà thành. Liêu Hoà Quốc chuyên về cung cấp các giống cây trân quí cho các thu viên, sản vật cũng rất dồi dào.

Mùa xuân năm Canh Thìn, niên hiệu Computer Expo 2000, Cưu Ma Vương phái đại tướng là Trương Chu đưa thư sang Tinh Vân u tỳ quốc hỏi xin mượn đường để đem quân đánh chiếm Đại Thu Viên. Bọn Tinh Vân bèn rủ nhau ra tửu điếm cùng bàn kế sách. Hoàng Cân nâng chén nói: “Cưu Ma Quốc là nước lớn, nay lại gửi chiến thư ý hẳn muốn mượn đường diệt Quắc, nói là đánh Đại Thu Viên mà kỳ thực định chiếm Tinh Vân. Các huynh đệ có cao kiến gì chăng?”. Phi Nễ nghe vậy liền đập bàn quát: “Tinh Vân ta tuy nhỏ nhưng há để ngoại bang dễ dàng bắt nạt!”. Tiểu Dậu trầm ngâm phân tích: “Quân sĩ ta tuy ít, nhưng nếu đem nghênh với loạn binh của địch có thể lấy một chọi mười, hay ta cứ dàn một trận tử chiến cho rõ logic trắng đen”. Tử Phòng khẳng khái đứng dậy: “Tại hạ đêm qua đã luyện thành Lý Bồn Thu Viên chưởng, phiên bản đạt tới 5.5 thành hầu hoả, xin được cầm binh trận này”.

Đương lúc cả bọn say sưa bàn bạc, bỗng nghe có tiếng từ xa vang lại: “Không cần đánh! Không cần đánh!”. Nhìn ra thấy một thanh niên thân hình cao nhẳng, mặt xương vai gầy, đang cưỡi trên một con la cái béo quay ung dung phi tới quán. Thanh niên tay phải cầm thương, tay trái cầm khiên, trên khiên có biểu tượng hoá học của phân tử oxy. Thỉnh thoảng chàng lại dùng thương chọc chọc vào khiên, miệng cười lơi lả, phong độ phi phàm. Hoàng Cân nhìn thoáng qua biết không phải người thường mới chạy ra tận cửa đón: “Xin các hạ cho biết quí danh”. Thanh niên buộc la rồi vòng tay đáp: “Tiểu đệ họ Tuấn tên Thảo Lư”. Hoàng Cân nghe tên chợt giật mình mà hỏi: “Phải chăng là Tuấn Thảo Lư ở Hà Đông, nổi danh thiên hạ, lấy đầu dự án tầm kinh phí trăm vạn đô dễ dàng như thò tay lấy đồ trong túi?”. Thảo Lư đáp: “Không dám, tiểu đệ từ lâu đã nghe danh Tinh Vân là nơi thu nạp hiền tài, nay cũng muốn tỏ chút công trạng mong được ghi danh”.

Nguyên Tuấn Thảo Lư quê ở Hà Đông, đoạn ngã ba Ba La Bông Đỏ. Ngày Lư thôi nôi, người nhà cho bày các vật nhỏ để bé chọn, ý muốn xem sau làm nghề gì. Thấy bé Lư chẳng để ý gì đến những sách bút, kim chỉ hay súng gỗ, kiếm nhựa, mà chọn ngay hai viên bi sứ rất to nâng lên nâng xuống, miệng cười khanh khách xem chiều thích thú. Cha mẹ Lư buồn lắm, nghĩ sau con mình chắc chỉ lêu lổng chơi bời đánh bi đánh đáo. Nào ngờ Lư lớn lên rất thông minh đĩnh ngộ, học hành tấn tới, suốt kỳ phổ thông không năm nào phải lưu ban.

