Việt Nam nằm trong top các nước mới nổi về gia công phần mềm
Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực về gia công phần mềm, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.
Trong khuôn khổ hội nghị gia công CNTT Việt Nam (VNITO), bà Yuko Adachi, Phó chủ tịch nghiên cứu của Gartner tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã có bài phát biểu về tiềm năng, thách thức và hướng phát triển của thị trường gia công phần mềm CNTT trong và ngoài nước.
Bà Yuko Adachi, Phó chủ tịch nghiên cứu của Gartner tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, phát biểu trong hội thảo. |
Theo đó, bà cho biết, Việt Nam hiện là một trong những nước được quốc tế đánh giá cao trong khu vực, nằm trong top các nước mới nổi bao gồm: Thái Lan, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Sri Lanka… Một số nước không nằm trong danh sách do cơ sở hạ tầng còn thấp nhưng đang có sự bứt phá mạnh mẽ như Myanmar cũng được bà Yuko chú trọng nhắc đến. Điều này cho thấy, các nước trong khu vực đang có sự phát triển và cạnh tranh khá gay gắt.
Điểm mạnh của Việt Nam so với các nước trong khu vực chính là lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp. Bà Yuko Adachi cho biết: “Hiện nay chi phí nhân công của Việt Nam đang ngày càng cao, do cuộc sống đang ngày càng đi lên. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, cụ thể như Trung Quốc thì chi phí lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn từ 20-30%.”
Không thể phủ nhận, chi phí lao động luôn là một tiêu chí mà các công ty quan tâm hàng đầu khi đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam. Bên cạnh chi phí thấp, lực lượng lao động dồi dào thì cơ sở hạ tầng và khả năng thích ứng của lao động Việt Nam cũng được đánh giá cao trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm gia công phần mềm CNTT trong khu vực ASEAN.
Bà Yuko Adachi |
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, Việt Nam vẫn tồn tại khá nhiều thách thức khiến sức cạnh tranh bị hạn chế. Trong đó, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ kỹ sư, lập trình viên của Việt Nam chưa thực sự tốt. Môi trường đào tạo, giáo dục cũng chưa đi sát với thực tế. Ngoài ra, một trong những vấn đề nhạy cảm khiến nhiều quốc gia trên thế giới e ngại khi làm việc với Việt Nam chính là vấn đề an toàn thông tin (an ninh mạng) và bản quyền tại Việt Nam còn khá yếu.
Bà Yuko nhận định: “Hiện nay đã có nhiều công ty Việt Nam bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề bảo mật bằng việc sử dụng các phần mềm bản quyền. Tuy nhiên, vấn đề này cần được chính phủ chú trọng hơn nữa để mang đến sự yên tâm cho những nhà đầu tư vào Việt Nam khi quyết định chuyển giao các dữ liệu, thông tin quan trọng giữa các đối tác trong và ngoài nước.”
Vì vậy, tuy được đánh giá là một trong những nước giàu tiềm năng, nhưng bà Yuko Adachi cũng thừa nhận trong những năm vừa qua, hợp đồng gia công của Việt Nam còn rất ít, không tương xứng với tiềm năng của thị trường trong nước. “Tuy nhiên, tôi cũng rất vui mừng chia sẻ từ năm 2014 đến nay, hợp đồng gia công phần mềm của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng tốt”.
Trước những cơ hội và thách thức trên, bà Yuko Adachi đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường gia công phần mềm. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là chi phí và trình độ nhân công. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ giữa các nhà cung cấp, các hiệp hội CNTT và chính phủ để giải quyết các mối quan tâm về an ninh dữ liệu. Chuẩn bị tốt cho các cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và giữa các quốc gia bằng cách củng cố các dịch vụ lao động, tìm và phát huy thế mạnh của mình.
Theo ICT News