Tỷ lệ người lao động ngành phần mềm Việt “nhảy việc” ngày càng cao
Ngành phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng 10 – 15%
Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2016 – 2020 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) diễn ra trong 2 ngày 23 – 24/4/2016 đã thống nhất đánh giá: trong giai đoạn 5 năm vừa qua, sự suy giảm chung của kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước đã khiến ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam có sụt giảm nhiều về tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn duy trì được ở ở mức 10-15%/năm, là một ngành tiên phong luôn phát triển nhanh gấp 2 – 3 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế.
Trong báo cáo đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ III (2011 – 2015), VINASA cũng cho biết, doanh thu phần mềm đã tăng từ 1,06 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 1,6 tỷ USD năm 2015 và doanh thu dịch vụ nội dung số năm 2015 cũng đạt trên 1,6 tỷ USD. Tính chúng doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2010 lên trên 3 tỷ USD năm 2015. Năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3 – 10 lần, mức cao nhất đạt trên 20.000 USD/người/năm. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 – 95%.
Cùng với đó, từ năm 2011 – 2015, nguồn nhân lực ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số tăng trưởng trung bình khoảng 10%/ năm, thấp hơn từ 2 – 3 lần so với giai đoạn 2005 – 2010. Đội ngũ doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT đã có sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô, trình độ công nghệ cũng như về quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh những công ty lớn có quy mô trên 1.000 lao dộng tiếp tục duy trì sự phát triển tốt như FPT, VTC, TMA, VNG, đã xuất hiện nhiều công ty mới có quy mô nhân lực đạt 200 – 500 người như VMG, Luvina, Fujinet, KMS…
Giai đoạn vừa qua, tuy có sự chững lại của các công ty phục vụ thị trường trong nước nhưng lại ghi nhận sự phát triển sôi động cả về quy mô và số lượng công ty làm dịch vụ outsourcing với nước ngoài, đặc biệt là với thị trường Nhật. Có nhiều công ty trong lĩnh vực này tăng trưởng rất tốt, lên hơn 100 – 200 người chỉ trong 2 – 3 năm như KMS, Rikkiesoft, NTQ… Đồng thời, có những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu lên tới 100%/năm.
Ngoài ra, xét về trình độ công nghệ, theo đánh giá của VINASA, ở những lĩnh vực đang là xu thế phát triển trên thế giới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn hay di động, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt trình độ ngang với các doanh nghiệp trên thế giới.
Trong nước “lao đao”, xuất khẩu “khởi sắc”
Phân tích của VINASA cũng cho thấy, thị trường trong nước của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam trong 5 năm qua chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế, khiến cho đà tăng trưởng sụt giảm mạnh so với giai đoạn 2005 – 2010. Thị trường trong nước bị ảnh hưởng lớn nhất bởi 2 phân khúc chính là ứng dụng CNTT trong khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp do cả 2 phân khúc này đều bị cắt giảm nguồn vốn dành cho đầu tư ứng dụng CNTT.
“Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, khu vực thị trường nhà nước còn khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ CNTT, gây cản trở sự phát triển của phân khúc thị trường này. Tình trạng khó khăn đã khiến một số doanh nghiệp hoạt động tại thị trường nội địa phải chuyển hướng kinh doanh, thậm chí là giải thể”, báo cáo của VINASA nêu rõ.
Trái ngược với thị trường trong nước, VINASA nhận định thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam 5 năm qua đã đạt được tốc độ phát triển cao, từ 30 – 40%/ năm. Kết quả này, theo VINASA là nhờ nỗ lực đón bắt làn sóng dịch chuyển thị trường dịch vụ gia công phần mềm của các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là của Nhật Bản, chuyển từ 2 trungtaam là Trung Quốc và Ấn Độ sang các nước khu vực Đông Nam Á. Sự ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô cũng là yếu tố giúp đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất về gia công phần mềm của các đối tác Nhật. Việt Nam trở thành đối tác yêu thích số một của Nhật, với lượng đơn đặt hàng và giá trị tăng nhanh chóng, từ năm 2013 đã soán ngôi vị số hai của Ấn Độ. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ và châu Âu tiếp tục duy trì sự tăng trưởng tốt từ 20 – 30%.
Đáng chú ý, năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam trong 5 năm qua cũng đã đạt được những thành tựu nổi bật, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Cụ thể, năm 2014, Việt Nam nằm trong Top 10 các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm theo báo cáo của Gartner; trong các năm 2010 – 2015, TP.HCM và Hà Nội lọt vào Top 20 trong danh sách 100 điểm đến hấp dẫn nhất về gia công phần mềm thế giới, theo báo cáo của Global Services-Tholons; Từ năm 2013, Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ hai của Nhật trong gia công ủy thác phần mềm, chỉ đứng sau Trung Quốc, theo báo cáo của cơ quan xúc tiến CNTT Nhật Bản.
Và năm 2015, theo báo cáo về kinh tế ứng dụng di động của Viện Chính sách Tiến bộ (PPI, Mỹ), Việt Nam đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Chỉ số của Việt Nam là 1.83 cao hơn nhiều so với 2 nước đứng sau là Singapore và Indonesia (1.37), bỏ xa các nước Philippines (0.9), Malaysia (0.75) và Thái Lan (0.35).
Thiếu hụt nguồn nhân lực vẫn là hạn chế lớn
Bên cạnh những thành tựu quan trọng, VINASA cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế đã và đang cản trở sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.
Theo đánh giá của VINASA, điểm yếu thứ nhất chính là hạn chế về quy mô và trị trường. Tuyệt đại đa số các doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ nên không có sự tập trung về nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và sức cạnh tranh thấp. Do quy mô nhỏ nên phần lớn doanh nghiệp không đầu tư được cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) do đó hầu như không tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo, đột phá, có vị trí trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, một điểm hạn chế rất đáng lưu tâm nữa là các doanh nghiệp chưa tạo được sự liên kết ngành hiệu quả để hợp tác, chia sẻ công việc, nâng cao năng lực cạnh tranh, quy mô và thị trường ở nước ngoài cũng như để nâng cao khả năng tham gia thực hiện các dự án CNTT lớn ngay tại thị trường trong nước.
VINASA cũng chỉ rõ, sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng vẫn là một hạn chế lớn của ngành. Dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 400.000 người trong khi toàn bộ hệ thống 290 trường ĐH-CĐ và khoảng 150 cơ sở đào tạo về CNTT trong cả nước hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 250.000 người. Ngoài ra chất lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của sinh viên mới ra trường rất hạn chế.
“Sự thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao dẫn đến tình trạng tranh giành nhân lực giữa các doanh nghiệp, tỷ lệ người lao động nhảy việc ngày càng cao, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với nhà đầu tư”, VINASA cho hay.
Bên cạnh đó, một hạn chế cũng làm cản trở sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam là điều kiện hạ tầng. Cả nước hiện chỉ có Khu công viên phần mềm Quang Trung tại TP.HCM là đáng kể về quy mô và sự hoàn thiện hạ tầng nhưng cũng chỉ giải quyết được nơi làm việc cho trên 100 doanh nghiệp. Hiện nay tuyệt đại đa số các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT quy mô nhỏ và vừa nằm tản mát với điều kiện hạ tầng hạn chế do phải đi thuê trụ sở, địa điểm hoạt động phân tán…
Theo ICT News