Năm hai mươi ba tuổi, nhân kỳ nghỉ ở biển Cửa Lò Lư có làm quen được với Liên Thị là người cùng đoàn – một thiếu nữ xinh đẹp nõn nà, cảm thấy tâm đầu ý hợp. Lư vốn người vùng sông nước, lại có khiếu thể thao nên thường đưa Liên Thị ra biển tập bơi, khi nâng mông, lúc đỡ ngực, thế rồi yêu nhau lúc nào chẳng hay. Một bữa đương tập bơi thấy có ngư ông râu tóc bạc phơ ngồi thuyền thúng câu mực gần đó, hai người xin lên ngồi chơi, lại xin cho dong thuyền ra đảo Hòn Ngư. Chẳng may lúc sau gặp bão, con thuyền mảnh dẻ bị sóng đánh tơi bời cơ hồ muốn đắm. Nghĩ không thoát được tử nạn, Thảo Lư mới ôm chặt người yêu mà thì thầm vào tai rằng: “Ta với nàng tuy không sinh cùng giường, nhưng nguyện chết cùng thuyền”. Liên Thị nức nở: “Ở đời thiếp sợ nhất chết đuối, nay được chết ngạt trong tay chàng thì còn gì bằng”. Thảo Lư gạt lệ quay sang giã biệt ngư ông, đoạn một tay bóp cổ Liên Thị, một tay tự bóp cổ mình. Bóp được một hồi thì đột nhiên trời quang mây tạnh, nới tay nhìn ra, thấy ngư ông đang vuốt râu mỉm cười. Lão vỗ vỗ vai Lư mà rằng: “Ngươi nặng nghĩa, lại trọng tình, hậu vận rất tốt. Này ta có bảo bối tặng ngươi, về theo đó mà học, ắt nên nghiệp lớn”. Nói rồi đưa Lư một cuốn sách nhàu nát, bìa đề “Cử Viên tâm pháp”, rồi cầm mái chèo đập mạnh vào đầu Lư. Lư choáng váng ngất đi, đến khi tỉnh lại chẳng thấy thuyền thúng với ông già đâu nữa, lại thấy mình với Liên Thị đương nằm tênh hênh trên bãi cát, quần áo đã bị sóng đánh tan đi cả, duy tay vẫn nắm chặt cuốn sách được tặng. Bèn đưa Liên Thị về nhà làm lễ cưới linh đình.

Qua tuần trăng mật Lư mới giở “Cử Viên tâm pháp” ra xem, thấy chứa đựng hầu hết các phép nhiệm màu trong thuật kinh doanh dự án, cảm giác vô cùng kỳ thú, rồi cứ thế tự mình mầy mò nghiên cứu. Qua ba năm nội công tăng tiến tột bậc, biết đã luyện thành thần chưởng. Thảo Lư thử đem vài tuyệt chiêu trong Cử Viên tâm pháp ra vùng vẫy ngoài thương trường, quả nhiên rất hiệu nghiệm, từ đó nổi tiếng là đại cao thủ, một tay thương một tay khiên tung hoành Bộ Y tế, độc chiếm nhiều dự án quan trọng.

Lại nói Hoàng Cân thấy Tuấn Thảo Lư muốn ra nhập Tinh Vân thì cả mừng, vội đưa Lư vào bàn mà giới thiệu cùng đám Tinh tướng. Cả bọn hồ hởi lắm, cạn chén liên hồi. Riêng vợ chồng Hắc Bạch song sát là Thu Cô với Chí Du Tử trước đã từng đi lại với Lư, nay gặp cố nhân lại càng phấn khởi ra mặt. Vậy là sau khi có thêm Tuấn Thảo Lư, cơ cấu hội đồng quản trị Tinh Vân đã tạm thời định hình, bao gồm chín người là Đại Môn, Tiểu Dậu, Trung Đoàn, Hoàng Cân, Tiểu Thất, Phi Nễ, Thu Cô, Tử Phòng và Thảo Lư. Những người theo Đạo giáo thường gọi đám người này là Tinh Vân Cửu Tiên. Hôm đó nhằm ngày Siêu Thị tháng Ân Điểm năm Canh Thìn.

Bọn Nễ, Đoàn, Dậu trong lòng vẫn đương bực chuyện đưa thư mượn đường mới sốt ruột hỏi Lư: “Lúc nãy đệ nói không cần đánh là nghĩa làm sao?”. Lư đáp: “Đánh mà thây chất đầy đồng, nguyên khí suy kiệt, tuy chưa chắc thua nhưng hai ba năm mới hoà được vốn, so với không đánh mà bảo toàn tinh lực, giữ nguyên ngân khố, lại có thể giành hết các thu viên lớn nhỏ trong thiên hạ, việc nào lợi hơn?”. Cả bọn lấy làm lạ, hỏi phải làm thế nào. Lư bảo: “Việc này phi Hồ Vĩnh tiên sinh và Tuyết Sơn kiếm sĩ ra, không ai làm được”. Chuyện đến đây không nói tiếp nữa.

*****

Lại kể về Cưu Ma Vương một sáng ngủ dậy vào Internet check mail thấy có thư reply của bọn Tinh Vân. Cưu Ma Vương đọc thư đến lần thứ ba mới hiểu ra thâm ý, đùng đùng nổi giận, bèn tức tốc sai Trương Chu làm đại nguyên soái, Kim Cô làm hữu tướng, Thân Tế làm tả tướng, điểm hơn năm mươi quân tinh nhuệ thuộc Nhu liệu đường sang triệt hạ Tinh Vân, rồi nhân đó thuận đường sẽ sang chiếm luôn Đại Thu Viên.

Ngày Hợi tháng Dậu năm Tân Tị, Trương Chu dẫn đại quân kéo đến chân thành Tinh Vân. Lạ thay, cổng thành mở toang. Trong thành không một bóng người. Trương Chu lấy làm lạ nhìn lên tháp Vinaseek dựng nơi cổng thành, chợt thấy một chân nhân đầu đội khăn xếp, mắt đeo kính râm, tay xoắn ria mép. Chân nhân ngồi trầm ngâm hút thuốc, khói thuốc hư ảo từ miệng phun ra thành hai chữ H và V viết hoa rất to lồng vào nhau. Trương thấy thế cả sợ nói với tả hữu: “Đó chính là Hồ Vĩnh tiên sinh”. Nguyên Hồ Vĩnh người làng Phúc Thuỵ, thành Huế. Thuở nhỏ binh biến phải lưu lạc sang Mỹ quốc, học được thuật sư tử hống, sau trở lại Việt Nam làm trưởng đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho một tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia. Gia sản ức vạn. Hồ Vĩnh ngày ngày lấy việc rong chơi với bọn Tinh Vân làm vui, thường được ví là quân sư của Tinh Vân.

Hút xong điếu thuốc, Hồ Vĩnh mới thong dong đứng dậy cầm chiếc Nokia 6310i trỏ xuống đám quân Trương Chu mà bảo rằng: “Mời vào thành!”. Âm thanh nhỏ mà ngân vang không dứt. Trương Chu ngoảnh lại bảo tả hữu: “Cưu Ma Vương thường nói Hồ Vĩnh là mãnh hổ đời nay, các ngươi không nên khinh địch”. Một lát Hồ Vĩnh lại bảo: “Mời vào!”. Âm thanh như sóng cuộn. Thấy quân Trương Chu vẫn im phắc không động cựa, Hồ Vĩnh cả giận bèn vận khí vào đan điền, xoắn ria trợn mắt quát lớn: “Vào không vào, lui không lui, là cớ làm sao?”. Âm thanh to như tiếng sấm, vang xa ngoài trăm dặm. Hồ quát chưa dứt lời đã thấy Thân Tế là tả tướng quân bên Cưu Ma Quốc khiếp sợ quá đứt ruột ngã lăn khỏi chiếc Spacy. Quả là trẻ nít làm sao chịu được tiếng gầm của hổ báo. Trương Chu không dám khinh động, truyền lui quân đóng trại.

Bữa đó Trương Chu đương ngồi buồn bực trong trướng thì lâu la bẩm báo có kiếm sĩ bên Tinh Vân tên là Phi Tuyết Sơn xin vào yết kiến. Trương nghi lắm, truyền cho vào rồi hỏi: “Ngươi bỏ Tinh sang Cưu phải chăng định làm nội gián?”. Tuyết Sơn mặt hơi tái vì đau đớn, đáp: “Tại hạ ở Tinh Vân xưa nay công trạng không ít, hôm qua chỉ mắc chút lỗi nhẹ mà bị đại tướng quốc là Trương Tử Phòng bắt tỷ võ rồi bẻ gãy tay, trong lòng cảm thấy không phục”. Đoạn đưa cánh tay phải gãy lủng lẳng cho Trương Chu xem. Trương bắt chụp X-quang, thấy gãy thật, bấy giờ mới tin, bèn sai nội y bó bột cho rất chu đáo. Tuyết Sơn nhân đó bảo Trương rằng: “Bên Tinh Vân Tử Phòng đã luyện thành Lý Bồn thần chưởng, lại song kiếm hợp bích với Toàn Văn tâm kinh của Đại Môn, đương nhiên là môn võ công thiên hạ vô địch, e rằng tướng quân không phải đối thủ. Tinh binh lại mai phục kín trong thành, nay kéo quân vào một chết một, vào mười chết mười. Sao tướng quân không nhân cơ hội này, giả đánh Tinh mà quay sang đánh úp Liêu Hoà Quốc, vừa lập công lớn, vừa đỡ tiêu vong”. Trương lòng vốn đã e ngại, nay nghe lời khuyên đúng ý thì vỗ đùi khen phải. Đoạn truyền cất trại rồi đưa quân vòng sang đánh Liêu Hoà Quốc.

Mùa đông năm ấy quân Trương Chu đánh Liêu Hoà ở biên giới gần Bách Khoa miếu đường. Quân Liêu tan tác, khiên giáp tả tơi, quân Cưu đại thắng nhưng cũng hao binh tổn tướng rất nhiều. Trương Chu bèn viết thư về xin thêm viện binh và quân lương để tiếp tục kéo sang đánh Đại Thu Viên. Cưu Ma Vương thấy tình hình thuận lợi mới tự mình điểm thêm hơn trăm quân tinh nhuệ, kéo đến hợp với đám quân của Trương, cùng nhau hoàn thiện qui trình, chấn chỉnh lực lượng, uy thế rất lớn.

Mùa xuân năm Nhâm Ngọ đại quân Cưu Ma Quốc rầm rập kéo đến thành Đại Thu Viên, khí thế vô cùng dũng mãnh. Nào ngờ tới nơi thì thành đã bị chiếm mất rồi. Trên thành phần phật tung bay lá cờ với logo hai sắc xanh đỏ truyền thống của Tinh Vân. Cưu Ma Vương với Trương Chu chột dạ, ngỡ ngàng nhìn lên đã thấy bọn Tinh tướng là Quang Phi Nễ, Trương Tử Phòng với Tuấn Thảo Lư đương vui vẻ uống rượu trên thành, tiếng nhã nhạc đàn sáo tưng bừng. Thấy Trương Chu, Phi Nễ cả cười vẫy tay chào nói: “Tướng quân bấy nay vẫn mạnh giỏi chứ, bọn ta đợi ở đây đã lâu lắm rồi”. Lại thấy Tuyết Sơn kiếm sĩ đang đứng hộ giá cạnh Tử Phòng, tay trái cầm gươm, tay phải bó bột, từ trên thành nói vọng xuống: “Đa tạ tướng quân đã nghe mưu”. Trương Chu thấy thế nộ khí xung thiên, hét to lên một tiếng. Năm đó vừa tròn bốn mươi hai tuổi. Đời sau có thơ rằng:

Muốn biết đời sau có thơ như thế nào, tính mạng Trương Chu ra sao, Trương Tử Phòng liệu có thi triển thành công Lý Bồn chưởng pháp ở Đại Thu Viên không, đón xem hồi sau sẽ rõ.

LỜI BÀN CỦA ÔNG MAO HUY CƯƠNG

Hỏng bét. Hỏng bét. Trong suốt bốn chương (hồi) lịch sử Tinh Vân, chưa một lần nào đám hảo hớn Tinh Vân tráng sĩ phải dùng đến mưu mẹo để bù đắp cho võ nghệ, dùng tà đạo mà thắng chính nghĩa. Sức mạnh của Tinh Vân khi đó luôn là sự kết hợp hài hoà giữa tình cảm của Hoàng Cân với nội công của Đại Môn, giữa thanh quản của Phi Nễ với binh pháp của Tử Phòng. Trong sáng lắm, đáng trọng lắm. Trong thu phục hết lòng người, ngoài móc nối được dự án, ai ai cũng vì nể.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Giá mà thiên hạ thái bình, bờ xôi ruộng mật, cuộc sống chẳng đưa đẩy bon chen, đất chưa nứt ra đám Cưu Ma, Liêu Hoà, độc giả có lẽ ngủ gật trước khi xem hết hồi 5, cám cái cảnh Tinh Vân nghĩa khí đến mức nhàm chán, suốt ngày đi thu phục cao thủ võ lâm, người nào cũng tốt, cũng giỏi. Tất nhiên, để ngủ được còn phải thêm một cái “giá mà…”. Giá mà không xuất hiện Tuấn Thảo Lư.

Lịch sử để lại nhiều khảo dị, ghi chép về Tuấn Thảo Lư, người Hà Đông. Ngoài sức khoẻ hơn người, Lư là người bình sinh thích dùng mưu kế, đến mức đá bóng cũng phải nghĩ mẹo lừa lọc, rê qua đối thủ. Lại thêm có “Cử Viên tâm pháp” trong tay, lại càng đắc dụng. Có lần chỉ dùng một hòn bi sứ, Lư vận công lấy được mẩu sừng của một con tê giác đứng cách hơn 200 trượng, chẳng tốn một giọt mồ hôi, được ba quân tung hô như sấm. Tương truyền, dịp gặp Liên Thị ở Cửa Lò, Lư đã có chủ ý từ trước. Chờ lúc gặp bão, Lư quay sang ghé tai bảo ngư ông: “Cứ thế! Cứ thế!..”, rồi mỉm cười quay ra bóp cổ. Chẳng biết chuyện ấy có thật hay không, nhưng qua đó đủ biết Thảo Lư cũng thảo mai ra phết.

Chả gì Lư vừa gia nhập, quang cảnh Tinh Vân đã nhuộm đẫm ánh tà dương, với bóng Hồ Vĩnh tiên sinh thấp thoáng. Tiểu Dậu bỗng dưng viết e-mail có thâm ý. Tử Phòng đâm ra thích trò cuồng bạo. Chưởng lực của Thảo Lư hư ảo như thế, Lã, Trương liệu có cơ gì. Thử hỏi, trong chuyện này ai mắc bẫy ai?

Thực ra, Cưu Ma Vương là người biết nghe lẽ phải, lại nắm được mệnh trời, biết bắt cái nhỏ thực, thâu tóm Liêu Hoà Quốc, còn hơn đuổi cái lớn hư, không thèm đánh đu ở Đại Thu Viên, tỏ rõ khí độ của một đại gia vậy. Tiền nhân đã dạy, “ở hiền gặp lành..”, “tránh voi chẳng xấu..”, ở đời thắng thua một trận cũng là lẽ thường, ăn nhau chủ yếu về hậu. Mấy năm vừa qua, nghe nói Cưu Ma Quốc được mùa, đánh đâu thắng đấy, đất trải mênh mông, dự án thu về không kịp xây chuồng mà nhốt, cũng là mừng cho Tinh Vân lắm. Mừng cho voi ít, cỏ nhiều, anh hùng thiên hạ lại được chung nhau mà sống, mà toả sáng.

Cứ cái đà có hậu này, hồi 6 chưa ra đã hết cả giật gân, liệu có còn lôi cuốn? Nói vậy thôi, chứ văn phong Tinh Vân Chí huyền ảo, kỳ bí, càng luận càng ra, có thể biến cái hư thành cái thực, tinh tế vô cùng, rất khó cho việc phê bình.

 Đúng như nhận định của ông BTC: “Dzậy, mà hổng phải dzậy..”

Mao Huy Cương

Đại Thu Viên Paris 8/2005